Ngôi nhà xưa

Lần giở những trang thơ cũ, tôi chạnh lòng khi bắt gặp hai câu thơ của vua Trần Thái Tông: 'Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách/ Nhật viễn gia hương vạn lý trình' (tạm dịch: Đừng có gió bụi mãi ham chơi như khách lãng đãng phong trần/ Cứ mỗi ngày, mỗi ngày như thế sẽ xa cách quê nhà hàng vạn dặm).

Câu thơ ấy thầm nhắc người đời đừng quá vong thân mà hãy nhớ quay về chốn cũ, nơi ấy có mái nhà xưa còn cất giữ những kỷ niệm ngọt ngào; cũng đừng đắm chìm sâu vào ngoại cảnh mà hãy tìm về những giá trị chân thực nhất của đời mình.

Làng quê yên bình. Ảnh: Minh Hoàng

Làng quê yên bình. Ảnh: Minh Hoàng

Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó là ngôi nhà hiện hữu hay chỉ là ngôi nhà trong ký ức. Với tôi, ngôi nhà xưa không còn nhưng vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ mỗi khi chạm vào quá khứ. Đó là ngôi nhà đơn sơ 2 gian 2 chái, có khoảng sân vuông vức, con ngõ phía trước dẫn ra giếng thơi rồi nối thông với đường làng. Nhà lợp tranh, mái hiên rộng, trước nhà là cau, mít, sau là ổi, là chuối, phía cuối là bờ rào bằng đủ thứ cây hoang dại: Chùm chày, dủ dẻ, bời lời, dứa, mâm xôi, gai bụi, xương rồng.

Trong ngôi nhà xưa ấy, mẹ là linh hồn bởi đâu cũng thấp thoáng bóng dáng mẹ. Mẹ lui cui trong bếp mỗi sớm mỗi chiều. Mẹ phơi lúa, giê lúa trước sân vào mùa gặt. Mẹ ngồi bên thềm nhà, có lúc tước tàu cau bó chổi, lúc thảnh thơi nhỏn nhoẻn nhai trầu. Mẹ chờ con nơi ngạch cửa khi bóng hoàng hôn đổ ập xuống đường làng. Ngôi nhà không chỉ có mẹ mà còn có anh em tôi với biết bao câu chuyện vui buồn.

Ở vùng ngoại ô ấy, chúng tôi đã lớn lên vô tư như hạt nắng ngoài sân, lặng lẽ như trái bí, trái bầu trước hiên nhà, bình yên như ánh trăng suông rọi nơi chái hè. Có những niềm vui khờ đại thuở đầu đời. Có những nỗi buồn bâng quơ thời mới lớn. Có những trưa, những chiều cùng chúng bạn ra đồng bắt cá lia thia, hay chia phe đánh trận giả, bắn bi, hái trộm ổi, xoài rồi nhận về những lằn roi đau điếng. Những câu chuyện của một thời thơ dại đan kết lại thành dòng suối êm mát chảy dìu dịu trong ký ức, tắm mát tâm hồn, chỉ cần chạm vào là trào dâng, man mác, tươi nguyên như mới ngày hôm qua. Trong ngôi nhà nhỏ ấy tôi đã học được những bài học đầu đời, được sưởi ấm bằng tình yêu thương, được chở che bằng sự bao dung và được tha thứ những lỗi lầm mắc phải thời thơ dại.

Thi thoảng trong những giấc mơ, tôi lại trở về ngôi nhà xưa đong đầy kỷ niệm. Quên sao được những ngày nghỉ học tha thẩn trong khu vườn cả ngày không biết chán. Dõi mắt tìm tổ chim trên đọt cau, bụi rậm, nghe tiếng gió kẽo kẹt qua hàng tre già, lao xao trên những ngọn cây cao. Tiếng chim chích chòe, chiền chiện, vành khuyên tranh nhau hót hòa quyện thành thứ âm thanh hỗn tạp, chao chát, xé không gian ra từng mảnh. Sống giữa thiên nhiên, hòa mình cùng cây cỏ, hít đầy lồng ngực mùi hương cau ngào ngạt, mùi ngai ngái của lá mục, mùi nồng đượm của đất đai quê nhà, tôi thấy mình giống hạt sương đậu trên kẽ lá. Nhỏ nhoi, mong manh, lặng lẽ nhưng thu nạp được cả một khoảng trời cổ tích.

Thời hiện đại, người ta nói nhiều về các phương thức thanh lọc tâm hồn, trí óc như “tắm rừng”, “tắm thiên nhiên” với nghĩa là hãy đi vào thiên nhiên, nơi càng hoang dã càng tốt, để sống và thu nhận từ cây cỏ, hoa lá, khí trời, hương đất những gì là tinh khiết, mộc mạc, nguyên sơ nhất. Nếu là như thế thì từ ngày thơ bé tôi đã được “tắm” nhiều lần trong khu vườn nhà tôi đầy ắp âm thanh và cây lá. Cũng từ ngày đó thiên nhiên đã cho tôi biết về vẻ đẹp dung dị của một thoáng mây trời, một làn khói bếp, màu vàng rực rỡ của cánh đồng mùa gặt, con đường quanh co rợp bóng tre già. Nhớ nhất là những đêm trăng sáng, nhà tắt đèn dầu, mọi người ra ngồi ngoài sân chờ cơn gió nồm về. Vào những lúc như thế, tôi không thèm để ý đến ai mà nằm ngửa nhìn lên bầu trời để tìm kiếm cho mình một ngôi sao chiếu mệnh. Sao thì đầy trời, làm sao tìm được ngôi sao nào xấu chiếu mệnh đời mình!

Mái nhà xưa rêu phong qua thời gian. ẢNH: Quang Minh

Mái nhà xưa rêu phong qua thời gian. ẢNH: Quang Minh

Nhà xưa cột gỗ lâu năm mối mọt không thể chịu nổi thời tiết miền Trung khắc nghiệt, mẹ tôi xây lại nhà trên nền cũ. Mái ngói, nền tráng xi măng, mặt hướng đông tràn đầy nắng gió. Nhà mới rộng hơn nhà cũ, có giàn mướp trước sân, hai hàng cau làm lối đi ra ngõ. Sạch sẽ, thoáng đãng hơn nhưng tôi vẫn ngầm tiếc ngôi nhà cũ có mái tranh, có bóng nắng rọi xuống hè là nơi tôi làm dấu để ước giờ đi học. Bóng mặt trời rọi thẳng đứng là đúng ngọ 12 giờ trưa. Bóng đổ xiên chừng một gang tay là khoảng một giờ rưỡi chiều. Đó là mùa nắng, còn mùa mưa đành chịu. Nhà mái tranh nên tiếng mưa rơi cũng rất khẽ, không lộp độp, ồn ả như mái ngói, dễ gợi trong lòng người những nhớ tiếc xa xăm, những cảm xúc mơ hồ khó diễn đạt thành lời.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, tất nhiên, không bao giờ trở lại. Ngôi nhà xưa với tôi đã là quá khứ nhưng không bao giờ cũ. Bởi lẽ, ngôi nhà ấy còn tươi nguyên những kỷ niệm về những người thân thiết của tôi. Con người là vậy đó, mãi mãi không biết mình có được những gì quý giá, đến khi tuổi đã nhiều, năm tháng cách xa mới hiểu có những thứ không bao giờ và không thể tìm lại được.

THANH TÁNH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2047/202301/ngoi-nha-xua-3154546/