Ngổn ngang nâng cấp, tôn tạo di tích Đèo Nhông
Di tích lịch sử quốc gia Điểm chiến thắng Đèo Nhông (xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, Bình Định) rất có giá trị lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta. Tuy nhiên, khi nâng cấp, mở rộng và tôn tạo di tích đã phát sinh hàng loạt bất cập, vi phạm. Dự án này đã kéo dài 5 năm, nhưng vẫn còn ngổn ngang.
Những ngày đầu tháng 4, hiện trạng tại dự án nâng cấp, mở rộng và tôn tạo Di tích lịch sử Điểm chiến thắng Đèo Nhông vẫn còn bộn bề, nhếch nhác. Trong khuôn viên mới mở rộng đến 7,5ha đầy cỏ dại, những hạng mục xây dựng dang dở, lều trại xơ xác, gạch đá, vật liệu và thiết bị xây dựng ngổn ngang; người dân chăn thả bò, bê.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cuối tháng 10-2016, dự án nâng cấp, mở rộng và tôn tạo Di tích lịch sử Điểm chiến thắng Đèo Nhông có chủ trương đầu tư với tổng vốn ban đầu 29 tỷ đồng, giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ (Ban QLDA huyện Phù Mỹ) làm đại diện chủ đầu tư. Năm 2017, dự án được tổ chức thi công, và theo đại diện chủ đầu tư, đến nay đã thực hiện được khoảng 75% khối lượng công trình trong tổng vốn 35 tỷ đồng (nguồn vốn điều chỉnh sau này).
Tuy đưa vào thi công từ năm 2017, song mãi đến tháng 2-2020, địa phương mới có tờ trình Bộ VH-TT-DL xin ý kiến thẩm định một số hạng mục, điều chỉnh dự án. Lúc này, Bộ VH-TT-DL đề nghị thi công cần bám sát địa hình tự nhiên, tôn tạo cảnh quan và hạn chế san gạt. Thế nhưng, trước đó, UBND huyện Phù Mỹ đã cho san gạt, ủi trắng cả ngọn đồi phía sau tượng đài chiến thắng (cũ) để làm hạ tầng. Giữa tháng 4-2021, Sở Xây dựng Bình Định có kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm của dự án, trong đó có việc tổ chức thi công khi thiết kế bản vẽ và dự toán xây dựng chưa được UBND tỉnh phê duyệt; năng lực đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chưa đảm bảo điều kiện. Ngoài ra, quá trình nghiệm thu, thanh toán khối lượng công trình bộc lộ sai sót, để xảy ra chênh lệch giá dự toán gói thầu tăng trên 534 triệu đồng; chênh lệch nghiệm thu, thanh toán khối lượng tăng trên 87,5 triệu đồng… Tuy vậy, Ban QLDA Phù Mỹ chỉ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và bị phạt hành chính số tiền 17,5 triệu đồng, các nhà thầu chỉ bị cảnh cáo, nhắc nhở!
“Vì sao đối với di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng ngay từ đầu tổ chức san bạt đồi núi, đầu tư dự án không xin ý kiến Bộ VH-TT-DL?”. Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Thanh Hải, Giám đốc Ban QLDA huyện Phù Mỹ, giải thích: “Không xin từ đầu là do UBND tỉnh chỉ đạo sử dụng ngân sách tỉnh và huyện để đầu tư 29 tỷ đồng, chủ yếu san gạt làm hạ tầng, kè chống sạt lở, các bậc cấp… Tuy nhiên, sau đó có sự điều chỉnh một số hạng mục, di chuyển tượng đài (nâng vốn lên 35 tỷ đồng) nên phải làm hồ sơ xin Bộ VH-TT-DL thẩm định. Trước đây, khuôn viên di tích quá nhỏ chỉ khoảng 1.000m2, địa hình phía trên đồi dốc nên mỗi khi địa phương tổ chức gì rất hạn chế. Vì vậy, cần san gạt tạo mặt bằng rộng 7,3ha như hiện nay để làm khu hành lễ cho người dân”.
Di tích lịch sử Điểm chiến thắng Đèo Nhông hiện vẫn thuộc quản lý của Bảo tàng Bình Định và Sở VH-TT tỉnh Bình Định. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định) thắc mắc: “Một công trình di tích cấp quốc gia nhưng ngay từ đầu lại giao cho Ban QLDA cấp huyện làm mà không hề tham vấn chuyên môn và không có bóng dáng của Sở VH-TT tỉnh là rất khó hiểu. Còn việc cho rằng kinh phí của tỉnh bỏ ra nên không lấy ý kiến Bộ VH-TT-DL là hoàn toàn không phù hợp. Vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, mang ý nghĩa, giá trị lớn lao của cả dân tộc”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ngon-ngang-nang-cap-ton-tao-di-tich-deo-nhong-806113.html