Ngọn gió thơ Trúc Thông

Sau hơn mười năm chịu đựng những cơn tai biến mạch máu não, nhà thơ Trúc Thông đã nhẹ nhàng ra đi ở tuổi 82 trong vòng tay yêu thương của những người thân gia đình.

Sau hơn mười năm chịu đựng những cơn tai biến mạch máu não, nhà thơ Trúc Thông đã nhẹ nhàng ra đi ở tuổi 82 trong vòng tay yêu thương của những người thân gia đình. Bài “Ngọn gió thơ Trúc Thông” của nhà báo Trần Nhật Minh – Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam là những nén tâm hương của đồng nghiệp thế hệ đi sau.

Nhà thơ Trúc Thông (1940-2021)

Nhà thơ Trúc Thông (1940-2021)

Tìm chân dung một nhà thơ có lẽ không đâu hơn là tìm trong chính những vần thơ. Nó là máu thịt, là gạch vữa của ngôi nhà ký ức, là lớp tháng năm trên bức hình đen trắng.

Với nhà thơ Trúc Thông và một góc Hà Nội cũ, tôi nhìn vào tuổi trưởng thành của ông gắn với một con phố cổ, nơi mà chạy ra đầu ngõ là trông thấy cây cầu bắc trên lòng phố, nơi mà ông khóc người bạn cùng phố có cái tên không thể chết: Hy Vọng, đã hy sinh khi tuổi còn xanh màu hy vọng.

"Mùa thu mây se se

Mùa thu mưa rào trắng

Đàn trẻ thu đi học

Quả tim thu bồn chồn

Hy vọng vẫn đang đi..."

Với chính cái chết của người bạn, ông cũng phải nói bằng những câu thơ không được cũ. Hà Nội một thời nghèo. Căn phố trong 36 phố cổ hiu hiu, thưa thớt. Bà mẹ già vẫn đi đi về về lấy cám nuôi lợn lo kinh tế gia đình. Trong thơ ông, bóng mẹ hiện lên lúc trực diện, lúc ẩn dụ, lúc cụ thể, lúc hình tượng. Nhưng đều thẳm sâu tình mẫu tử.

Ông sáng tạo để hình ảnh người thợ sông Đà lấm lem dầu mỡ, tóc bết gió bụi công trường chợt sáng rỡ một vẻ đẹp giản dị mà hiển hách. Không nói trực tiếp về sức vóc Công trình Thế kỷ, mà thông qua câu chuyện của những gia đình người thợ mang những đứa trẻ theo công trình, ông ngợi ca sự hy sinh thầm lặng cho một điều lớn lao: Tổ quốc.

"Bếp lửa phên che xinh tình yêu bố mẹ

Sinh ra mái ấm một gia đình

Các em - kết quả bao mối tình mạnh mẽ

Gần sao trời

thác lũ

mưa dông

Trần da thịt đất trời làm tã lót

Ủ vào trong bao kỷ niệm se lòng..."

Đó là một trong những vần thơ hay nhất tôi được đọc viết về người thợ. Nó ấm tình chia sớt. Chân thực mà không cũ.

Tấu lên giai điệu mới cho những hình ảnh cũ, luôn muốn tìm tòi lối nói mới cho thơ. Trúc Thông là vậy, với tư cách một nhà thơ, ông thích khám phá những va đập khác của ngôn từ. Nó phải là những biểu cảm từ trong những đau đớn sáng tạo, dù không phải sáng tạo nào cũng thành công. Ông đã mượn tên cuốn tiểu thuyết "Thụ cầm và bóng tối" của nhà văn Cu Ba, thần tượng của ông, để đưa ra tuyên ngôn của mình về những câu thơ - viên đạn...

"Từ ngữ từng núi cao vỏ đạn

Nhà thơ ơi

Dịu dàng ngọn gió

Anh đi qua những bức tường

Người ta nhìn rõ bóng anh qua

Ôi áo ngực gày

Máu rỏ

vài ba chữ..."

Trúc Thông yêu thơ đến cực đoan. Mỗi lần gặp tôi, ông đều khuyên cái điều mà tôi chả bao giờ dám nghĩ tới: "Làm thơ đi, thơ mới là tất cả". Ông còn mang chất thơ, niềm yêu thơ vào các chương trình phát thanh ở VOV. Hai mục ông gác cửa "Tiếng thơ" và "Nói chuyện thơ" đầy ắp chất thơ từ cuộc sống, nó đưa lại cho thính giả những suy ngẫm về nghệ thuật thơ, vừa tươi non vừa sâu sắc.

Bài "Vườn quê" của Trúc Thông là một bài thơ ngắn nhưng đủ dư lượng để cho ông nói trong im lặng về sứ mệnh của thơ ca.

"Sứ mệnh của cây táo cây na

cây chanh cây đu đủ

cây quýt câu hồng xiêm

Cả cây ớt!

sứ mệnh câu khoai nước...

sứ mệnh của tự do và thân thiện con người

phơi xanh giữa trời và lẳng lặng".

Có những bài thơ dài nhưng trôi đi nhàn nhạt không ở lại một câu một chữ nào. Có những bài thơ ngắn mà đọng lại cả tình và ý.

Trúc Thông là nhà thơ thích viết ngắn và coi trọng tứ thơ. Khi tình thơ và tứ thơ quyện vào nhau nhuần nhuyễn, ông có được những bài thơ ưng ý.

Vườn quê chưa phải là bài thơ thật xuất sắc của Trúc Thông. Nhưng nó xưng danh cho một cá tính thơ nghiêm cẩn và thích soi tìm ý nghĩa giữa khoảng lặng những dòng thơ, câu thơ. Khi trình bày thơ ông thích in thật to - ông bảo, như thế những con chữ nào lép sẽ bị lộ ra.

Trúc Thông không quen ôm đồm kể lể mà chọn lựa tứ thơ trong nhiều góc độ cuộc đời. Cốt lõi thơ được ôm trọn, được gói ghém kỹ bởi những câu thơ săn chắc. Mạch thơ đang xuôi êm, ông bất ngờ tung một mỏ neo găm lại, và bài thơ đã không trôi đi.

Khổ đầu giản dị điểm danh nhữ nhân vật chính của "Vườn quê": táo, na, chanh, đu đủ, hồng xiêm, ớt, khoai nước... - đủ mọi cá tính dưới vòm trời quê: chua cay, nhưng tất cả đều chung mọi sứ mệnh "phơi xanh giữa trời và lẳng lặng".

Câu thơ cuối bật lên tự nhiên như một quy luật bình dị mà kiêu hãnh của cái Đẹp. Thân phận của táo, na, chanh, đu đủ... gắn với vườn quê nhọc nhằn mưa nắng. Và rồi cứ thanh thản xanh tự do mặc kệ những trói buộc kìm hãm. Không phải là thứ quả trong vườn nữa rồi, mà như bản tính bộc trực hy sinh thuần hậu của người quê.

Cái đẹp vốn nguyên thể không cần xếp đặt hào nhoáng. Sứ mệnh của sáng tạo là lặng lẽ, âm thầm, không cầu danh, vụ lợi.

Nghĩ nhiều về một bài thơ ngắn là thói quen của độc giả. Và như thế nhà thơ đã hái được chút "quả ngọt" từ mảnh "Vườn quê" của mình. Dù lúc viết ra, Trúc Thông dường như chỉ muốn dứt khỏi những thúc bách tâm khảm, vượt gió bụi phố phường để được sống thở trong cõi làng quê vốn lâu nay bình dị, khiêm nhường và thanh sạch. Về bên con sông Châu, quê ông, nơi có đôi chim cu "Áo trắng mắt cườm chân son mỏ đỏ/ Gật gù đi trong cỏ pha thu".../.

Nhà báo Trần Nhật Minh

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/ngon-gio-tho-truc-thong-post914237.vov