Ngôi sao điện ảnh Kiều Chinh về Việt Nam đóng phim
Diễn viên Kiều Chinh vừa trở về Việt Nam để tham gia một dự án phim cùng nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh. Đồng hành trong chuyến trở về của bà là hai nhà sản xuất điều hành Sir Daniel K. Winn và Randall J. Slavin.
Một trong tứ đại mỹ nhân Sài Gòn một thời - diễn viên Kiều Chinh vừa đáp chuyến bay về Việt Nam vào ngày 26.3 để chuẩn bị tham gia phim mới kể về cuộc đời của họa sĩ, nhà điêu khắc gốc Việt Daniel K. Winn. Đây là bộ phim do công ty của nghệ sĩ Trương Ngọc Ánh làm dịch vụ sản xuất.

Kiều Chinh tại sân bay ngày 26.3. Ảnh: TNA
Diễn viên Kiều Chinh cho biết rất vinh dự khi được quay lại Việt Nam để cống hiến cho một dự án mang nhiều ý nghĩa. Sự trở lại của ngôi sao điện ảnh Kiều Chinh trong dự án phim này không chỉ là một dấu ấn cá nhân mà còn mang theo hy vọng tạo sự kết nối giữa điện ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ở tuổi 88, nữ diễn viên gạo cội vẫn khiến mọi người ngưỡng mộ bởi sức khỏe bởi dù vừa trải qua chuyến bay dài, bà vẫn xuất hiện rạng rỡ. Diễn viên Kiều Chinh chia sẻ: “Cũng hơn 10 năm rồi tôi mới trở lại, có quá nhiều thay đổi. Tôi về nước để thực hiện dự án phim mới về họa sĩ, nhà điêu khắc Daniel K. Winn do Jordan Schulz đạo diễn. Cá nhân tôi diễn viên thì không cần chuẩn bị gì nhiều, nhưng ở khâu sản xuất thì Trương Ngọc Ánh cùng êkip đã tính toán và lên kế hoạch từ lâu rồi”.
“Ngoài lịch trình quay phim, tôi cũng rất muốn được đi đến nhiều nơi ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Tuy nhiên lịch trình làm việc khá dày, thành ra tùy thuộc vào nhà sản xuất nữa. Tôi rất mong muốn được gặp gỡ khán giả quê nhà sau nhiều năm”, nữ diễn viên nói thêm.
Diễn viên Kiều Chinh tên đầy đủ Nguyễn Thị Chinh, sinh năm 1937 tại Hà Nội, được mệnh danh là một trong trong tứ đại mỹ nhân Sài Gòn một thời, sánh vai cùng Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương. Bà bắt đầu sự nghiệp diễn xuất vào những năm 1950 và nhanh chóng trở thành một ngôi sao nổi tiếng trong nước trước khi bước ra thế giới chinh phục thị trường Hollywood. Với khả năng diễn xuất tự nhiên, sâu sắc, diễn viên Kiều Chinh đã khẳng định vị trí của mình trong nhiều bộ phim nổi tiếng.
Một trong những vai diễn nổi bật của bà là trong bộ phim The Joy Luck Club (1993), bà đã thể hiện hình ảnh người mẹ đầy cảm xúc và sự hy sinh, làm rung động trái tim của hàng triệu khán giả. Năm 1968, diễn viên Kiều Chinh đóng phim Chuyện năm Dần (Year Of The Tiger) do Mỹ sản xuất với nam tài tử nổi tiếng Marshall Thompson cùng một số diễn viên khác như: Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Năm Châu, Kiều Hạnh… Bà cũng đã tham gia diễn xuất trong bộ phim Đoạt hồn (2014) của đạo diễn Hàm Trần.
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phim ảnh, ngôi sao điện ảnh Kiều Chinh còn là một nhà hoạt động nhân đạo tâm huyết. Bà đã dành nhiều thời gian và công sức để hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các hoạt động từ thiện trên toàn thế giới. Kiều Chinh được nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm giải Emmy cho bộ phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home, ghi nhận những đóng góp không ngừng nghỉ của bà cho nghệ thuật và cộng đồng.
Trở về Việt Nam lần này, Kiều Chinh tiếp tục làm phong phú thêm tài sản diễn xuất đáng nể của mình với một vai diễn đặc biệt trong bộ phim kể về thời niên thiếu của họa sĩ và nhà điêu khắc danh giá Sir Daniel K. Winn, một biểu tượng nghệ thuật tại Beverly Hills.
Bộ phim mang đậm dấu ấn nghệ thuật và cảm xúc, được kỳ vọng sẽ làm nổi bật câu chuyện hình thành tài năng và tâm hồn của một nghệ sĩ bậc thầy.

Kiều Chinh và Daniel K.Winn tại sân bay. Ảnh: TNA

Kiều Chinh, Daniel K. Winn cùng Trương Ngọc Ánh và ê kíp sản xuất bộ phim. Ảnh: TNA
Daniel K. Winn là một nhân vật nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật và sản xuất người Mỹ gốc Việt. Sinh ra tại Biên Hòa (Việt Nam), Sir Daniel đã trải qua một hành trình đầy thử thách để trở thành nghệ sĩ và nhà từ thiện được công nhận trên toàn cầu.
Daniel không chỉ được biết đến như một nghệ sĩ, giám tuyển nghệ thuật mà còn là một nhà sản xuất tài năng, đã tham gia vào nhiều dự án điện ảnh và nghệ thuật quốc tế. Ông thường xuyên tổ chức triển lãm nghệ thuật tại các địa điểm danh tiếng như Mỹ, Tây Ban Nha, và Trung Quốc, tạo nên dấu ấn riêng biệt trong làng nghệ thuật toàn cầu.
Năm 2018, ông được phong tước Hiệp sĩ bởi Hoàng thân Waldemar xứ Schaumburg-Lippe, ghi nhận những đóng góp đáng kể của ông cho nghệ thuật và các hoạt động từ thiện. Năm 2022, ông đã từng về Việt Nam và trò chuyện với sinh viên tại trường Đại học Văn Lang.