Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũng qua!

Một tờ báo kể lại sự việc xảy ra trong mùa dịch Covid-19 tại thành phố du lịch Đà Lạt, dòng chữ viết trước một quán ăn: 'Ở đây không bán cho người Sài Gòn!'. Thật nhói lòng dù đây chỉ là chuyện không phổ biến.

Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũ

Câu chuyện được dẫn dắt, trước đó một gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh khi định đưa mẹ già nhiều bệnh nền về quê ngoại ở Đà Lạt tránh dịch, biết là khi đi qua chốt kiểm tra ở cửa ngõ trên đỉnh đèo vào tỉnh Lâm Đồng phải chờ đợi, rất khó khăn, nên từ đường cao tốc Sài Gòn - Dầu Giây người này đã điện thoại và quẹo xe hướng ra tỉnh Bình Thuận tá túc nhà một người bạn.

Người Bình Thuận hào sảng mến khách có tiếng từ lâu, mọi việc dọc đường đi dễ dàng, thuận lợi. Hết thời gian cách ly theo quy định của tỉnh, con trai đưa mẹ đi một vòng quanh thành phố Phan Thiết hóng gió biển. Nhưng vài sự cố đã xảy ra, một số nhân viên bảo vệ ở cổng chợ thấy khách đi xe biển số Sài Gòn đã bước tới truy hỏi. Ngày thứ 2 người này tới một cảng cá mua đồ ăn tươi sống gửi về Sài Gòn cho bếp ăn 0 đồng, vừa đứng lớ ngớ thì một toán người đến, may mắn họ nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự. Nhưng có vài ông khiêng sọt cá đứng ngoài thì hoạnh: “Dân Sài Gòn, các anh hốt hết đi”. May mắn, bữa đó mọi chuyện được yên ổn.

Lễ tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào tử nạn và các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 hy sinh thầm lặng diễn ra tối 19/11 vừa đi qua đúng 1 tuần nhưng vẫn như vừa diễn ra hôm qua, hôm nay vậy. Tiếng chuông nhà thờ chậm rãi gõ nhịp, tiếng kinh kệ vọng từ các chùa, tiếng còi tàu được kéo lên từ bến cảng, hàng ngàn hoa đăng tưởng nhớ người đã khuất lặng lẽ trôi trên sông rạch gợi lên bao điều đau thương lớn lao không gì có thể bù đắp. Theo chương trình truyền hình trực tiếp trên màn ảnh nhỏ, ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết và các nơi khác ở tỉnh Bình Thuận, nhà thờ rung chuông, tiếng mõ chùa gõ nhịp, nhiều gia đình tắt đèn, thắp một ngọn nến trong nhà đủ sáng, vài ngọn nến thắp ngoài cửa, kèm nén nhang trầm nghi ngút khói, mọi người thành tâm chắp tay tưởng niệm những số phận không may mắn đã ra đi trong đại dịch. Tiếng nấc nghẹn ngào đâu đó, giọt nước mắt chảy dài.

Một nhà báo nước ngoài viết trên trang cá nhân: “Một lễ tưởng niệm nhiều cảm xúc. Việt Nam trải đau thương càng đơm thêm nghĩa tình và sự vững chãi. Càng đau thương người Việt càng siết chặt đội ngũ”. Bộ lịch chào năm mới 2022 - đón Tết Nhâm Dần lót nền bằng những cành mai vàng nở đẹp với chủ đề “An trú” nhắc nhở mỗi người hãy sống tích cực, an nhiên thông qua những câu thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hãy lắng nghe nhau”, “Con trân quý những tháng năm còn lại”, “Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũng qua”.

Những câu chuyện nhặt nhạnh về cách ứng xử “thái” quá đối với người từ Sài Gòn như vừa nêu thiết nghĩ không nên lặp lại. Âu đó cũng chỉ là vài nét thoáng qua của một số người hiểu chưa đúng về SARS-CoV-2, có phần trách nhiệm của truyền thông và mạng xã hội đã có lúc thông tin về dịch bệnh chưa chuẩn dẫn đến nhận thức của ai đó còn lệnh lạc. Cao hơn tất cả vẫn là những tấm lòng biết ơn, trân quý, sẻ chia về một Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh hào sảng, nghĩa tình, đô thị hào hoa, xinh đẹp, đáng sống. Cao cả biết nhường nào tấm lòng của cả nước vì Sài Gòn ruột thịt, vì miền Nam thân yêu, hàng ngàn tấm lòng thiện nguyện xung phong ra tuyến đầu chống dịch; hàng vạn tấn hàng hóa thiết yếu của bao đồng bào quyên góp được, trong đó có tấm lòng thơm thảo, nghĩa hiệp của người Bình Thuận hướng đến vùng tâm dịch những ngày đau thương.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cả nước vào thời kỳ “bình thường mới” thích ứng an toàn - chống dịch hiệu quả, nhưng vẫn còn đó nguy cơ bùng phát dịch trở lại, lây lan phức tạp, khó lường. Nhìn lên tấm lịch chào năm mới 2022, đúng là “Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũng qua”. Không chủ quan, lơ là trong chống dịch. Tình cảm và ý thức trách nhiệm cộng đồng, sẻ chia yêu thương, tay trong tay, không gì có thể cản bước chúng ta đi tới và chiến thắng.

Quốc Toàn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/ngoi-that-vung-chai-chuyen-gi-cung-qua-143506.html