Ngọn đèn giữ biển Tây Nam

Nằm ở khu vực cực Nam Tổ quốc, đảo Hòn Khoai, thuộc xã Tân Ân (Ngọc Hiển, Cà Mau) có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trên đảo có ngọn hải đăng Hòn Khoai là di tích lịch sử quan trọng, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Anh hùng, liệt sĩ, thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo.

Hải đăng Hòn Khoai được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và là một trong 6 ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam, được người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1899. Trải qua 122 năm, ngọn hải đăng vẫn sừng sững giữa biển Tây Nam, giúp cho tàu bè qua lại khu vực Đất Mũi và từ biển Đông sang biển Tây thuận lợi, an toàn.

Tháp hải đăng có hình khối vuông, xây bằng xi măng và đá hộc, cao 15,7m, mỗi cạnh rộng 4m, xung quanh là khu nhà điều hành và nhà ở của cán bộ trạm, tất cả đều gần như nguyên bản so với khi mới xây dựng. Ngày nay, Hòn Khoai là hải đăng cấp 1 trong hệ thống hải đăng Việt Nam.

Toàn cảnh trạm hải đăng và một phần đảo Hòn Khoai.

Toàn cảnh trạm hải đăng và một phần đảo Hòn Khoai.

Ngọn hải đăng không chỉ là một công trình kiến trúc hàng hải mà còn gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Anh hùng, liệt sĩ, thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo. Đêm 13-12-1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra với 3 mũi tiến công, thầy giáo Phan Ngọc Hiển dẫn mũi xung kích số 1 đánh chiếm tháp hải đăng, bắt tên sếp đảo khi hắn đi từ nhà riêng đến trạm để đánh điện báo cáo về Sài Gòn. Trận chiến đấu nhanh chóng kết thúc thắng lợi, lực lượng khởi nghĩa thu được toàn bộ vũ khí. Nhưng sau 3 ngày, thực dân Pháp đã tổ chức đàn áp và bắt được thầy giáo Hiển cùng đội khởi nghĩa. Ngày 12-7-1941, sau hơn nửa năm bị bắt và tù đày, thầy giáo Phan Ngọc Hiển cùng các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Hòn Khoai bị xử bắn tại sân vận động thị xã Cà Mau.

Bia di tích Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Bia di tích Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Tháp hải đăng cùng nhà điều hành xây dựng năm 1899.

Tháp hải đăng cùng nhà điều hành xây dựng năm 1899.

Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai là minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí kiên cường, bất khuất, dũng cảm của những người cộng sản sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tấm gương Anh hùng, liệt sĩ, thầy giáo Phan Ngọc Hiển luôn là niềm tự hào của người dân Đất Mũi, tên ông sau này được đặt cho một huyện của tỉnh Cà Mau-huyện Ngọc Hiển.

Bài và ảnh: TUẤN HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ngon-den-giu-bien-tay-nam-658283