Ngôi nhà thành 'lò lửa' từ thói quen sai lầm ngốn tiền điện trong ngày hè
Một số thói quen được coi 'giải pháp chống nóng' cho căn nhà bạn nghĩ là đúng đắn nhưng thực chất đó lại là sai lầm khiến căn nhà của bạn nóng càng thêm nóng.
Đóng cửa kín hoặc mở cửa suốt cả ngày
Đóng cửa khi sử dụng điều hòa là điều tất nhiên. Tuy nhiên, nhiều gia đình có thói quen tránh nóng bằng cách đóng kín cửa suốt cả ngày, dù không phải lúc nào cũng bật điều hòa. Thực tế, cách làm này chỉ giúp ánh nắng không lọt vào nhưng hơi nóng vẫn được cửa sổ và các bức tường xung quanh hấp thụ. Lượng nhiệt này sẽ bị quây tròn trong 4 bức tường nên cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Đến buổi tối, bạn bước vào bên trong vẫn cảm thấy mọi đồ vật đều bị nóng hầm hập.
Ngược lại, rất nhiều người có thói quen mở cửa cả ngày, bật quạt để lấy gió tự nhiên thổi vào nhà, tạo sự lưu thông gió, làm mát căn phòng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng với những ngày trời nắng to, đặc biệt là khoảng thời gian giữa trưa. Bởi lúc này, nhiệt độ ngoài trời cao hơn trong nhà, mở cửa kết hợp với quạt sẽ khiến hơi nóng tràn vào, càng bật quạt, càng thêm nóng bức, ngột ngạt.
Do đó, hợp lý nhất là nên mở cửa sáng sớm sau đó đóng, đến khi ánh mặt trời đã tắt thì lại mở cửa để không khí bên ngoài đi vào trong phòng giúp hạ nhiệt, giảm bớt sự ngột ngạt. Bạn nên tạo thêm đường thông gió cho ngôi nhà bằng các ô cửa nhỏ, đây là nơi hút gió khi mất điện.
Cục nóng điều hòa đặt ở nơi nắng chiếu
Lắp điều hòa đúng là sẽ giúp bạn tận hưởng một mùa hè dễ chịu hơn. Tuy nhiên, đặt cục nóng điều hòa ở vị trí không hợp lý có thể sẽ khiến căn nhà không được mát như mong muốn, ngoài ra còn dễ khiến điều hòa hỏng hóc, tiêu thụ lượng điện năng lớn.
Các hãng sản xuất điều hòa thường có thiết kế và áp dụng công nghệ để giúp cục nóng điều hòa chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Thế nhưng, không phải vì vậy mà chúng ta có thể lắp cục nóng điều hòa ở bất cứ vị trí nào bên ngoài trời mà không có mái che. Để tiện lợi, rất nhiều gia đình hiện nay thường chọn lắp cục nóng trên sân thượng, trên mái nhà hay gắn bên ngoài tường,... không có mái che chắn. Cục nóng đặt ở nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm tăng nhiệt độ của cục nóng, điều hòa làm việc kém đi, cảm giác mát mẻ giảm xuống, khiến trong nhà nhiệt độ vẫn cao.
Vị trí tốt nhất để đặt cục nóng điều hòa chính là ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và có mái che.
Không có rèm cửa hoặc chọn sai chất liệu, màu sắc rèm
Nhiều người nghĩ rèm cửa chỉ phù hợp cho ngôi nhà trong những ngày đông, vì thế không dùng rèm cho mùa hè. Thực tế, theo một số nghiên cứu, cửa sổ là nơi hấp thụ 30% nhiệt lượng từ bên ngoài. Do đó, vào mùa hè, rèm cửa sẽ là vật dụng trung gian để ngăn cách ánh nắng như thiêu như đốt bên ngoài với không gian bên trong. Bạn hãy sử dụng rèm để che cửa vào những ngày nắng nóng sẽ thấy hiệu quả ngay lập tức, căn phòng mát hơn rõ rệt.
Tuy nhiên, cũng cần chọn đúng chất liệu, màu sắc rèm sao cho phù hợp cho mùa hè. Những loại rèm nhung dày dặn và tối màu hoàn toàn không hợp lý cho căn nhà mùa hè. Các loại rèm với chất liệu nặng nề và màu sắc u tối chỉ khiến căn phòng trở nên ngột ngạt và tù túng hơn. Hiện nay, thị trường có rất nhiều thiết kế mành che hoặc màn ren, rèm mỏng, màu sắc tươi sáng vừa đẹp mắt vừa tiện lợi, phù hợp cho mọi không gian từ phòng khách cho đến phòng tắm, giúp căn nhà mát mẻ hơn trong ngày nắng nóng.
“Bỏ quên” ban công
Nhiều người sợ không gian chật chội hay bận rộn với công việc mà “bỏ quên” khu vực ban công. Không tận dụng diện tích ban công để “phủ xanh” bằng cây cối là một sai lầm khiến căn nhà nóng bức hơn trong mùa hè. Chỉ cần một khoảng vườn nho nhỏ với những cây dây leo, giỏ cây treo, chậu hoa ở ban công cũng góp phần giảm nhiệt độ cho khu vực này, xoa dịu ánh nắng mùa hè, giúp căn nhà của bạn dễ chịu hơn trong những ngày thời tiết oi bức.
Minh Châu (Tổng hợp)