Ngọt bùi hương vị cốt dừa

Thấy nồi chè đậu xanh đã chín tới, bà Sáu với tay bắc lên bếp thêm một cái nồi nhỏ, đổ tô nước cốt dừa đã vắt trước đó vào, rồi cho thêm xíu bột năng, ít muối, tay liên tục khuấy đều. Khi nước cốt dừa trong nồi sền sệt, hương vị dừa cũng lan tỏa thơm lừng khắp phòng bếp.

“Mùi nước cốt dừa nghe thèm quá mẹ ơi!”, chị Lan đi từ phòng khách xuống nhà bếp, vừa cười vừa nói với bà Sáu. Bà nhìn cô con gái lớn, ánh mắt vui, nụ cười như tỏa nắng trên đôi môi nay đã có nhiều nếp nhăn. Bà mắng yêu: “Lớn tới từng tuổi này rồi mà vẫn khoái nước cốt dừa y chang lúc nhỏ. Má nhớ hồi đó, chén chè nào múc cho con, con đều phải chan phần nước cốt dừa cho ngập chén luôn mới chịu. Mê ăn thì thôi rồi”.

 Món chè Nam bộ không thể thiếu nước cốt dừa. Ảnh: THÚY BÌNH

Món chè Nam bộ không thể thiếu nước cốt dừa. Ảnh: THÚY BÌNH

Chị Lan nhìn mẹ cười sung sướng, tâm tư thoáng hoài niệm về những ngày xa xưa. Bà Sáu đã khơi gợi trong lòng người con của đất Vĩnh Long biết bao hồi ức đẹp về những ngày thơ bé. Chị ngẫm, quay qua quay lại cũng mấy chục năm rồi chứ ít đâu. Thời gian qua thật nhanh, mới hồi nào chị chỉ là cô bé con, hay lẽo đẽo theo chân mẹ, thích được mẹ nấu chè có chan thật nhiều nước cốt dừa đặc sệt, thơm ngon, ngọt bùi béo, hòa quyện trong từng muỗng chè đưa vào cái miệng nhỏ xíu. Mỗi lần được ăn món yêu thích, chị luôn vừa ăn vừa khen lấy khen để: “Ngon quá mẹ ơi!”.

Bà Sáu không chỉ giỏi nấu các món chè ăn cùng nước cốt dừa là các loại đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, hay chè bắp, chè khoai, mà bà còn rất khéo tay khi làm món bánh bò, bánh chuối, nấu xôi nếp than ăn với dừa non bào sợi cùng ít đậu phộng nhuyễn và nước cốt dừa, hoặc làm món bánh canh tôm nấu nước cốt dừa dai dai, thơm ngon đậm vị. Vị dừa trong từng món ăn luôn mang hương thơm ngọt bùi của sắc vị miền Tây, cuốn hút bất cứ những người con ở miền quê nào trên dải đất phương Nam.

Nhà bà Sáu trồng nhiều dừa. Khi mấy quày dừa chín vàng, biết mấy đứa con thích ăn các loại chè, bánh... với nước cốt dừa, bà không đem dừa đi bán nữa. Bà cứ để cho dừa già, dừa khô, rồi nhờ thằng Hai con bà Chín nhà ở sát bên qua hái cả quày xuống, gọt từng trái, dùng từ từ. Mỗi khi nấu chè, bà Sáu thường nấu dư cả tô lớn để đem qua cho gia đình bà Chín cùng ăn chung cho vui.

Ngoài tô chè lớn còn có cả một chén nước cốt dừa thơm đậm vị quê hương, thắm tình chòm xóm. Cũng từ tình chòm xóm khắng khít ấy mà chị Lan và anh Hai vừa mắt nhau, qua bao ngày tháng tìm hiểu rồi nên duyên nên nợ. Nhà bà Sáu và bà Chín trở thành thông gia, tình cảm thân thương thêm thắt chặt.

“Chị Sáu ơi, nay nấu chè nữa hả? Sáng nay tui thấy thằng Hai leo cây dừa hái mấy quày dừa khô...”, tiếng bà Chín rổn rảng vang từ phòng khách lần xuống tới nhà bếp. Bà Sáu với tay tắt bếp, quay người nhìn bà Chín cười nói: “Ừ, nay tui nấu nồi chè đậu xanh ăn cho mát.

Chị qua rồi ở đây ăn chè với tụi nhỏ luôn cho vui!”. Chị Lan nhanh tay lấy mấy cái chén, muỗng, nhẹ nhàng múc chè, chan nước cốt dừa vào từng chén, rồi mời hai bà mẹ. Chị cũng gọi với ra hiên nhà, chỗ anh Hai đang loay hoay dọn dẹp mớ vỏ dừa khô anh gọt, bào lúc nãy, rồi kêu hai cô con gái đang vui chơi ở phía sau vườn vào nhà.

Căn nhà nhỏ của chị Lan càng thêm ấm cúng, nhộn nhịp hơn, khi ông Chín đi vườn vừa về tới. Chưa kịp rửa tay chân ông đã tấp liền qua nhà chị sui để tặng cả túi cam sành mới hái.

Trong gian bếp nhỏ, quanh những chén chè đậu xanh nước cốt dừa thơm mát, béo bùi, những câu chuyện về cuộc sống, thời sự, làng xóm, tình người... lại được cả nhà chia sẻ rôm rả, sôi nổi, xen lẫn nhiều tiếng cười an vui.

BẢO LÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngot-bui-huong-vi-cot-dua-post749235.html