Ngời sáng phẩm cách người Hà Nội
Dù là mảnh đất trăm miền hội tụ, nhưng cùng với quá trình phát triển của Thủ đô, văn hóa, cốt cách con người Hà Nội vừa mang những nét chung của văn hóa, con người Việt Nam, vừa có những nét đặc sắc riêng.
Người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, đồng thời rất đoàn kết, trọng nghĩa, trọng tình. Thường ngày, nhiều nét đẹp này bị ẩn đi. Nhưng việc người dân Hà Nội vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 vừa qua một lần nữa chứng minh: Khó khăn, thử thách càng lớn, thì phẩm cách người Hà Nội càng tỏa sáng. Cũng từ đây, chúng ta thu được nhiều bài học trong xây dựng văn hóa, con người Hà Nội.
Bài 1: "Chất" Hà Nội trên tuyến đầu chống dịch
Trong những ngày Hà Nội là "tâm dịch" của cả nước, những cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh luôn đối mặt nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng họ đều vượt qua để thực hiện tốt nhiệm vụ. Cùng lúc ấy, các cơ sở quân đội, công an, trường nghề ở Hà Nội thực hiện công tác cách ly tập trung cho hàng chục nghìn người nhập cảnh từ nước ngoài trở về. Trong cuộc chiến ấy, "chất" Hà Nội được thể hiện rõ nét, nhất là ở tuyến đầu chống dịch.
Hết lòng vì cộng đồng
Ðã hơn hai tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng. Những ngày căng thẳng nhất của công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 đã qua, nhưng khuôn mặt Giám đốc Trung tâm y tế quận Ðống Ða Nguyễn Ðức Tuấn vẫn đọng lại nét mệt mỏi. Ký ức về những ngày căng mình chống dịch vẫn còn nguyên. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, không một ai ở Trung tâm y tế có bữa cơm ngon. Mọi công việc ứng phó dịch bệnh được các nhân viên y tế "lập trình". Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 6-3, các bác sĩ cũng không ngờ lượng công việc nhiều thế. 12 người của đội đáp ứng nhanh thuộc Trung tâm "quay như chong chóng" điều tra các trường hợp F1, F2, vận chuyển bệnh nhân, phối hợp khử khuẩn môi trường… Không phải "giờ vàng" nữa, mà là những "phút vàng". "Hai tuần liên tục, nhiều cán bộ phải ăn, ngủ ở cơ quan. Nửa đêm cũng phải lên đường điều tra các trường hợp F1, F2. Bình thường, nữ giới ít phải làm việc nặng, nhưng bấy giờ, các nữ nhân viên y tế cũng phải đeo bình phun thuốc khử khuẩn mấy chục ki-lô-gam để làm việc", bác sĩ Nguyễn Ðức Tuấn kể lại.
Chúng tôi gặp những bác sĩ, nhân viên y tế ở nhiều địa bàn, từ nội thành đến ngoại thành. Câu chuyện không khác là bao so với ở quận Ðống Ða. Gấp gáp. Căng thẳng. Hiểm nguy bủa vây. Khi lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế phải kích thích đối tượng hắt hơi. Lấy mẫu là xác định nguy cơ bị phơi nhiễm. Nhưng không bác sĩ nào buông tiếng phàn nàn. Bác sĩ Trần Thị Phương Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Có những bác sĩ, nhân viên y tế có con nhỏ mà mấy tuần liền chỉ được gặp con qua điện thoại. Có hôm phải đến 5 giờ sáng mới xác minh xong đối tượng F1, F2". Vất vả ngay từ buổi đầu, nhưng "cao trào" thật sự đến khi phát hiện ổ dịch Bạch Mai - nơi hằng ngày có hàng nghìn người ra vào thăm, khám. Bộ Y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch ở "vòng trong", TP Hà Nội phụ trách toàn bộ "vòng ngoài". Bệnh viện Bạch Mai nằm trên quận Ðống Ða, khu vực giáp ranh quận Hai Bà Trưng, cho nên hai quận trở thành "tiền tuyến" chống dịch. Công việc lặp lại gần như khi xảy những ca bệnh đầu tiên, nhưng cường độ, tốc độ và phạm vi tăng gấp nhiều lần…
"Trận chiến" lớn tiếp theo của Hà Nội là ở "tâm dịch" Hạ Lôi, nơi có nhiều người bị lây từ ca bệnh 243. Riêng tối 9-4, nhân viên y tế lấy mẫu đến tận rạng sáng hôm sau. Trong đêm ấy, đội ngũ y tế đã lấy được hơn 1.600 mẫu xét nghiệm. Bác sĩ Vũ Biển, Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) được biệt phái lên Hạ Lôi. Nhận lệnh lên đường công tác, anh không kịp chào từ biệt gia đình. Anh chia sẻ: "Xa nhà, xa vợ con trong hoàn cảnh này là cách để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình mình". Làm việc vất vả, nhưng các bác sĩ bảo nhau: Không được ốm, không được mệt. Ai cũng lo công việc gián đoạn.
Nghĩa tình quân dân
Trong những ngày tháng không quên ấy, Hà Nội vừa chống dịch, vừa tiếp nhận hàng nghìn lượt người thực hiện cách ly. Cuối tháng 4, lúc cao điểm nhất, cùng lúc các cơ sở y tế của Hà Nội phải phục vụ ăn, ở cho khoảng 8.400 người. Các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô là những người chịu trách nhiệm chính trong việc "nuôi dân". Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động hơn 25 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội và dân quân tự vệ phục vụ "nuôi dân" và tham gia chống dịch.
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô là một trong những điểm cách ly tập trung của thành phố. 3 giờ sáng, khi người dân đang ngon giấc, cán bộ, chiến sĩ đã có mặt đông đủ ở khu bếp, để kịp chế biến hàng nghìn suất ăn sáng cho người cách ly. Lúc cao điểm, trường có gần 2.000 người cách ly, mỗi ngày phải chuẩn bị mấy nghìn suất ăn. Các chiến sĩ bố trí thành ba vòng bảo đảm an ninh, thường xuyên phải mặc đồ bảo hộ, hằng ngày cùng cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe, phục vụ cơm nước và nhu yếu phẩm cho người cách ly. Ðại tá Nguyễn Mạnh Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô chia sẻ: "Hằng ngày, cán bộ của trường xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng, định mức suất ăn và sự ngon miệng.
Trường luôn cố gắng đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt cơ bản cho người cách ly. Trường còn lắp đặt mạng wifi dung lượng cao để phục vụ nhân dân, nhất là những du học sinh về nước để việc học tập của các em không bị gián đoạn. Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: "Chúng tôi coi người cách ly như người thân ruột thịt, mỗi điểm cách ly là một gia đình hòa thuận. Bất kể ngày hay đêm, cán bộ, chiến sĩ luôn gần gũi, tận tình, chu đáo chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ từng người; tổ chức các hoạt động tạo không khí vui tươi, giúp người cách ly giảm bớt nỗi nhớ nhà". Nhiều cán bộ, chiến sĩ phải hy sinh những việc cá nhân như hoãn đám cưới, phải gửi con về quê… để phục vụ nhân dân. Ở khu cách ly là điều bất đắc dĩ trong tình cảnh dịch bệnh. Thế mà, lúc chia tay, ai cũng bịn rịn. Có người nói lời cảm ơn trong chan hòa nước mắt.
Mỗi khi nói đến tính cách, đến văn hóa người Hà Nội, người ta thường hay nhìn về quá khứ, người ta hay trăn trở khi thấy nhiều nét đẹp nhạt phai. Nhưng hàng nghìn bác sĩ, chiến sĩ và rất nhiều người khác ở "trận chiến" chống dịch Covid-19, khiến chúng ta gặp lại hình ảnh người Hà Nội trong những năm tháng hào hùng thủa trước. Những nét đẹp bị ẩn đi trong cuộc sống bề bộn thường ngày, chứ chưa bao giờ mất đi.
Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946, giữa tiếng súng kề ngay bên vách, người Hà Nội vẫn chuyển đào Nhật Tân vào đón Tết. Ở trận Ðiện Biên Phủ trên không năm 1972, tiếng dương cầm vẫn vang trong căn nhà đổ. Giữa khó khăn, người Hà Nội nghị lực một cách hào hoa. Nhanh chóng khắc phục và vượt qua thời khắc xáo động, bối rối ban đầu, một thị trường sôi động sức mua của Thủ đô nhanh chóng đi vào trật tự bình ổn bằng cả nỗ lực của chính quyền và ý thức chung tay tương thân, tương ái của nhân dân. Từ Trúc Bạch, Hạ Lôi, Bạch Mai… những địa danh đã lan tỏa tình người; Văn hóa cộng đồng, ý thức về bổn phận và trách nhiệm. Một Hà Nội đang sầm uất, náo nhiệt, phút chốc vắng vẻ trong kỷ luật, chấp hành tuyệt đối lệnh giãn cách của Chính phủ, chính là thái độ văn hóa, trách nhiệm cao với nhân dân cả nước, là hình ảnh tiêu biểu cho Việt Nam bình tĩnh, kỷ luật, nhân ái với cộng đồng quốc tế. Thời gian chưa bao giờ bào mòn được nét đẹp ấy.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liễu - cán bộ Trung tâm y tế quận Long Biên tăng cường cho thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) kể lại, dù hết sức vất vả, nhưng khi dừng công việc, các bác sĩ vẫn tranh thủ hát cho nhau nghe để động viên cùng vượt khó. Ngày chị lên Hạ Lôi để hỗ trợ đồng nghiệp, khi ngừng tay, anh em rủ nhau ra ngắm những luống hoa chạy tít tắp. Khi rời Hạ Lôi, nhiều người mang trên tay những bó hoa làm quà cho đồng nghiệp ở nhà. Và hình ảnh những chiến sĩ đứng giữa ký túc xá Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội hát cho đồng bào trong khu cách ly nghe, cũng sẽ còn mãi với thời gian. Ở nơi "tiền tuyến" gian lao nhất, người Hà Nội vẫn lãng mạn, hào hoa như thế.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/45035802-ngoi-sang-pham-cach-nguoi-ha-noi.html