Ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Thanh
Văn hóa và Đời sống - Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc được UNESCO công nhận là 1 trong 10 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.
Với lối kiến trúc độc đáo, ngôi nhà từ lâu là điểm đến thú vị không thể bỏ qua đối với du khách trong hành trình đến tham quan Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà cổ mộc mạc, giản dị nhưng ẩn sâu trong đó là những giá trị kiến trúc không thể cân đo đong đếm được, ông Phạm Ngọc Tùng tự hào cho biết ông là cháu đời thứ 7 của dòng họ Phạm trong ngôi nhà này. Đến nay, ngôi nhà đã có tuổi đời hơn 200 năm.
Khi xây dựng ngôi nhà, cụ tổ làm quan hàng bát phẩm dưới triều Nguyễn đã mời những thợ mộc giỏi của tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam) và thợ mộc làng Đạt Tài (xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa) về thi công. Ngôi nhà được khởi công từ cuối năm 1810, đưa vào sử dụng đầu năm 1811.
Nhà có 7 gian bằng gỗ, rộng 7 m, dài 20 m, nằm hướng Nam chếch Đông. 3 gian giữa dùng để thờ tổ tiên và tiếp khách. Hai bên hai buồng, mỗi buồng 2 gian được xây dựng theo lối lộn thềm, cửa bức bàn, vật liệu gồm nhiều loại gỗ quý, chủ lực là sến, táu, lát. Kiến trúc ngôi nhà theo kiểu chồng rường kẻ chuyền và chồng rường kẻ bảy, các chi tiết được liên kết chặt chẽ theo mộng, mẹo, khi gặp sự cố có thể dễ dàng bỏ phần khung để phục dựng, duy tu.
Ngôi nhà được chạm trổ hoa văn tinh xảo với các chủ đề sinh động như tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và chữ thọ cách điệu…
Ngôi nhà có chín mắt cửa. Trên mỗi mắt cửa đều có hoa văn và bố trí không đều nhau. Theo chủ nhân ngôi nhà, các mắt cửa được tính toán chính xác để đón khí cho ngôi nhà.
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngôi nhà là nơi dự trữ quân lương, tổ chức hội họp và nghỉ ngơi cho bộ đội. Năm 2002, lần đầu tiên sau khi được xây dựng, ngôi nhà được các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam trùng tu, tôn tạo.
Một cây cột được thay thế phần chân. Chân cột được đỡ bởi đế bằng đá xanh. Các phần thay mới đều được đánh dấu ghi rõ thời gian trùng tu.
Năm 2004, Dự án trùng tu nhà cổ dân gian này đã giành Giải thưởng danh dự của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về bảo tồn di sản văn hóa.
Ngôi nhà cổ đã và đang được gia đình ông Phạm Ngọc Tùng giữ gìn nguyên vẹn.
n
Nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng được UNESCO công nhận là 1 trong 10 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống
đẹp nhất Việt Nam
Phía trước ngôi nhà, qua lớp sân là bể nước và bình phong hình cuốn thư nằm trong vườn.
Ông Tùng cho biết, nhà không chỉ là nơi để ở, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ và cao hơn của dân tộc.
Xác định được tầm quan trọng đó, nên các thế hệ con cháu họ Phạm luôn đề cao trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn nhà cổ. Chính vì vậy nhiều năm trước có vị khách sau nhiều lần tham quan, thấy kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ, sẵn sàng đặt hơn 1 tỷ để mua căn nhà nhưng ông từ chối.
Ông quan niệm, đây là tài sản quý giá của gia đình, dòng họ, không phải ai cũng vinh dự có được. Các thế hệ phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn.
“Hiện các thế hệ trong gia đình sống vui vẻ trong ngôi nhà cổ với nếp sinh hoạt của người nông dân”, ông Tùng nói.