Ngôi sao của ngành chip Trung Quốc trong nỗ lực bớt phụ thuộc Mỹ

Các startup phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) nhận hậu thuẫn lớn từ ngành công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ liên tục ra lệnh cấm xuất khẩu chip AI cho nước này.

Một cử nhân ngành luật lại đang là người đi đầu trong nỗ lực giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào chip trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ, theo SCMP nhận định.

Michael Zhang Wen không có niềm đam mê mãnh liệt với công nghệ. Người đàn ông này tốt nghiệp ở Trường Luật Harvard, hành nghề tại New York và có nhiều kinh nghiệm ở Phố Wall.

 Michael Zhang Wen, chủ tịch Biren Technology được xem như "lá cờ đầu" giúp Trung Quốc thoát khỏi phụ thuộc vào chip AI của Mỹ. Ảnh: Handout.

Michael Zhang Wen, chủ tịch Biren Technology được xem như "lá cờ đầu" giúp Trung Quốc thoát khỏi phụ thuộc vào chip AI của Mỹ. Ảnh: Handout.

Năm 2019, Wen trở về quê nhà để thành lập Biren Technology. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải, tập trung phát triển các bộ xử lý đồ họa (GPU), một loại chip quan trọng đối với các ứng dụng máy học và dữ liệu lớn (Big Data).

Kỳ lân công nghệ mới nổi của Trung Quốc

Ở thời điểm mới thành lập, Biren Technology gần như không được chú ý do ngành công nghệ Trung Quốc vẫn phụ thuộc phần lớn vào Nvidia - nhà phát triển linh kiện máy tính đình đám đến từ Mỹ với những thế hệ GPU tiên tiến.

Tuy nhiên, trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), hãng chip NVIDIA cho biết từ cuối tháng 8, các quan chức Mỹ đã yêu cầu công ty ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc 2 mẫu card đồ họa cao cấp cho những tác vụ AI, gồm A100 và H100.

Quyết định của phía Washington đã phủ bóng đen lên tham vọng phát triển toàn diện công nghệ từ AI đến ô tô thông minh của Trung Quốc. Việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho Nvidia trở nên cấp bách, trong bối cảnh chip GPU từ công ty đối thủ là Advanced Micro Devices (AMD) cũng bị hạn chế xuất khẩu.

 Biren tuyên bố GPU tiến trình 7 nm mới với tên gọi BR100 của tốt gấp 3 lần so với các sản phẩm tương đương trên thị trường. Ảnh: Handout.

Biren tuyên bố GPU tiến trình 7 nm mới với tên gọi BR100 của tốt gấp 3 lần so với các sản phẩm tương đương trên thị trường. Ảnh: Handout.

Cũng vào tháng 8, Biren công bố GPU tiến trình 7 nm mới với tên gọi BR100. Hãng tuyên bố hiệu suất cao nhất của BR100 tốt gấp 3 lần so với các sản phẩm tương đương trên thị trường. Nhiều chuyên gia lập tức nhận định startup 3 năm tuổi này hoàn toàn có cơ hội trở thành người Nvidia của Trung Quốc.

Nhận định ấy hoàn toàn có cơ sở khi chỉ trong vòng 18 tháng kể từ khi thành lập, các liên doanh và quỹ đầu tư lớn như Qiming Venture Partners, IDG Capital và Citic Securities Investment đã rót cho Biren số tiền 4,7 tỷ nhân dân tệ (655 triệu USD).

Đội ngũ hùng hậu

Dù đứng đầu một công ty công nghệ, Wen tự mô tả vai trò của mình chỉ là một headhunter (nhân viên tuyển dụng) với nhiệm vụ thuyết phục những người tài gia nhập Biren. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 với Chinese Entrepreneur, Zhang nói rằng nhiệm vụ đầu tiên là yêu cầu một cựu sinh viên Harvard soạn thảo danh sách những nhân tài hàng đầu trong ngành GPU.

Cựu sinh viên này sau đó khẳng định Biren sẽ thành công nếu Wen có thể tuyển được một nửa số tên trong danh sách.

Tài năng lớn đầu tiên gia nhập Biren là Mike Hong Zhou, cựu giám đốc phát triển GPU tại HiSilicon, công ty thiết kế chip thuộc sở hữu của gã khổng lồ Trung Quốc Huawei.

Wen lần đầu gặp Hong tại hội nghị AI thế giới 2019 ở Thượng Hải. Chỉ sau hai cuộc trò chuyện, Hong đồng ý gia nhập Biren với chức danh giám đốc công nghệ.

 Biren được đánh giá sở hữu đội ngũ phát triển toàn diện, với nhân tài gồm các cựu giám đốc cấp cao ở những công ty lớn trong ngành bán dẫn. Ảnh cnBeta.

Biren được đánh giá sở hữu đội ngũ phát triển toàn diện, với nhân tài gồm các cựu giám đốc cấp cao ở những công ty lớn trong ngành bán dẫn. Ảnh cnBeta.

Năm 2020, Wen tiếp tục thuyết phục thành công Li Xinrong, cựu phó chủ tịch toàn cầu của AMD với 15 năm kinh nghiệm về làm CEO Biren.

Quá trình tuyển dụng nhân tài của Wen đã khiến các nhà đầu tư không thể không chú ý. Zhou Zhifeng, đại diện quỹ Qiming Venture Partners cho biết ông đầu tư vào Biren vì nhìn thấy một đội ngũ “hoàn chỉnh”.

“Phần lớn các nhóm trong Biren Technology được dẫn dắt bởi các giám đốc và phó chủ tịch từng làm trong các hãng chip khổng lồ trước đây. Họ rời đi và mang theo những người bên cạnh tới công ty. Chúng tôi nghĩ đội Zhang Wen có một đội ngũ vững chắc và giỏi toàn diện”, Zhifeng nói trên Chinese Entrepreneur.

Cơ hội và rủi ro

Theo các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc là mục tiêu dễ bị tổn thương hàng đầu trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Điều này mang đến con dao hai lưỡi, thách thức và cũng là cơ hội cho các công ty như Biren.

“Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến những ông lớn GPU toàn cầu như Nvidia và AMD phải nhường thị trường Trung Quốc cho các startup nội địa. Điều này tạo ra cơ hội, khiến người dùng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của việc tự chủ trong nước”, Wang Lifu, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu ICwise nhận định.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng nói thêm ngành công nghiệp sản xuất GPU nội địa “vẫn ở giai đoạn đầu với tỷ lệ thị phần thấp”.

 Lệnh cấm xuất khẩu chip AI của Mỹ tạo ra thách thức và cũng là cơ hội cho các công ty. Ảnh: Nikkei.

Lệnh cấm xuất khẩu chip AI của Mỹ tạo ra thách thức và cũng là cơ hội cho các công ty. Ảnh: Nikkei.

William Wang, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn IC Cafe có trụ sở tại Thượng Hải cho biết ở góc độ công nghệ, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các startup GPU nội địa và các ông lớn như Nvidia.

"Các công ty Trung Quốc có tiềm năng trong một số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, họ cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Mỹ trong các lĩnh vực như tape out - khâu cuối trong quá trình thiết kế mạch tích hợp trước khi được gửi đi sản xuất. Cơ hội và hy vọng là có, nhưng rủi ro cũng không kém", Wang nói.

GPU được thiết kế cho các tác vụ tính toán chuyên sâu hơn so với CPU thông qua xử lý song song với nhiều bộ vi xử lý. BR100 của Biren được đánh giá là một GPU đa năng, có nghĩa là nó không chỉ dành cho đồ họa trong thiết bị điện tử tiêu dùng mà còn có thể tích hợp với các ứng dụng tính toán rộng lớn hơn.

Trong những năm gần đây, hàng loạt startup về chip GPU của Trung Quốc đã nổi lên và thu hút sự tài trợ của cả chính phủ và tập đoàn tư nhân. Tiêu biểu có thể kể đến như Iluvatar CoreX đang là đối tác với Trung tâm Siêu máy tính Thượng Hải và nền tảng chuỗi cung ứng CECport.

Đây là cả hai tổ chức được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn phía sau. Thậm chí, chip Tiangia 100 của Iluvatar CoreX được cho là GPU Trung Quốc duy nhất được sản xuất hàng loạt.

Ngoài ra, các startup khác trong lĩnh vực này cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm bao gồm Moore Threads và Denglin Technology. Hai công ty này đều tập trung vào thị trường GPU nội địa vốn được dự báo sẽ tăng gấp 7 lần quy mô lên mức 34,6 tỷ USD từ năm 2020-2027, theo Verified Market Research có trụ sở tại Ấn Độ.

Anh Tuấn

Theo SCMP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngoi-sao-cua-nganh-chip-trung-quoc-trong-no-luc-bot-phu-thuoc-my-post1361914.html