Ngôi nhà chung của người làm báo
Với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng trở thành ngôi nhà chung của người làm báo, thắp lên 'ngọn lửa' đam mê, tạo động lực để người 'cầm bút' phát huy sở trường, có nhiều tác phẩm đạt chất lượng.
Hỗ trợ hội viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ
Trước hết phải thấy rằng, hội rất quan tâm công tác nâng cao chuyên môn nghiệp vụ hội viên. Đây cũng là mong muốn của đông đảo hội viên. Theo đó, hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho hội viên nhà báo là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí địa phương, đội ngũ cộng tác viên truyền thông báo chí ở các ngành, các địa phương trong tỉnh.
Năm 2022, Thường trực Tỉnh hội phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam mở 2 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí địa phương. Đầu năm 2023, Thường trực Tỉnh hội đã xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục mở 1 - 2 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Dự kiến cuối tháng 4/2023, Thường trực Tỉnh hội sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, hội viên nhà báo.
Tỉnh hội chỉ đạo Ban Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Sóc Trăng, Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng tham mưu cho lãnh đạo cơ quan báo chí tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên đơn vị nhằm nâng cao năng lực tác nghiệp của hội viên để từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cơ quan.
Theo Nhà báo Giang Chí Bảo - Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Sóc Trăng, năm 2022, Ban Thư ký chi hội tích cực tham mưu thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng tin, bài do lãnh đạo báo đề ra. Điển hình như tham mưu Ban Biên tập Báo Sóc Trăng tổ chức tọa đàm Nâng cao nghiệp vụ báo chí năm 2022 với chủ đề “Phương pháp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí để tham dự các giải báo chí, đặc biệt là Giải Búa liềm vàng năm 2022”; sinh hoạt nghiệp vụ “Phương pháp tìm đề tài thực hiện kế hoạch hàng tháng”. Nhiều nội dung, vấn đề được “mổ xẻ”, phân tích tỉ mỉ trong buổi tọa đàm, sinh hoạt nghiệp vụ; phóng viên, biên tập viên có thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, lên ý tưởng cho đề tài, có sự đầu tư bài bản, chỉn chu cho tác phẩm báo chí.
“Tiếp lửa” đam mê cho người làm báo
Thường niên, hội đã tổ chức “sân chơi nghiệp vụ”, góp phần cải thiện tay nghề của các nhà báo. “Đặc sản” đó là Giải Báo chí tỉnh được tổ chức định kỳ từ năm 2016 đến nay. Theo Thạc sĩ Tạ Đình Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, năm 2022 là năm thứ 6 Sóc Trăng tổ chức giải báo chí cấp tỉnh. Qua 6 mùa giải, thu hút đông đảo hội viên, phóng viên tham gia với 539 tác phẩm. Thường trực Tỉnh hội cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chi hội, Câu lạc bộ Nhà báo nữ tỉnh vận động hội viên gửi tác phẩm báo chí tham gia các giải báo chí toàn quốc như: Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Phòng, chống tham nhũng; Tài nguyên - Môi trường; Thông tin đối ngoại; Phan Ngọc Hiển; tấm gương Dân vận khéo, Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc… Kết quả, có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi, giải báo chí, liên hoan phát thanh, liên hoan truyền hình cấp toàn quốc. Riêng năm 2022, có 2 tác phẩm của hội viên đạt giải ở Giải Báo chí toàn quốc viết về đồng bằng sông Cửu Long; một số tác phẩm khác cũng nhận giải ở Giải báo chí toàn quốc về môi trường, Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2022, Cuộc thi viết “Từ trong ký ức” do Báo Người lao động tổ chức…
Phóng viên Báo Sóc Trăng (thứ 2 từ trái qua), Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng (bìa phải) tác nghiệp đưa thông tin về chuyến đi chúc Tết ở các nhà giàn DK1. Ảnh: NGỌC HẢI
Cũng từ năm 2019 đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vòng sơ khảo cấp tỉnh Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng. Qua 4 năm tổ chức đã có 215 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham gia. Về chất lượng tác phẩm, qua đánh giá chung cho thấy có sự cải thiện, có những tác phẩm đi vào chiều sâu, tạo đột phá về nội dung, riêng năm 2022, 45 tác phẩm tham gia, hầu hết đáp ứng được tiêu chí cuộc thi đề ra.
Nhà báo trẻ Nguyễn Thị Kim Sang, công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng chia sẻ: “9 năm với nghề, cái được lớn nhất mà tôi cảm thấy bản thân đã cháy hết mình. Chi hội thông tin về các giải báo chí, tôi nhiệt tình tham gia. Giải thưởng cao nhất hiện tại tôi đạt được là giải A tại cuộc thi báo chí viết về công tác giảm nghèo toàn quốc, cùng với đó là các giải C, giải B cũng ở cuộc thi này. Ngoài ra, còn có các giải đồng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc, các bằng khen tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, các giải nhì, giải ba tại Liên hoan Các đài phát thanh, truyền hình cụm Nam sông Hậu, các giải khuyến khích, giải B tại các cuộc thi cấp toàn quốc và khu vực do các ngành tổ chức về đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân vận khéo, thông tin đối ngoại, về nông dân, báo chí viết về đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả này ngoài sự nỗ lực của bản thân chính là sự hết lòng với nghề từ các anh chị đồng nghiệp trong ekip. Qua đó đã góp phần động viên tinh thần rất lớn để bản thân tiếp tục quan tâm đầu tư các tác phẩm chất lượng dự thi, góp phần nâng cao nghiệp vụ”.
Qua từng năm triển khai cũng như phát động hội viên tham gia các giải báo chí trong tỉnh, toàn quốc, không những tạo cơ hội cho anh chị em làm báo rèn luyện tay nghề, đúc kết kinh nghiệm chuyên môn mà còn động viên kịp thời đội ngũ hội viên, nhà báo nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu tìm đề tài, bám sát cơ sở, có những bài viết sinh động, mang hơi thở cuộc sống; có sự đầu tư, sáng tạo, có góc nhìn đa dạng, đa chiều thể hiện trong tác phẩm báo chí. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình hỗ trợ đầu tư sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, qua xét chọn của Tỉnh hội từ các đề cương hội viên xây dựng, tạo nền cho hội viên có sự đầu tư, chăm chút cho tác phẩm báo chí nâng cao chất lượng.
Gắn bó với nghề báo, mỗi hội viên đều mong muốn nâng cao tay nghề, điều đó rất cần sự quan tâm của hội nhà báo, lựa chọn hình thức, nội dung bồi dưỡng, tập huấn các lớp phù hợp với nhu cầu hội viên. Bên cạnh đó, gắn kết hội viên thông qua buổi họp mặt đầu xuân, họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thông qua các giải báo chí, kịp thời phát hiện nhân tố mới, “cây bút” khỏe với những tác phẩm chất lượng để chăm bồi, khuyến khích sự sáng tạo của người làm báo.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/ngoi-nha-chung-cua-nguoi-lam-bao-64575.html