Ngôi trường nuôi dưỡng ước mơ của học sinh vùng sâu
Đóng chân tại xã đặc biệt khó khăn, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác không chỉ mang đến niềm vui mà nuôi dưỡng ước mơ đến trường của học sinh vùng sâu.
Niềm vui vỡ òa khi trường THPT được thành lập
Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác được thành lập vào tháng 8/2022 trên cơ sở Trường THCS Trần Phú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trên địa bàn xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông tiếp tục hành trình theo đuổi đam mê học tập.
Ông Phạm Quốc Trọng – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tại huyện Tuy Đức cho hay, cho đến đầu năm 2022, toàn huyện chỉ có 1 trường THPT đặt tại trung tâm huyện.
Trong khi đó, Đắk Ngo là xã khó khăn nhất của huyện, cách trung tâm huyện Tuy Đức khoảng 60km. Do đó, hàng năm sau khi tốt nghiệp THCS, một sốt em học sinh trên địa bàn xã Đắk Ngo đành phải ra học ở các trường THPT của huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), cách nhà hơn 30m.
Tuy nhiên, cũng có nhiều học sinh do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học xa nên phải nghỉ học.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tại huyện Tuy Đức, thực tế trên đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, tương lai của con em. Đồng thời, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chất lượng cuộc sống, kinh tế xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Không những thế, việc thành lập trường THPT cũng là niềm mong ước của cử tri và người dân trên địa bàn xã Đắk Ngo trong nhiều năm qua.
Trước những nhu cầu học tập của học sinh, ngày 12/8/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1398/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trường THCS Trần Phú thành Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác.
Theo báo cáo của Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, ngay trong học kỳ đầu tiên của năm học 2022-2023, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác đã tiếp nhận 80 học sinh vào lớp 10.
Cô Chu Thị Thương, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác cho hay: “Việc thành lập trường THPT trên địa bàn xã Đắk Ngo như một món quà quý giá, tạo động lực giúp các em ngày càng phấn đấu hơn trong học tập. Không những thế, nhân dân trên địa bàn cũng rất phấn khởi khi con em mình được đi học cấp 3 một cách thuận lợi và có thời gian phụ giúp gia đình sau những giờ đến lớp”.
Là con cả trong gia đình có 5 chị em, nữ sinh Sùng Thị Vân, học sinh lớp 10 Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác không giấu được niềm vui khi được đi học cấp 3 gần nhà.
Em Vân tâm sự: “Do hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo nên trước khi có trường THPT trên địa bàn xã, em dự định sau khi tốt nghiệp THCS sẽ nghỉ học để nhường lại ước mơ học tập cho các em của mình. Thế nhưng, ngay khi có thông tin thành lập Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác tại xã Đắk Ngo, em đã về nói với bố mẹ để tiếp tục được thỏa mãn ước mơ học tập.
Thấu hiểu nguyện vọng của em, bố mẹ đã đồng ý ngay mà không chút đắn đo, suy nghĩ. Điều đó khiến em rất vui, hạnh phúc vì ngoài việc được đi học, em còn có thời gian phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy và đưa các em đến trường”.
Góp phần “ngăn dòng bỏ học”
Công tác tại xã Đắk Ngo suốt 16 năm qua, cô Châu Thị Hồng Nhạn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác đã chứng kiến biết bao khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây trên hành trình đi tìm con chữ.
Giải thích về điều này, cô Nhạn cho biết: “Xã Đắk Ngo là xã khó khăn nhất của huyện Tuy Đức và là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Do đó, học sinh của trường có hơn 85% là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc H’Mông”.
Đáng nói, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của trường chiếm đến hơn 80% nên cuộc sống của các em đối diện với không ít khó khăn, thiếu thốn.
“Cái nghèo đeo bám khiến cho không ít học sinh phải nhịn ăn sáng để đi học mỗi ngày. Đáng nói, vào những ngày mùa đông lạnh “cắt da, cắt thịt” nhưng nhiều em chỉ mặc bộ quần áo mỏng cũ kĩ đến lớp. Nhiều gia đình càng không sắm nổi bộ đồng phục, cái cặp cho con”, cô Nhạn nói.
Không chỉ thiếu cái ăn, cái mặc, nhiều học sinh phải vượt chặng đường hơn chục ki-lô-mét để đến trường.
Đối diện với những khó khăn chồng chất, nhiều năm trước đây, tình trạng học sinh bỏ học tại địa bàn xã Đắk Ngo đã trở thành “bài toán” nan giải của những người đứng trong hàng ngũ giáo dục, cũng như chính quyền địa phương.
Không ít em bỏ học giữa chừng để theo bố mẹ lên nương rẫy, đi làm thuê mưu sinh. Thế nhưng, cũng có nhiều học sinh nữ gác lại việc học tập để lấy chồng khi chỉ mới 14-15 tuổi.
Chứng kiến những điều đó khiến cho các giáo viên trên địa bàn không khỏi xót xa, trăn trở. Để “ngăn dòng bỏ học”, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm, thành lập tổ công tác vượt quan nhiều trở ngại, đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường.
Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp THCS, vẫn có hơn 50% học sinh phải bỏ học bởi hoàn cảnh khó khăn và đường đến trường quá xa. Hàng năm, toàn xã chỉ có khoảng 20 học sinh tiếp tục học lên bậc THPT. Tuy nhiên, hành trình theo đuổi đam mê học tập lên THPT của các em học sinh cũng chẳng mấy dễ dàng.
Cô Nhạn chia sẻ: “Nhiều em phải dậy từ lúc 3-4 sáng để đi xe buýt đến huyện khác học cấp 3. Hơn nữa, việc học xa nhà cũng khiến cho các phụ huynh tốn kém thêm rất nhiều chi phí và nơm nớp lo sợ khi những cạm bẫy ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng đến con em mình bất cứ khi nào vì thiếu sự giám sát của gia đình”.
Từ những phân tích nói trên, cô Nhạn khẳng định, việc thành lập trường THPT trên địa bàn xã Đắk Ngo không chỉ giải quyết những khó khăn, trở ngại của học sinh, phụ huynh và “ngăn dòng bỏ học”, mà còn là động lực nuôi dưỡng ước mơ học tập của học sinh nghèo ở xã vùng sâu.
Tương tự, ông Trương Quang Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cũng cho hay: “Việc thành lập trường THPT tại xã không chỉ là niềm vui của bà con nhân dân mà chính quyền địa phương cũng rất phấn khởi. Bởi, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học, việc thành lập trường THPT còn góp phần giảm dần tình trạng tảo hôn đối với người đồng bào dân tộc H’Mông trên địa bàn”.