'Ngóng' người giúp việc sau Tết

Hẹn với chủ nhà sẽ xuống trước ngày cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đi làm trở lại sau Tết, nhưng khi gọi điện, người giúp việc (NGV) không bắt máy khiến nhiều gia đình đứng ngồi không yên.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình chưa tìm được người giúp việc, nên phải nhờ người thân hỗ trợ. Ảnh: Trà Hương

Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình chưa tìm được người giúp việc, nên phải nhờ người thân hỗ trợ. Ảnh: Trà Hương

Trước Tết Nguyên đán, dù đã đồng ý tăng lương, nhưng chị Trần Thị Thu Hạnh, ở chung cư Vinaconex vẫn có nguy cơ không giữ chân được NGV. Trước khi về nghỉ Tết, bà Hoa - quê ở huyện Lập Thạch hẹn với vợ chồng chị sau Tết sẽ xuống, nhưng khi điện thoại, bà Hoa không nghe máy khiến chị Thu Hạnh đứng ngồi không yên.

Chị Thu Hạnh mới sinh con thứ 3 được hơn 1 tháng, cộng với việc 2 con lớn (1 con đang học mầm non, 1 con đang học tiểu học) hiện vẫn đang phải nghỉ học và ở nhà học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19, chồng chị lại công tác xa nhà. Vì vậy, anh chị phải nhờ bà nội gần 70 tuổi từ quê xuống trông con.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của gia đình chị Thu Nga, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên gần 2 năm qua. Chị Nga là nhân viên ngân hàng, thời gian hạn hẹp, chồng chị là bộ đội xa nhà, nên việc trông 2 con sinh đôi 4 tuổi và 1 con học tiểu học suốt thời gian qua đều do NGV quán xuyến thay chị.

Trước hôm đi làm trở lại 1 ngày, chị Hồng (NGV cho gia đình chị Nga quê ở huyện Sông Lô) gọi điện thoại báo gia đình có việc bận, muốn nghỉ thêm qua Rằm tháng Giêng mới xuống… khiến chị Nga hoàn toàn bị động và đành phải nhờ bà ngoại hơn 70 tuổi trông con. Do không có sự hỗ trợ của NGV nên sinh hoạt của gia đình chị bị đảo lộn…

Nay đã gần đến Rằm tháng Giêng, nhưng 2 NGV cho gia đình anh Nguyễn Trung Kiên, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên vẫn chưa đến làm khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Gia đình anh Kiên có cửa hàng tự chọn mà phải đóng cửa vì anh bận đi làm, vợ anh thì trông 3 con nhỏ. NGV thì chưa đến làm khiến anh chị đứng ngồi không yên…

Sau Tết, câu chuyện NGV "lỡ hẹn" trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình trẻ, có con nhỏ như chị Hạnh, chị Nga hay gia đình có cửa hàng tiện lợi như anh Kiên. Việc tìm NGV mới rất khó khăn với nhiều gia đình, vì ngoài nghỉ Tết dài ngày, rồi đến Rằm tháng Giêng, nhiều NGV còn đòi tăng lương, hoặc có cơ hội là “nhảy việc”.

Trên thực tế, ra Tết, lượng NGV mới đi làm ít cộng với tâm lý tháng Giêng ngày rộng, tháng dài, nên NGV lại tranh thủ cấy hái làm thêm mà chưa muốn đi làm ngày. Do hiếm người, nên mức lương NGV đầu năm thường tăng nhẹ so với các tháng giữa năm.

Theo nhiều gia đình cần NGV, tình trạng, NGV tự ý bỏ việc về quê hay yêu cầu tăng lương xảy ra thường xuyên, bởi khi họ đến làm chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có văn bản, hợp đồng, trong khi giúp việc gia đình đã được công nhận là một nghề.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều NGV thấy gia đình khác trả lương cao hơn nên tự ý bỏ chỗ làm; sau Tết, một số NGV có xu hướng nghỉ việc để tìm việc khác với hy vọng ổn định hơn…

Để giữ chân được NGV, các gia đình có điều kiện đã chủ động tăng lương để động viên họ ở lại cùng gia đình vì bản thân NGV gia đình không muốn ký hợp đồng lao động để ràng buộc, mà luôn có tâm lý chỉ làm trong thời gian ngắn hoặc có cơ hội sẽ tìm chỗ làm mới có thu nhập cao hơn. .

Theo quy định của Nghị định 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ, thì người sử dụng lao động, kể cả khi sử dụng người giúp việc gia đình cũng phải ký kết hợp đồng lao động. Trong 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.

Người sử dụng lao động phải cung cấp cho người lao động thông tin cần thiết về công việc, địa điểm, điều kiện, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; điều kiện ăn, ở của người lao động, đặc điểm của từng thành viên, sinh hoạt của gia đình.

Người lao động phải cung cấp cho người sử dụng lao động thông tin về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc ký kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu; số, nơi cấp, ngày cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, hoàn cảnh gia đình; họ tên, địa chỉ của người báo tin khi cần thiết…

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết NGV gia đình đều không ký kết hợp đồng lao động, nên khi gặp rắc rối khó xử lý. Do đó, để giữ chân NGV, mỗi gia đình nên ký hợp đồng lao động bằng văn bản. Ngoài việc đảm bảo sự yên tâm cho mình, việc ký hợp đồng lao động phù hợp sẽ bảo vệ quyền lợi cho NGV gia đình khi xảy ra va chạm.

Hoàng Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/73636/%E2%80%9Cngong%E2%80%9D-nguoi-giup-viec-sau-tet.html