Ngổn ngang 10 năm nội chiến Syria

Ngày 15-3 đánh dấu 10 năm xảy ra cuộc nội chiến tại Syria. Với sự trợ giúp của Nga, đến nay chính quyền Damas gần như đã kiểm soát được đất nước nhưng sự xung khắc quyền lợi giữa các cường quốc và khu vực vẫn đang khiến Syria chưa thể thống nhất hoàn toàn.

Ngoài hàng trăm nghìn người chết, hàng triệu người phải bỏ xứ, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Syria đã bị phá hủy nặng nề.

Ít nhất 384.000 người, bao gồm hơn 116.000 dân thường, đã chết trong cuộc xung đột nổ ra từ ngày 15-3-2011. Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Syria, Geir Pedersen, gần đây đã bày tỏ sự thất vọng trước sự tàn khốc của cuộc xung đột và thời gian mà nó kéo dài, cho đây là “bằng chứng về sự thất bại tập thể của ngoại giao thế giới”.

Trước khi Nga được mời can dự vào cuộc xung đột, tháng 9-2015, quân đội Syria chỉ kiểm soát được khoảng hơn 10% lãnh thổ. Đó là một vùng lãnh thổ bị đứt đoạn, bao gồm cả thủ đô Damas và nhiều thành phố lớn, trong khi đa số các vùng nông thôn đều rơi vào tay của phe nổi dậy và quân thánh chiến. 5 năm sau đó, với sự hỗ trợ của Nga, Iran và phe Hezbollah tại Lebanon, quân đội Syria tái chiếm được 70% diện tích lãnh thổ, khôi phục lại nhiều tuyến giao thông giữa các vùng, gần đây nhất là xa lộ M5, đi xuyên Syria từ Bắc đến Nam, qua cả Damas và Aleppo.

Theo thời gian, quân đội Syria và các đồng minh của Damas tiêu diệt các lữ đoàn của phe đối lập có vũ trang, và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đà thắng xông lên, quân đội Damas đã kiểm soát một phần lớn tỉnh Idlib và đây đang là ổ kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy và quân thánh chiến. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một tác nhân lớn sau cùng có ảnh hưởng tại vùng Tây Bắc. Vùng đất phía Đông Bắc Syria, do người Kurdistan kiểm soát, vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền trung ương.

Xung đột 10 năm qua ở Syria đã gây ra cuộc di cư của hơn 11 triệu người, người thì di tản và người đi tị nạn, đôi khi dồn đến các cửa ngõ của châu Âu. Tất cả các sáng kiến ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến này đều thất bại, và ngày nay không dưới 5 quân đội nước ngoài bằng cách này hay cách khác đang tham gia ở Syria.

Phiến quân Syria đốt lốp xe để chặn đường cao tốc M5 ngăn không cho quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung ngày 15-3.

Phiến quân Syria đốt lốp xe để chặn đường cao tốc M5 ngăn không cho quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung ngày 15-3.

Những người lính Nga và Iran đang giúp đỡ chính quyền Damas. Quân đội Mỹ, đóng quân ở phía Đông Bắc nơi người Kurdistan được hưởng quyền tự trị, với lý do chống khủng bố, đặc biệt là IS, năm 2014, đứng đầu liên minh quốc tế chống khủng bố tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Syria. Một quốc gia hàng xóm của Syria, Israel thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự của chính quyền Syria, của Iran hoặc của Hezbollah thân Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng cũng đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên qua biên giới phía Nam Syria năm 2016 và năm ngoái đã kiểm soát một dải kéo dài 120km từ các tay súng người Kurdistan tại Syria mà Ankara coi là khủng bố. Omar Abu Leyla, một nhà hoạt động người Syria hiện đang sống ở nước ngoài, cáo buộc chính các nước phương Tây đã khiến cho cuộc nội chiến ở Syria ngày càng trở nên phức tạp.

Chiến tranh đã phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng của Syria, ước tính khoảng 400 tỷ đô la. Hơn một nửa số cơ sở y tế không hoạt động, 2/5 các trường học không thể được sử dụng và giá cả của các nhu yếu phẩm đã tăng lên gấp đôi, theo Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Trẻ em (Unicef).

“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: hãy ngừng đánh các trường học và bệnh viện. Hãy ngừng giết hại trẻ em”, tổ chức UNICEF tuyên bố và lưu ý rằng gần năm triệu trẻ em Syria đã được sinh ra trong chiến tranh và một triệu những đứa trẻ khác đang phải sống lưu vong. “Tất cả đều đã thất bại trong việc kết thúc cuộc tàn sát ở Syria”, tổ chức UNICEF nhấn mạnh.

Cũng đúng vào ngày 10 năm diễn ra cuộc xung đột Syria, ngày 15-3, các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biên giới Idlib, Tây Bắc Syria được bắt đầu. Nhiều đoàn xe thiết giáp và cảnh sát quân sự Nga khởi hành từ Tronba, tỉnh Idlib, để giám sát quốc lộ M4. Hoạt động tuần tra chung này là một phần của thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thông qua sau cuộc hội đàm tại thủ đô Moscow hồi tuần trước.

Cụ thể, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã nhất trí về một văn kiện chung nhằm giải quyết vấn đề ở Syria. Các bên thống nhất chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng 6-3. Được biết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6 km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M4. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đã cam kết nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Idlib.

Căng thẳng tại Idlib gia tăng thời gian gần đây, trong bối cảnh Ankara gia tăng các hoạt động quân sự chống quân đội Chính phủ Syria, làm dấy lên nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Thỏa thuận này đã dập tắt hy vọng của Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp họ cản trở đà thắng lợi của Tổng thống Syria al-Assad trong việc giành lại quyền kiểm soát đối với các phần còn lại của lãnh thổ nước này.

Nhưng, có lẽ không vì thế mà Mỹ khoanh tay đứng nhìn. Trong khi tình hình Idlib đang có vẻ ổn định trở lại thì ngày 15-3, truyền thông Syria cho hay, Washington đã quyết định can thiệp vào các tỉnh Idlib và Aleppo của Syria, bằng cách gửi lính đánh thuê, huấn luyện viên quân sự và các chiến binh của nhóm Magavir al-Saura tới đây. Nhóm này sẽ đảm bảo ngăn chặn không cho quân đội Syria và Nga việc chiếm lấy các tỉnh này.

Trước đó, ngày 10-3, nói với các phóng viên trong cuộc hội nghị truyền hình từ Brussels, Đặc phái viên của Mỹ về Syria, James Jeffrey, đã thừa nhận rằng Hoa Kỳ đang tìm cách bảo vệ các chiến binh thánh chiến ở Idlib chống lại Nga.

Cựu Giám đốc CIA John McLaughlin cho rằng, giờ đây đã rất rõ ràng rằng Tổng thống Bashar al-Assad là người thắng trong cuộc chiến Syria - ít nhất là về mặt quân sự - trong khi Mỹ đã có bàn thua chiến lược lớn trước Nga. Tuy nhiên, ông al-Assad đang điều hành một đất nước điêu linh, với cơ sở hạ tầng bị phá hủy và nền kinh tế bị tàn phá nặng nề.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ngon-ngang-10-nam-noi-chien-syria-586871/