'Ngôi nhà chung' của những người hát tiếng Mường Mường Khụ

3 xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do của huyện Lạc Sơn được gắn với địa danh vùng đất cổ Mường Khụ. Nơi đây còn lưu giữ đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Mường mà tiêu biểu hơn cả là hát dân ca, hát đối giao duyên, thường rang, bộ mẹng. Tháng 9/2020, câu lạc bộ (CLB) hát tiếng Mường Mường Khụ chính thức ra mắt, trở thành 'ngôi nhà chung' của những người con vùng Mường Khụ dành tình yêu đặc biệt với hát tiếng Mường.

Các thành viên câu lạc bộ hát tiếng Mường Mường Khụ giao lưu tại điểm du lịch bãi Bùi, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn).

Các thành viên câu lạc bộ hát tiếng Mường Mường Khụ giao lưu tại điểm du lịch bãi Bùi, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn).

Là người tâm huyết khởi xướng thành lập "ngôi nhà chung”, ông Bùi Văn Hành, Chủ nhiệm CLB hát tiếng Mường Mường Khụ chia sẻ: Từ lúc thiếu niên tôi đã rất mê được xem và nghe hát dân ca. Những câu hát thường rang, bộ mẹng, hát đối giao duyên thấm sâu trong tôi từ lúc nào không biết. Sau này, khi tham gia nhiều hoạt động, chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, tôi gặp gỡ những người có cùng đam mê, tâm huyết. Từ đó, tôi nhen nhóm ý tưởng tập hợp những nghệ nhân và người yêu hát tiếng Mường vùng Mường Khụ để cùng góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ban đầu CLB có 10 thành viên, đến nay thu hút 24 thành viên đều là người dân tộc Mường, trong đó có 5 nghệ nhân là đảng viên, nghệ nhân cao tuổi nhất sinh năm 1954, trẻ tuổi nhất sinh năm 1983. Tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, CLB xây dựng kế hoạch hoạt động, quy chế riêng, đồng thời thường xuyên giao lưu với các CLB bạn trong và ngoài tỉnh. Đến nay, CLB đã thực hiện hàng trăm cuộc giao lưu với các CLB hát tiếng Mường trên địa bàn huyện Lạc Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy và các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình…

Từ năm 2021, hoạt động của CLB có bước chuyển mới với việc ra mắt kênh youtube Hát tiếng Mường Hòa Bình. Địa điểm tổ chức giao lưu, ghi hình thường là ở khu du lịch bãi Bùi - xã Ngọc Sơn, thác Mu - xã Tự Do. Kênh youtube nhận được sự quan tâm, ủng hộ và yêu mến của đông đảo người dân tộc Mường nói riêng, cộng đồng mạng nói chung, góp phần lưu giữ, quảng bá, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của làn điệu dân ca Mường trên phương diện truyền thông.

Cũng theo ông Bùi Văn Hành, Chủ nhiệm CLB, hát tiếng Mường có 5 thể loại và được chia thành nhiều loại hình. Thể loại hát Mường thường được hát vào dịp vui, như: đám cưới, mừng thọ, mừng cháu nhỏ, mừng nhà mới… Với hát đối giao duyên có sự tương tác giữa nam và nữ, người làng trên xóm dưới gặp nhau dùng lời hát để thể hiện tình cảm. Trong hát tiếng Mường không có sự phân biệt ai nhất, ai nhì, giọng người nào hát cũng đều hay và mỗi người hát hay một kiểu, điều quan trọng là phải hát đúng bản sắc.

Minh chứng cho đam mê và tâm huyết của các thành viên trong "ngôi nhà chung”, ông Hành tâm sự: Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc duy trì hoạt động của CLB còn không ít khó khăn do nguồn kinh phí phụ thuộc vào các thành viên tự đóng góp. Vượt lên trên hết, các thành viên vẫn động viên nhau giữ lửa, mong muốn thời gian tới tích cực nhân rộng việc truyền dạy hát dân ca, thường rang, bộ mẹng cho lớp trẻ và những người yêu thích hát tiếng Mường. Gần đây ông Hành và các thành viên thường được các đơn vị trường học trong huyện mời tham gia chương trình ngoại khóa để chia sẻ, hướng dẫn, giúp học sinh hiểu biết hơn về dân ca Mường. Ngoài ra, CLB cũng xây dựng quỹ tiết kiệm cho các hộ thành viên vay theo phương thức quay vòng không tính lãi phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo đời sống của các nghệ nhân, giúp các nghệ nhân yên tâm sinh hoạt, sống trọn đam mê vun đắp, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/178798/ngoi-nha-chung-cua-nhung-nguoi-hat-tieng-muong-muong-khu.htm