'Ngọn đèn đứng gác' sáng mãi với thời gian
Bài thơ 'Ngọn đèn đứng gác' ra đời năm 1965 cùng với bài thơ 'Đường ra mặt trận'. Đây là những năm tháng đế quốc Mỹ liều lĩnh đưa hàng chục vạn quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến và leo thang, mở rộng đánh phá bằng không lực ra miền Bắc nhằm làm suy yếu hậu phương lớn của miền Nam để cứu vãn thất bại của chiến lược 'Chiến tranh đặc biệt'
Nhà thơ Chính Hữu (1926 – 2007) tên thật là Trần Đình Đắc. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ông sáng tác không nhiều, khoảng gần 50 bài, về cơ bản chỉ có một tập thơ mỏng “Đầu súng trăng treo” do nhà xuất bản Văn học in năm 1966, gồm 24 bài (tính đến trước lúc ông mất nhà xuất bản Hội Nhà Văn có in tập “Thơ Chính Hữu”, nhà xuất bản Văn học in “Tuyển tập Chính Hữu”) nhưng thơ ông rất có chất, một số bài có thể xếp vào loại tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, trong đó có bài thơ “Đồng chí” đã trở thành quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh trên cả nước. Bài thơ “Ngọn đèn đứng gác” ra đời năm 1965 cùng với bài thơ “Đường ra mặt trận”. Đây là những năm tháng đế quốc Mỹ liều lĩnh đưa hàng chục vạn quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến và leo thang, mở rộng đánh phá bằng không lực ra miền Bắc nhằm làm suy yếu hậu phương lớn của miền Nam để cứu vãn thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Bắt đầu từ đây, cả nước ta bước vào một chặng đường “ra trận” mới. Bộ đội, thanh niên xung phong khắp nơi tòng quân lên đường đi đánh giặc. Người người, lớp lớp băng rừng, vượt biển chi viện cho miền Nam. Để tránh bị địch phát hiện, càn quét, đánh phá chúng ta chỉ hành quân vào ban đêm. Khi ấy, trên khắp các nẻo đường ra trận, bộ đội chỉ treo các đèn bão thắp sáng bằng dầu để dẫn đường. Bắt đầy từ khi ấy hình ảnh những “ngọn đèn đứng gác” đã trở thành phổ biến và quen thuộc với nhiều người ở miền Bắc. Và đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho Chính Hữu sáng tạo nên bài thơ, sau đó tác phẩm đã được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Mạch cảm xúc của bài thơ được vận động theo tâm trạng xúc động và tự hào của nhân vật trữ tình (một người lính trên đường ra trận). Nhìn những ngọn đèn dầu trong đêm, người lính đã liên tưởng đến miền Nam, đến đất nước, đến nhân dân cả nước và trào dâng những nỗi niềm xúc cảm. Bảy dòng thơ đầu kể lại hình ảnh những ngọn đèn dầu trong đêm mà người lính nhìn thấy trên khắp mọi nơi trên đường ra trận. Mười sáu dòng thơ tiếp theo, qua hình ảnh ngọn đèn dầu, người lính đã liên tưởng tới tình cảm của nhân dân cả nước dành cho miền Nam và ngược lại. Bốn dòng thơ cuối cùng là suy cảm của nhà thơ về ngọn đèn và niềm tin tất thắng vào tương lai của dân tộc. Xuyên suốt mạch cảm xúc với hình ảnh trung tâm là ngọn đèn dầu thắp sáng trong đêm. Những ngọn đèn dầu đó vô cùng bình dị nhưng có một sức sống dẻo dai, bền bỉ; dù “trong gió trong mưa” nhưng “không bao giờ nhắm mắt”. Ngọn đèn ấy vừa có nghĩa tả thực vừa có nghĩa tượng trưng. Ngọn đèn ấy soi đường, giục giã người chiến sĩ ra trận; thắp sáng lên trong lòng người lính những niềm vui, niềm tin tất thắng. Nhưng ngọn đèn ấy cũng là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đất nước bất diệt, cho những tình cảm cao đẹp của nhân dân Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc dành cho nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mở đầu bài thơ, mạch cảm xúc thứ nhất, hình ảnh những ngọn đèn hiện lên trên mọi nẻo đường:
“Trên đường ta đi đánh giặc
Ta về Nam hay ta lên Bắc
Ở đâu
Cũng gặp
Những ngọn đèn dầu
Chong mắt
Đêm thâu”
Hình ảnh những ngọn đèn dầu báo hiệu giúp cho người lính nhận diện được con đường đi trong đêm tối đã được nhà thơ nhân hóa như những cặp mắt suốt đêm không ngủ để dẫn lối, chỉ đường cho những đoàn quân nối đuôi nhau ra mặt trận. Hình ảnh “chong mắt” trong khổ thơ thật hay. “Chong mắt” có nghĩa là mắt mở liên tục, không chợp mắt tí nào. Có thể thấy với hình ảnh này nhà thơ đã cho mọi người thấy được hình ảnh những đoàn quân ra trận di chuyển trong đêm liên tục; phản ánh được cái không khí ra trận giống như ngày hội non sông trong màn đêmở khắp mọi nơi: “Xóm dưới làng trên, con gái con trai/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường trật trội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Đường ra mặt trận - Chính Hữu).
Hơn bao giờ hết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã huy động được sức mạnh toàn dân. Với ý thức tất cả dành cho chiến trường, nhân dân ta nhận thức rõ nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của mình với đất nước. Họ đã tình nguyện hiến dâng tất cả để xông lên tuyến đầu diệt thù giải phóng non sông. Cho nên không khí và con đường ra trận khi đó dù có trong đêm tối thì với họ vẫn là con đường đẹp nhất, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đó là con đường: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Theo chân Bác – Tố Hữu). Hơn ai hết, dân tộc ta, nhân dân ta đã sớm ý thức được rằng: mất nước là mất tất cả. Mất nước dù có sống hoài thì cũng vô nghĩa. Chính vì vậy những ngọn đèn “chong mắt/ thâu đêm”đãmọc lên ở khắp mọi nơi chốn:“về Nam” hay “lên Bắc”, có nghĩa là ở bất kỳ chỗ nào người lính cũng trông thấy. Trong bài thơ này nhà thơ Chính Hữu không trực tiếp miêu tả không khí sôi nổi ra trận của nhân dân ta khi đó như trong bài thơ “Đường ra mặt trận”nhưng với hình ảnh ngọn đèn dầu xuất hiện trong một không gian bao trùm từ Nam lên Bắc như thế chúng ta vẫn có thể hình dung ra cái khí thế và quyết tâm ra trận để giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà của cả đất nước ta thời ấy.
Sang đoạn thơ thứ hai, từ hình ảnh những ngọn đèn dầu thức trắng trong đêm nhà thơ đã liên tưởng đến một tình cảm yêu quý thiêng liêng của nhân dân cả nước dành cho miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam dành cho đồng bào cả nước.
“Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt
Như những tâm hồn không bao giờ tắt
Như miền Nam
Hai mươi năm
Không đêm nào ngủ được,
Như cả nước
Với miền Nam
Đêm nào cũng thức
Soi cho ta đi
Đánh trận trường kỳ
Đèn ta thắp niềm vui theo dõi
Đèn ta thắp những lời kêu gọi.
Đi nhanh, đi nhanh
Chiến trường đã giục
Đầy núi đầy sông
Đèn ta đã mọc.\
Hình ảnh ngọn đèn dầu chỉ đường “chong mắt/ thâu đêm” bình dị quen thuộc xuất hiện trên mọi nẻo đường đi đánh giặc xuyên suốt bài thơ đã nói lên được một cách thấm thía về những gian khổ, hy sinh của miền Nam “đi trước về sau” trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Kể từ ngày 23 tháng 9 năm 1945, lúc bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đến khi bài thơ ra đời, năm 1965, đồng bào miền Nam đúng tròn hai mươi năm kháng chiến không ngừng không nghỉ hết Pháp rồi lại đến Mỹ - Ngụy. Trong hai mươi năm ấy có biết bao đêm trường đau khổ. Và cũng trong suốt hai mươi năm đó, hậu phương lớn miền Bắc cũng không nguôi hướng về miền Nam thân yêu: “Như cả nước/ Với miền Nam/ Đêm nào cũng thức”.
Chính Hữu không kể nhiều, chỉ vài dòng thơ ngắn nhưng rất hàm súc, cô đọng với hình ảnh ngọn đèn là trung tâm, đoạn thơ đã thể hiện xúc động tinh thần chiến đấu bền bỉ của dân tộc ta và khơi gợi được cái không khí hào hùng của cả một thời kỳ chống Mỹ oanh liệt. Ở đoạn thơ này, Chính Hữu đã phát huy tối đa hiệu quả tu từ của nghệ thuật nhân hóa (Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt; Đèn ta thắp niềm vui theo dõi; Đèn ta thắp những lời kêu gọi), hoán dụ (miền Nam/ Hai mươi năm/ Không đêm nào ngủ được; cả nước/ Với miền Nam/ Đêm nào cũng thức), so sánh (Như những tâm hồn không bao giờ tắt; Như miền Nam/ Hai mươi năm/ Không đêm nào ngủ được; Như cả nước/ Với miền Nam/ Đêm nào cũng thức), điệp ngữ (không bao giờ, đêm nào, miền Nam, như, Đèn ta thắp niềm vui theo dõi/ Đèn ta thắp những lời kêu gọi; Đi nhanh, đi nhanh; Đầy núi đầy sông). Có thể nói, với nghệ thuật nhân hóa nhà thơ đã làm cho ngọn đèn vô tri thắp lên những đốm sáng bên đường thành những cặp mắt đang mở để dẫn đường, đưa lối cho những đoàn quân nối đuôi nhau ra mặt trận; thành những tâm hồn biết chia sẻ những nỗi niềm buồn vui; biết dõi theo, thúc giục, kêu gọi, cổ vũ những đoàn quân và cả nước cùng nhau tiến lên phía trước. Việc nhân hóa ngọn đèn như thế đã làm cho hình ảnh thơ hiện lên rất sinh động; đồng thời cũng khơi gợi trong lòng người đọc hình ảnh của cả một đất nước với hai miền Nam, Bắc trong suốt hai mươi năm chưa bao giờ ngừng trăn trở và lúc nào cũng thao thức với một nung nấu quyết tâm đánh giặc thống nhất nước nhà. Cùng với biện pháp nhân hóa là kiểu hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi tên vật bị chứa đựng (miền Nam - đồng bào miền Nam, cả nước - toàn thể nhân dân Việt Nam) kết hợp với cách nói so sánh, ví von những ngọn đèn dầu “không bao giờ nhắm mắt” trong đêm như những tâm hồn không bao giờ tắt, như miền Nam hai mươi năm không ngủ, như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức đã diễn tả cụ thể và sâu sắc tình cảm son sắt, thủy chung của nhân dân cả nước với đồng bào miền Nam và của đồng bào miền Nam với nhân dân cả nước.Cái ý thơ ấy lại gợi ta nhớ đến quyết tâm cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là của toàn thể dân tộc ta: “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Cho nên hai mươi năm hay nhiều hơn hai mươi năm những ngọn đèn vẫn kiên trì, bền bỉ “cho thắng lợi nối đuôi nhau”. Cái tình cảm thiêng liêng, sắt son ấy; cái quyết tâm sắt đá ấy; cái niềm tin cháy bỏng ấy được nhà thơ nhận ra từ khí thế ra trận của cả dân tộc qua những ngọn đèn đứng gác và khẳng định, nhấn mạnh bằng biện pháp tu từ điệp ngữ. Có thể nói, những tình cảm, những niềm tin cùng cả những quyết tâm của cả dân tộc khi đó như thể đang thường trực trong trái tim của mỗi người. Nó cháy sáng như những ngọn đèn để cổ vũ, thúc giục những bàn chân “đi nhanh, đi nhanh” ra trận, tiến lên phía trước, nơi “chiến trường đã giục”. Những ngọn đèn tỏa sáng thầm lặng nhưng đầy cháy bỏng, thiết tha ấy đã đưa người ra trận “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” để “vượt trên triền núi cao Trường Sơn” với sức mạnh“đá mòn mà đôi gót không mòn”(Vũ Trọng Hối).
Kết thúc bài thơ, hình ảnh ngọn đèn đứng gácnhư những người chiến sĩ “trong gió trong mưa” hiện lên trong suy cảm của nhà thơ về tình yêu đất nước và niềm tin tất thắng vào tương lai của dân tộc:
“Trong gió trong mưa
Ngọn đèn đứng gác
Cho thắng lợi, nối theo nhau
Đang hành quân đi lên phía trước”.
Vẫn là hình ảnh ngọn đèn được nhân hóa như ở đoạn thơ mở đầu, với hình ảnh này bài thơ được khép lại trọn vẹn theo kiểu kết cấu nghệ thuật đầu cuối tương ứng. Nó vừa nhấn mạnh sự bền bỉ, kiên trì bất chấp mọi gian khổ của dân tộc trên con đường đánh giặc giải phóng đất nước vừa thể hiện một niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước với những thắng lợi nối theo nhau, đi lên phía trước. Hình ảnh khép lại bài thơ ấy giản dị nhưng xúc động và có ý nghĩa khái quát sâu sắc. Nó thể hiện một cách thấm thìa về tinh thần hi sinh, tinh thần chiến đấu không ngừng, không nghỉ của dân tộc ta; nói lên được vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ và cũng gợi được lên tinh thần của cả thời đại. Đó là không khí sục sôi, hào hùng của những năm tháng: “Bộ đội dân quân trùng trùng điệp điệp/ Chào nhau không kịp nhớ mặt/ Dô hò nón vẫy theo/ Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát”;“Đất nước mình đây/ Hai mươi năm/ mưa, nắng, đêm, ngày/ Hành quân không mỏi/ Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội/ Của những người đi, vô tận, hôm nay/ Yểm hộ miền Nam/ Thình thình đại bác/ Nhịp những bước chân/ Cả nước/ lên đường” (Đường ra mặt trận).
“Ngọn đèn đứng gác” là một trong những bài thơ hay nhất của Chính Hữu. Bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của ông: viết về đất nước, nhân dân, người chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu; tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của ông: giàu nhạc tính; nhịp thơ linh hoạt, phóng khoáng; hình ảnh giản dị mà hàm súc; mang đậm hơi thở của thời đại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng đã khép lại gần nửa thế kỷ, nhà thơ cũng đã giã từ cõi đời nhưng những vần thơ tươi sáng, đẹp đẽ của ông vẫn mãi là bài ca bất hủ về hình ảnh một thời của đất nước, của anh chiến sĩ. Những vần thơ ấy, những bài ca ấy vẫn ngân dài và sống mãi với thời gian.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngon-den-dung-gac-sang-mai-voi-thoi-gian-a23031.html