Ngời sáng nghĩa tình quân dân bên vịnh Xuân Đài

Rạng sáng, con dốc đá ở khu phố Phương Phú (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) còn ướt đẫm hơi sương. Tiếng ve đầu mùa râm ran, quyện mùi lá cây rừng hăng hắc và tiếng giày lẹp xẹp trên mặt đá nhám. 5 bóng áo xanh Biên phòng ghìm vai leo dốc, mỗi người ôm chặt trước ngực một bình nước tinh khiết 20 lít - 'hành trang' nặng trĩu mà họ gọi bằng cái tên giản dị: 'Nước sạch biên cương'.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Đài tuần tra trên bờ vịnh Xuân Đài. Ảnh: Ngũ Tố

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Đài tuần tra trên bờ vịnh Xuân Đài. Ảnh: Ngũ Tố

Đích đến của các anh là căn nhà nhỏ lợp tôn cũ kỹ của bà Phạm Thị Ngọn, 77 tuổi, sống đơn thân trên triền đồi. Nghe tiếng chào, bà chống gậy lật đật ra cửa, đôi mắt đục mờ bỗng long lanh một lớp sương: “Bữa nay lại tới sớm hơn lần trước rồi, cảm ơn các chú nhiều lắm!”. Từ con dốc cheo leo ấy, câu chuyện nghĩa tình người lính Đồn Biên phòng Xuân Đài lan ra khắp vịnh Xuân Đài - họ không chỉ canh giữ khu vực biên giới biển của thị xã Sông Cầu, mà còn gieo mầm an sinh từ giọt nước, thắp sáng đường quê, nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật...

Giọt nước nghĩa tình

Vùng đồi Phương Phú quanh năm nhiễm phèn, giếng khoan nào cũng mang vị mặn chát. Mùa khô, nắng trùm kín sườn đồi, nước tụt xuống tận chân mạch ngầm. Cả xóm chỉ có một giếng phèn đục ngầu nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước thực trạng đó, cuối năm 2024, Thiếu tá Vũ Lý Huỳnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Đài đã có ý tưởng xây dựng mô hình “ATM nước sạch biên cương”. Anh tận dụng dây chuyền lọc RO của đồn, vận động doanh nghiệp chung tay, rồi tổ chức tặng nước sạch cho các gia đình khó khăn vào thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần... Riêng các cụ già sống ở vùng cao, đi lại khó khăn thì bộ đội tổ chức vác nước lên tận nhà. Chỉ sau nửa tháng lắp hệ thống, 2.000 bình nước (loại 20 lít) đã đến với 40 hộ đặc biệt khó khăn; các gia đình còn lại được hỗ trợ mua với giá thấp hơn giá thị trường 7.000 đồng/bình.

Chúng tôi ngồi bên bậc cửa nhà bà Ngọn, nghe bà kể chuyện: “Hồi còn sức khỏe, tôi cũng lội bộ xuống núi gánh nước. Giờ già yếu rồi, gánh không nổi nữa. May mà có mấy chú Biên phòng giúp đỡ mới có nước sạch để dùng”.

Thiếu tá Huỳnh tay vừa bê một thùng nước xuống bếp cho bà Ngọn, vừa nói: “Bảo vệ chủ quyền bắt đầu từ bảo vệ từng giọt nước cho người dân”.

Được biết, mô hình “ATM nước sạch biên cương” đã nhanh chóng được chính quyền thị xã Sông Cầu lan tỏa. Họ đặt ra kỳ vọng rằng, thời gian tới, tất cả các hộ gia đình khó khăn tại địa phương sẽ dần được tiếp cận với nguồn nước tinh khiết từ tấm lòng của BĐBP.

Ánh sáng nơi vùng biển

Hoàng hôn đổ xuống dãy Cù Mông, thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu chìm vào tối đặc. Con đường bê tông lổn nhổn đá ong, trẻ con muốn ra đường chơi cũng không dám vì trời tối om. Đêm đen không chỉ "nuốt" tiếng cười, mà còn gieo nỗi bất an cho người dân khi tham gia giao thông qua những con đường liên thôn trong xã.

Vừa qua, 20 cột đèn năng lượng mặt trời được thi công dọc con đường bê tông nối liền 2 thôn nhỏ nhờ 120 ngày công của đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Xuân Đài cùng sinh viên Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Ngân hàng. Đèn bật lên, lũ trẻ vỗ tay như pháo hoa, ông Nguyễn Thái Hoành - người dân thôn Lệ Uyên cười giòn: “Đêm nay đường xóm sáng, tụi nhỏ chạy chơi khắp xóm. Có đèn đường vầy đi lại mới an toàn hơn đó!”.

Đồn Biên phòng Xuân Đài phối hợp với Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Ngân hàng ra mắt mô hình “ATM nước sạch biên cương” để hỗ trợ bà con trên địa bàn. Ảnh: Ngũ Tố

Đồn Biên phòng Xuân Đài phối hợp với Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Ngân hàng ra mắt mô hình “ATM nước sạch biên cương” để hỗ trợ bà con trên địa bàn. Ảnh: Ngũ Tố

Ánh sáng ấy kéo gần giấc mơ du lịch cộng đồng mà chính quyền và người dân thị xã Sông Cầu ấp ủ, bởi không du khách nào muốn thưởng lãm vòm trời sao nếu lối về còn “mù mờ” an ninh. Và phía sau quầng sáng, người lính gác biển lặng lẽ dựng một “phên dậu ánh sáng” giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Giữ màu xanh cho biển

Từ trên đèo Gành Đỏ nhìn xuống, vịnh Xuân Đài như một viên ngọc ngát xanh với diện tích hơn 130km2 cùng nhiều cảnh đẹp như Nhất Tự Sơn, cù lao Ông Xá, bãi Từ Nham... Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo bởi rác thải từ những lồng bè nuôi trồng thủy sản hoặc những phương tiện đi đánh bắt hải sản xả ra biển.

Những ngày cuối tuần, đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Đồn Biên phòng Xuân Đài và tổ chức Đoàn địa phương có mặt tại các bãi biển bên bờ vịnh để tham gia "Ngày thứ Bảy tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh", cùng nhau gom rác, cắm bảng gỗ với dòng chữ: “Xả rác bằng tự đánh mất sinh kế”.

Anh Trịnh Ngọc Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Xuân Đài cho biết: “Đoàn phường thường xuyên phối hợp với Chi đoàn Đồn Biên phòng Xuân Đài ra quân tình nguyện thu gom rác thải tại các bãi biển ở khu phố Vĩnh Thạnh, An Thạnh, Phước Hậu... Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của bà con trong vấn đề tập kết rác đúng nơi quy định cũng như vận động nhân dân nuôi trồng thủy sản ở phường Xuân Đài không xả rác thải trên bãi biển”.

Tại cảng cá Dân Phước, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, chúng tôi chứng kiến một cuộc trao đổi thú vị. Thiếu tá Lê Huy Bình, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Đài thoăn thoắt leo thang gỗ lên chiếc tàu của ông Trương Văn Nêu đang chuẩn bị ra khơi. Anh mở sổ kiểm tra, rà lại thiết bị giám sát hành trình, nhật ký khai thác rồi hỏi chủ tàu: "Anh Nêu nè, máy giám sát hành trình còn hoạt động ổn chứ? Nhật ký khai thác ghi đầy đủ tọa độ, thời gian chưa anh?".

Ông Nêu gật đầu chắc nịch, ký ngay vào bản cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài và không xả rác xuống biển. Thiếu tá Bình bắt tay, dặn thêm: "Ký rồi là phải giữ lời, anh nhé! Thiết bị luôn bật 24/24 giờ, rác thu gom về bờ, mình vừa bảo vệ ngư trường, vừa góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu". Ông Nêu cười hiền: "Gỡ “thẻ vàng” cũng như gỡ neo, tụi tui mới ra khơi đường hoàng được".

Mỗi chữ ký như vậy, cộng với những buổi tuyên truyền về pháp luật và bảo vệ môi trường trên bến đang lắp thêm mảnh ghép cho hành trình Việt Nam kiên trì gỡ “thẻ vàng”, giữ màu xanh bền vững cho biển.

Bản giao hưởng an sinh - chủ quyền

Ở vịnh Xuân Đài, an ninh không tách rời an sinh. “Giọt nước - dải sáng - bờ xanh” là ba khúc nhạc hòa thành khúc ca biển, đảo: Giọt nước mát lành giữ chân người dân bám núi, trụ xóm; dải sáng mở lối du lịch xanh, thắp rực niềm tin cộng đồng; bờ xanh sạch và tuân thủ pháp luật biển giúp hải sản Phú Yên rộng đường xuất khẩu. Khúc ca ấy ngân lên thành “lá chắn lòng dân” - thành tố cốt lõi của thế trận biên phòng toàn dân, nơi chủ quyền quốc gia gắn chặt nhịp thở dân sinh.

5 giờ sáng, mặt trời đỏ như lòng trứng muối nhô khỏi mũi Từ Nham, "rót mật ong" xuống mặt vịnh phẳng như gương. Tiếng máy nổ tàu xa bờ gầm vang, hòa tiếng còi hối hả gọi mùa cá nam. Trên cầu cảng, bóng áo xanh Biên phòng kéo dài như hàng dương thầm lặng nhưng bền bỉ giữ bờ.

Giữa nhịp sống đó, bước chân lính biên cương vẫn đều đặn lấp lánh như chính giọt nước họ mang, như dải sáng họ thắp, như hy vọng họ ươm trên từng con sóng quê hương. Và trong hồi ngân rạo rực của biển, người ta nghe rõ câu khẩu hiệu như một khúc ca: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.”

Khẩu hiệu ấy sẽ còn ngân mãi bên bờ sóng, nơi mỗi bình minh mở ra một trang mới - ngời sáng nghĩa tình người lính quân hàm xanh bên vịnh Xuân Đài.

Ngũ Tố

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngoi-sang-nghia-tinh-quan-dan-ben-vinh-xuan-dai-post490343.html