Ngôi trường ở Đà Nẵng học sinh chỉ mê đọc sách, về nhà không 'thèm' điện thoại, tivi
Nhà trường, phụ huynh rất vui khi con dành thời gian rảnh để đọc sách thay vì xem tivi, máy tính.
Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là một trong những trường học đi đầu về việc triển khai các mô hình khơi dậy niềm đam mê đọc sách của con trẻ cũng như rèn luyện các kỹ năng trong cuộc sống.
Đọc sách cùng con trẻ
Ngoài những giờ các con lên lớp học kiến thức từ sách giáo khoa thì lúc có thời gian rảnh, học sinh trường Tiểu học Lương Thế Vinh còn rủ nhau khám phá cuộc sống qua sách, truyện trong những tủ sách thư viện ở trường.
Đồng thời, khi trở về ngôi nhà của mình, các em cũng say sưa đọc sách với những câu chuyện lý thú do thầy cô, bố mẹ mua tặng. Trong quá trình đọc sách, các con sẽ tự quay video hoặc nhờ người thân quay lại và đăng tải lên nhóm trên mạng xã hội của nhà trường để lan tỏa văn hóa đọc sách đến toàn trường cũng như lưu giữ “thành tích” của chính bản thân mình.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Võ Thị Mỹ Thu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh cho biết, việc mong muốn các con phát triển văn hóa đọc sách đã có từ rất lâu và bất chợt cô nghĩ ra một ý tưởng để khích lệ các con đọc sách nhiều hơn là sẽ ghi nhận lại những lần các con đọc để rồi có những phần thưởng động viên khích lệ.
“Trước khi bắt đầu, tôi có trao đổi với nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là cô giáo môn Tin học thành lập một nhóm trên mạng xã hội để phụ huynh dễ dàng tham gia và đăng tải video các con đọc lên nhóm. Từ đó, trên nhóm sẽ lan tỏa sang gia đình, học sinh khác khích lệ các em đọc sách, đăng tải lên”, cô Thu nói.
Chỉ mới thử nghiệm trong khoảng sáu tháng, nhưng đã có hàng trăm em học sinh tích cực đọc sách và quay lại video chia sẻ lên nhóm.
Trong đó, có nhiều em đã đăng tải hơn 1.500 video đọc các mẫu truyện, nội dung sách khác nhau lên nhóm khiến nhiều phụ huynh, thầy cô giáo bất ngờ.
Hơn nữa, cách làm này cũng có những kết quả nhất định như một số em có kỹ năng đọc chưa tốt thì sau khi rèn luyện vừa đọc, vừa thi sau khoảng hai tháng đã có kỹ năng đọc khá hơn rất nhiều.
Qua nắm bắt, nhiều phụ huynh chia sẻ là các con đi học về chưa kịp thay quần áo, tắm rửa đã lấy sách, truyện ra đọc mà không xem tivi hay điện thoại như trước nữa. Nhiều em học sinh còn hứng thú đọc sách rồi kể lại cho các bạn nghe để rồi các bạn cũng tò mò câu chuyện và mượn sách về khám phá.
Sách thay điện thoại, tivi
Phụ huynh em Kiều Nguyễn Bảo Quyên, học sinh khối 2, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (đã có hơn 1.500 video đăng tải trên nhóm) cho biết, trước đây khi nghe nhà trường phát động chương trình đọc sách này thì chị cũng chỉ nghĩ là một cuộc phát động đọc sách bình thường.
Tuy nhiên, sau một tháng các con đọc sách và quay video đăng tải lên nhóm thì thấy nhà trường có một việc làm rất hay là tặng quà động viên các con có nhiều lượt đăng bằng các cuốn sách, tập truyện. Từ đó, các con thích thú hơn và mua sách, động viên con em đọc sách nhiều hơn.
“Từ lúc có chương trình đọc sách này, con của chị gần như quên luôn điện thoại, đi học về có thời gian là lôi sách ra đọc. Mẹ gọi đi chơi ở những nơi khác cũng khó hơn vì con chỉ muốn ở nhà đọc sách hoặc ra công viên đọc truyện”, chị vui mừng chia sẻ.
Tự tin trước ống kính, em Kiều Nguyễn Bảo Quyên cho rằng việc đọc sách cho chúng ta biết nhiều kiến thức cũng như sẽ không viết sai chính tả nữa. Ngoài ra, còn được cô giáo chủ nhiệm và cô hiệu trưởng khen thưởng tặng quà. “Đọc sách rất bổ ích, các bạn cùng đọc sách với mình nha”, em Bảo Quyên nhắn gửi.
Đến nay, em Kiều Nguyễn Bảo Quyên cùng nhiều em khác đã nhiều lần được nhà trường tặng quà, động viên để tiếp tục phát triển cũng như lan tỏa văn hóa đọc sách trong trường học cũng như ở nhà.
Để đảm bảo công bằng và có động lực cho các em khác, mỗi tháng hoặc mỗi quý nhà trường sẽ tính lại từ đầu để những em tham gia sau công bằng hơn, tránh việc khoảng cách quá xa giữa các em.
Tới đây, trường Tiểu học Lương Thế Vinh sẽ tổ chức những buổi cà phê đọc sách cuối tuần để phụ huynh có thể đến cùng con em, vừa tạo văn hóa đọc sách cho con trẻ mà người lớn cũng tham gia đọc sách. Người tham gia không chỉ còn là trẻ em, học sinh mà còn là bố, là mẹ, anh chị trong gia đình.