Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì
Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ coi mình là một người hát rong đi qua miền đất này. Ông đã cất lên mọi cung bậc linh cảm về những giấc mơ đời hư ảo. Ngoài hai mảng chính là thân phận con người và tình yêu, nhạc sĩ còn thể hiện những nỗi niềm sâu nặng với cuộc sống và quê hương. Đó là cõi mộng giàu hiện thực mà ông đã từng trải nghiệm và yêu thương để chưng cất vào những tác phẩm âm nhạc sống mãi.
Từ nỗi cô đơn trầm luân…
Nguồn cơn của nhịp đập trái tim đầy hoang mang của Trịnh Công Sơn chính là vì cái chết. Bắt đầu là sự cố tử nạn của người cha. Cùng với đó là tai nạn của Trịnh từ cú đá hiểm hóc của người em trong cuộc tập luyện Judo. Sau đó còn là cái chết của người bạn thân, làm cho Trịnh Công Sơn luôn ám ảnh về sự tan biến trong cõi đời này. Ông yêu những gì chung quanh mình và tỏ lòng buồn bã chán chường với những gì làm hủy hoại đời người.
Năm 1962, nhạc sĩ học ở Trường Sư phạm Quy Nhơn. Trường ca “Dã tràng” của Trịnh Công Sơn trong thời gian này đã thể hiện tính công dân từ rất sớm. Không còn những cảm xúc tê tái trong “Ướt mi” (1958) hay lãng mạn “Diễm xưa” (1960) mà lời ca đã thân phận hơn trong “Dã tràng” (1962). Đó là nỗi cô đơn tràn ngập khi tâm trạng nghệ sĩ giằng co giữa những bi kịch của sự phi lý của cuộc đời.
“Dã tràng” có mạch ngầm triết lý về thân phận con người với hình ảnh được mô tả: “Trùng dương đưa sóng vào bờ/ Đùa lên biển cát hoang vu/ Xóa từng mảnh công dã tràng…”. Âm nhạc vang lên như tiếng kêu thống thiết về con người. Bởi những gì con người làm ra chỉ là công dã tràng. Cái chết đã xóa nhòa đi tất cả.
Nhưng vượt qua sự bế tắc nhạc sĩ đã tìm ra chốn dung thân của mình. Đó là tình yêu thương cuộc sống: “Tên tháng ngày viết trên môi cười/ Đốt đêm dài nghe ngóng tình yêu/ Nghe dã tràng xuống hai vai gầy/ Đốt cơn buồn đi đến tình yêu/ Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu/ Ta ra ngàn lời bắc loa gọi vào tình yêu…”. Đây là khởi nguồn cho mạch cảm xúc khai thác hiện thực của Trịnh Công Sơn sau này cùng với những biến cố trong cuộc sống.
Sau đó nhạc sĩ đi vào cuộc sống thực tại với những ngày tháng dạy học ở Bảo Lộc (1964-1967). Được phân công làm trưởng giáo (phụ trách một số lớp), Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được cầm những đồng lương và gửi tiền về cho mẹ và em. Trong những năm tháng gõ đầu trẻ miền sơn cước, ngỡ như tâm nhạc sĩ đã tĩnh hơn. Nhưng rồi cuộc đời đầy tao loạn và cuộc tình nhiều trắc trở đã làm cho Trịnh Công Sơn bất an.
Một hiện thực trầm buồn nơi miền đất đỏ bazan làm cho nỗi cô đơn trong tâm hồn Trịnh ngày một rã rời. Cuộc chiến vẫn cuồn cuộn sôi động. Cái chết luôn rình rập vây quanh. Những mùa hè đỏ lửa đã ghìm chân Trịnh Công Sơn tại nơi mưa gió lầy lội.
Và đó cũng là những đêm nhạc sĩ thức trắng suy tư về thân phận nghiệt ngã. Những dòng nhạc phản chiến đã ra đời trong căn phòng trọ đìu hiu ngập ngụa khói thuốc. Một hiện thực dữ dội ập đến trong từng con chữ trần trụi qua những chùm “Ca khúc da vàng”, “Gia tài của mẹ” và “Người phu quét đường”…
Nhưng rồi nỗi cô đơn trong con tim người nhạc sĩ đã nổi loạn khi cuộc chiến tranh ngày mỗi ngày khốc liệt hơn. Trịnh Công Sơn lưu lạc vào Sài Gòn hòa vào dòng người biểu tình phản chiến để rồi cất lên những khúc ca phản chiến đầu tiên trong khuôn viên Quán Văn, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (1967-1968). Cũng từ đó nỗi cô đơn đầy trầm luân của Trịnh Công Sơn đã được sự chở che và đón nhận của hàng ngàn khán giả trẻ tuổi và những người yêu nước.
Nhạc sĩ đã đoạt giải Đĩa Vàng với ca khúc “Ngủ đi con” (năm 1972-Nhật Bản). Đây là giai đoạn thăng hoa nhất của nhạc sĩ cho đến ngày đất nước được thống nhất (30-4-1975). Cũng chính ngày này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ôm đàn hát vang bài ca “Nối vòng tay lớn” trên đài phát thanh Giải phóng. Ý thức công dân trong người nhạc sĩ dâng cao. Cuộc sống mới chờ đón ông phía trước.
… Đến “Huyền thoại mẹ”
Nhạc sĩ nhập cuộc sống mới một cách ấm áp chân tình. Bên cạnh những dòng chiêm nghiệm siêu thực trong lời ca của cõi tình riêng, nhạc Trịnh cởi mở hơn trong ánh sáng hiện thực nóng bỏng. Tâm hồn nhạc sĩ luôn bay bổng với niềm vui mỗi ngày. Niềm lạc quan đã lấn át đi nỗi sầu muộn. Cuộc sống mới tràn vào âm nhạc Trịnh trong những cung bậc yêu thương.
Giai điệu của “Thành phố mùa xuân” cùng “Em ở nông trường em ra biên giới” (Giải Nhất năm 1985) sống động và tươi vui. Hàng chục ca khúc của Trịnh Công Sơn bừng sáng qua những chuyến đi thực tế. Đó chính là mạch nguồn ánh sáng tâm hồn mới từ những ca khúc trước đó như: “Chưa mất niềm tin” và “Việt Nam ơi hãy vùng lên”, “Huế-Sài Gòn-Hà Nội”, “Nối vòng tay lớn”...
Cuối cùng là giải Nhất cho ca khúc “Hai mươi mùa nắng lạ” (Cuộc thi 20 năm giải phóng miền Nam-1995). Dần dần hiện thực cuộc sống xây dựng sau hòa bình tạo nên trục cảm xúc mới lạ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Những bản tình ca của ông giờ đây càng chan chứa niềm lạc quan và rạng rỡ sắc màu.
Hàng triệu khán giả luôn đón nhận âm nhạc của Trịnh như ngày nào. Giai điệu “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Đoản khúc thu Hà Nội” cùng với “Bống không là Bống” và “Bống bồng ơi” luôn vang lên trong nỗi niềm riêng với khúc ca “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Đặc biệt ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên” gắn với bộ phim cùng tên (1992) đã gắn bó Trịnh Công Sơn với cuộc sống mới tràn ngập tình yêu thương với những lời ca: “Em ra đi nơi này vẫn thế/ Vẫn có em trong tim của mẹ/ Thành phố vẫn có những giấc mơ/ Vẫn sống thiết tha/ Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi”. Nhiều chuyến đi thực tế như những ngọn đuốc đốt cháy cảm xúc tươi sáng và tha thiết tình yêu cuộc sống trong tâm hồn ông.
Đáng chú ý trong một chuyến đi tới Quảng Bình (1984), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giật mình khi nhìn tấm hình “Mẹ Suốt”. Nỗi rung động hùng ca trào lên bất ngờ cùng với giai điệu lắng đọng trong bài ca “Huyền thoại mẹ”. Khác với nỗi đau mất mát và buồn thương trong “Em ở nông trường em ra biên giới” (1981) mà với “Huyền thoại mẹ” đậm đặc nét huyền thoại phiêu linh. Phải nói đây là câu chuyện xúc động và người mẹ được kể bằng giai điệu âm nhạc thiền sâu sắc.
Lời ca như những phân khúc ẩn dụ kỳ lạ: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù… Mẹ chìm trong đêm tối/ Gió mưa tóc che lối con đi…”. Ông dấn thân trong sự vận động và đón nhận nó như chính cuộc sống của mình. “Huyền thoại mẹ” là một điển hình sâu sắc cho sự đổi thay này. Hội Nhạc sĩ đã trao giải thưởng lớn cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1997) với chùm ca khúc: “Xin trả nợ người”, “Sóng về đâu” và “Em đi bỏ lại con đường”.
Một cõi đi về
Huế là tiếng vọng luôn chào đón Trịnh Công Sơn trở về sau 20 năm xa rời cõi tạm. Ngọn gió sông Hương luôn ngân vang lời ca: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”. Mới đây các họa sĩ đã tổ chức các cuộc vẽ nhạc Trịnh Công Sơn bên công viên dọc sông. Con đường mang tên Trịnh luôn văng vẳng lời mời gọi ông trở về với Huế. Bản vẽ của những họa sĩ trong mấy mùa nay luôn trầm lắng với sắc màu siêu thực mộng mơ: “Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy/ Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa”. Đó là dư âm “Một cõi đi về”.
Và mới đây TP Huế đã dành đất đón ông về. Đó là mộ phần linh thiêng tại quê nhà, xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Không ai muốn ông đi xa mãi bởi âm nhạc trĩu nặng hồn Huế của nhạc sĩ luôn ám ảnh trên từng mảnh đất quê hương.
Và thêm nữa một nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn sẽ được xây bên sông Hương cùng với những danh nhân Huế. Ngôi nhà mang tên “Gác Trịnh” trên đường Nguyễn Trường Tộ vẫn in đậm hình bóng nhạc sĩ tài hoa. Tất cả Huế muốn Trịnh Công Sơn quay về để thoát cảnh: “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ/ Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ngon-gio-hoang-vu-thoi-suot-xuan-thi-635930/