Ngóng chờ 'Hồ Thiên Nga' phiên bản Việt
Chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật với hai tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới là vở Nhạc kịch 'Người tạc tượng' của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận công diễn ngày 5/10 và vở vũ kịch 'Hồ Thiên nga' diễn tối 7/10 tại 'Thánh đường nghệ thuật' - Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đây là hoạt động nổi bật trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Hứa hẹn nhiều điểm nhấn
Lần đầu tiên, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” một cách trọn vẹn với 4 màn, thay vì chỉ diễn trích đoạn như trước đây. Sau một thời gian ra Hà Nội để đảm nhận vai trò lãnh đạo Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, cô xác định rõ đây là nhà hát hợp xướng, opera và ballet quốc gia nên trọng trách đặt lên vai mình là làm sao đưa được thương hiệu của Nhà hát trở nên bền vững, có bước phát triển mới.
Việc dựng vở ballet Hồ Thiên Nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo của ban lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sỹ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Bởi lẽ việc này không chỉ đòi hỏi đầu tư kinh phí mà còn là sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sỹ với 60 người cùng hơn 60 diễn viên múa. Toàn bộ dàn nhạc sẽ chơi trực tiếp trong suốt thời gian diễn ra vở diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 7/10.
Đạo diễn, biên đạo múa của toàn bộ vở diễn này là Lê Ngọc Văn, một nghệ sỹ danh tiếng của Việt Nam trở về từ Anh quốc để tham gia dàn dựng và đưa vở diễn lên sân khấu trọn vẹn nhất. “Hồ Thiên Nga” phiên bản Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam về cơ bản vẫn được dựng theo trường phái Nga. Đặc biệt, phục trang của “Hồ Thiên Nga” do nhóm thiết kế EllieVu thực hiện sẽ mang đến cho vở diễn sự lộng lẫy của hoàng gia Nga cùng sự bí ấn đầy ma thuật của họa tiết hoa sen Việt trên trang phục của các diễn viên.
Lê Ngọc Văn khẳng định với vở diễn này, anh chú trọng đến chất lượng của vở diễn thay vì chỉ làm cho đủ bốn màn diễn, để khán giả không cảm thấy phí tiền bỏ ra mua vé. Các diễn viên không phải chỉ làm chuẩn động tác mà còn phải đẹp, phải cảm xúc.
Nghệ sĩ Lê Ngọc Văn đạo diễn - biên đạo múa: "Hồ Thiên Nga của Nhà hát có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, tạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Tôi đã tận dụng tối đa sự mềm mại của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ, cắt bỏ những phần rườm rà để tạo nên một Hồ Thiên Nga của người Việt".
Phục dựng tác phẩm đỉnh cao di sản âm nhạc Việt
Ngoài “Hồ Thiên Nga”, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam còn phục dựng và trình diễn vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Đây là vở diễn đã được nhà hát trình diễn từ hơn 40 năm trước với hàng trăm buổi diễn thành công, thu hút đông đảo công chúng. Đây được coi là nỗ lực rất cao của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trong việc phục dựng lại vở nhạc kịch được coi là đỉnh cao của di sản âm nhạc Việt Nam… Nhạc sỹ Đồ Hồng Quân - con trai cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận trực tiếp biên tập và đạo diễn âm nhạc cho nhạc kịch “Người tạc tượng” lần này.
Đây có thể nói là một nỗ lực rất cao của Nhà hát khi quyết tâm dàn dựng và công diễn lại vở nhạc kịch được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng cho biết: "Nội dung xuyên suốt của Người tạc tượng sẽ chủ yếu nói về tình yêu một thời khói lửa, sự thủy chung và tình yêu đất nước, chứ không quá nhấn mạnh vào cuộc chiến".
Hiện, các nghệ sĩ gấp rút hoàn thiện vai diễn của mình. Với họ, được múa, được hát, được diễn là một niềm hạnh phúc mặc dù khoản tiền tập luyện, biểu diễn mang tính chất... tượng trưng.
Đảm nhận vai chính nàng công chúa Odette, lần đầu tiên diễn trọn vẹn bốn màn múa, Thu Huệ cho hay, cô đã rất lo không thể trình diễn được toàn bộ tác phẩm. Mỗi ngày, cô đổ mồ hôi trên sàn tập suốt 8 tiếng đồng hồ để có thể hóa thân thành hai cá tính khác biệt của thiên nga đen và thiên nga trắng. Trước đây, cô từng diễn vai thiên nga trắng trong một số trích đoạn nên phải diễn hai cá tính lần này khiến cô mất nhiều công sức tập luyện.
Các đêm biểu diễn 2 tác phẩm kinh điển đã “cháy vé” khiến các nghệ sĩ Nhà hát cảm thấy ấm lòng. Các diễn viên không chỉ làm chuẩn động tác mà còn phải đẹp, phải cảm xúc. Họ sẽ thăng hoa nghệ thuật để cống hiến “những món ăn tinh thần hảo hạng” cho tất cả các khán giả vì nghệ thuật.
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ diễn ra ngày 6/10 tại Hà Nội. Nhà hát được thành lập vào ngày 6/8/1959. Ngay từ khi ra đời, nhà hát đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng hát “Bài ca kết đoàn” vào ngày 3/9/1960 tại Hà Nội.