Ngọn đuốc dẫn đường
Trong các anh em, tôi là đứa bám theo ba nhiều nhất. Hồi nhỏ, cả 3 tháng hè là ngày nào tôi cũng lẽo đẽo theo ba ra đồng. Trong lúc ba làm đồng thì tôi ngồi chơi trong bóng râm, viết bâng quơ, chơi chán thì lội ruộng bắt cua, bắt ốc. Tôi là đứa duy nhất ngày nào cũng thức dậy cùng lúc với ba mẹ, trong khi mẹ pha trà thì ba hỏi han tôi chuyện học hành. Lớn lên một chút, trong khi các anh chị đều nghỉ học văn hóa để đi học nghề, thì chỉ có tôi theo đuổi ước mơ đại học.
Tôi bị say xe, mà ba không muốn con gái phải đón xe lên thành phố một mình nên ba luôn đồng hành cùng tôi từ lúc thi cho đến lúc đi học. Nhà tôi cách trường khoảng 60km, tuần nào ba cũng đưa đi, đón về trên chiếc xe cup cà tàng thời ấy. Cảm giác ngồi sau xe máy của ba thật yên lòng, kiểu như tôi chỉ cần học giỏi, còn mọi chuyện để ba lo. Kể ra thì biết bao nhiêu là kỷ niệm. Trong khi mẹ lo lắng những chuyện nhỏ hơn như ăn uống, nghỉ ngơi, thì ba lại cho tôi những lời khuyên trong việc chọn ngành học và những quyết định lớn khác.
Ngày tôi mới ra trường và đi làm ở công ty đầu tiên, áp lực "người cũ, người mới" khiến tôi bị stress. Trong lúc bế tắc, tôi định nghỉ việc, thì ba chính là người động viên tôi. Ba nói nếu kiên trì thêm một thời gian thì tôi cũng sẽ trở thành "người cũ". Còn nếu như tôi nghỉ thì chưa kể mất thời gian xin việc, nếu được tuyển thì tôi lại là “người mới”. Ba khuyên tôi sống có ích và hòa nhã, chân thành. Ba nói những gì cảm thấy khó giải quyết thì càng phải cố gắng bước qua nó càng sớm. Từ đó, tôi học cách bình tĩnh đi qua những chuyện gặp phải trên đường đời.
Biến cố xảy ra khi mẹ tôi mất. Quỳ dưới linh cữu mẹ, tôi không những khóc vì thương mẹ mà còn vì xót xa cho ba. Ba hốc hác, gầy đi rất nhiều và cũng trầm lặng hẳn. Ngày xưa ba khó tính biết bao nhiêu, giờ ba bỗng trở nên nhẹ nhàng, hiền từ và gần gũi với con cháu. Ai cũng đùa là ba không còn ai để thị uy, vì mẹ luôn chiều ba hết mực. Nhưng trong thâm tâm tôi hiểu rõ, ba biết ngày mình còn ở lại với con cháu không lâu nữa, chả mấy mà cũng ra đi như mẹ thôi...
3 năm sau khi mẹ tôi mất, ba bắt đầu bệnh liên miên mà lần nào cũng thập tử nhất sinh. Tôi cũng là đứa gần gũi ba nhất vì tôi không định cư ở quê chồng mà ở lại nhà ba mẹ. Căn bệnh nhồi máu cơ tim khiến ba có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Thời gian sau đó, hầu như ba nằm viện suốt và tôi luôn đồng hành ở bên ba. Có khi tôi mệt quá ngủ thiếp đi, giật mình dậy thấy ba quạt cho tôi, trong lòng tôi bỗng trào dâng lên bao nỗi sót xa. Tôi sợ một ngày ba sẽ bỏ chúng tôi mà đi... Từ ngày không còn mẹ, mấy cha con líu ríu với nhau, sức khỏe ba tôi giảm sút hẳn. Tôi thay mẹ nấu nước pha trà và ngồi trò chuyện với ba mỗi sáng. Tôi đi làm, ba ở nhà loay hoay với mớ cây kiểng, đợi đến chiều thì ngóng con như ngày xưa con chờ ba đi ruộng về. Hôm nào có việc gì về muộn một chút là ba nhờ người gọi điện… Biết thế nên mỗi lần về đến nhà là tôi chạy đi tìm ba, chỉ để nói: “Ba ơi! Con về rồi”. Có thế thì ba mới yên lòng đi nghỉ. Rồi sớm mai tôi lại thức dậy pha trà cho ba. Hai ba con có một khoảng thời gian ngắn trong ngày nhưng thật ý nghĩa. Chúng tôi hết kể chuyện xưa rồi đến chuyện nay...
Ba tôi hay gọi các con gái là "cưng". Tôi không quen thổ lộ tình cảm nên chưa bao giờ nói "Con yêu ba!", nhưng tôi biết tất cả những người con dù nói hay không nói ra thì lòng biết ơn và yêu thương là vô bờ bến, mà đặc biệt tình cảm giữa cha và con gái. Nếu ba đối với các anh răn dạy nghiêm khắc thì đối với các con gái ba luôn nhẹ nhàng, che chở. Giờ đây con không còn mẹ, chỉ có tình yêu của ba thắp sáng. Ba mãi là ngọn đuốc dẫn đường trong con!
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168817/ngon-duoc-dan-duong