Ngôi nhà thờ gỗ hơn 100 tuổi giữa đại ngàn Tây Nguyên
Nhà thờ Gỗ (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một di tích cổ, mang kiến trúc độc đáo và tính thẩm mỹ cao với tuổi đời hơn trăm năm. Trên nền trời Tây Nguyên trong vắt giữa mùa khô, phảng phất hương hoa núi rừng từ đại ngàn dội về, nhà thờ Gỗ nổi lên bởi màu nâu bóng của điêu khắc gỗ mang dáng dấp của văn hóa bản địa.
Nằm bên dòng sông Đăk Bla trong xanh, thơ mộng, thành phố Kon Tum luôn là điểm đến của nhiều du khách thích khám phá những nét hoang sơ, hùng vĩ của rừng xanh đại ngàn và những nét cổ kính của những ngôi nhà sàn của đồng bào Ba Na, trong đó có ngôi nhà thờ hơn 100 tuổi đời hay còn gọi là nhà thờ Chánh tòa Kon Tum.
Nhà thờ Chính tòa Kon Tum hay còn có tên gọi dân gian là Nhà thờ Gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, một địa chỉ tham quan độc đáo mà bạn không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất này. Không chỉ đơn thuần là một nhà thờ, một địa chỉ tôn giáo mà còn được đánh giá như một kiệt tác về kiến trúc.
Nhà thờ Gỗ được một linh mục người Pháp tên là Décrouille thiết kế và trực tiếp điều hành xây dựng từ năm 1913 đến năm 1918. Nhà thờ có diện tích sử dụng trên 700m2 với vật liệu trang trí nội thất hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Riêng tháp chuông nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic có chiều cao hơn 20m lại luôn thanh thoát mà vẫn không kém vẻ hoành tráng. Sàn nhà thờ được đặt cao hơn 1m so với mặt đất và hành lang chạy dọc, bao quanh giáo đường đã mang đúng sắc thái của nhà sàn Tây Nguyên.
Có thể nói, công trình nhà thờ Gỗ chính là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Roman và kiểu nhà sàn gỗ của người Ba Na, một sự giao thoa đặc biệt giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.
Với nguyên liệu chủ yếu bằng gỗ cà chít, nhà thờ Gỗ còn là một công trình khép kín gồm thánh đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông.
Bước vào giáo đường bạn sẽ cảm thấy thán phục những con người đã xây dựng lên công trình kiệt tác này. Những hàng cột được gắn kết với nhau bằng các vòng cung tạo thành hình vòm, mở ra một không gian rộng, cao và thoáng. Trên những cột gỗ đen bóng được trang trí nhiều họa tiết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao nguyên đầy nắng và gió, đem đến một cảm giác hết sức gần gũi.
Nhà thờ Gỗ còn rất ấn tượng trước nhiều khung cửa kính màu, vẽ các điển tích trong Kinh thánh, với tác dụng lấy ánh sáng và tạo thêm vẻ rực rỡ, tráng lệ cho giáo đường. Trần giáo đường được xây dựng bởi rui, mè tre, đất, rơm và dù đã hơn một thế kỷ trôi qua, bức trần này vẫn bền, đẹp cùng với thời gian.
Nhà thờ Gỗ đã được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Kinh đến từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi.... Nguyên liệu gỗ sau khi cưa xẻ, đục đẽo đều được gắn kết lại với nhau bằng mộng, không sử dụng đinh hay một thứ kết dính nào khác. Bên cạnh đó, chính sự pha trộn tôn vinh lẫn nhau của hai nét văn hóa kiến trúc vốn khác biệt là Tây Nguyên và phương Tây đã làm nên một công trình tôn giáo có tính thẩm mỹ rất cao.
Tôi dừng chân ở nhà thờ gỗ vào một ngày đầu năm, chuông nhà thờ im vắng càng làm cho khung cảnh nơi đây yên ả thanh bình. Được biết nhà thờ luôn mở rộng cửa cho khách tham quan bất cứ ngày nào trong năm.
Trải qua hàng thế kỷ nhưng ngôi nhà thờ vẫn đứng đó hiên ngang mặc cho mưa gió bão bùng như chính tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên.
Đại ngàn giờ đã lùi rất xa, màu áo thổ cẩm cũng không còn thấy giữa phố núi. Nhưng tiếng chuông thánh đường vẫn vang vọng ngày ngày, cho đến khi nào con người còn cần những chốn thiêng cho cõi tâm hồn mình lắng đọng.