Ngọt, đắng mía đường

Một số nhà máy đường trong khu vực đã bắt đầu đi vào hoạt động niên vụ mới 2020 – 2021 và nông dân trồng mía tại các tỉnh trong khu vực tiếp tục ngóng chờ sự khởi sắc của giá mía ở niên vụ mới này.

Những rẫy mía xanh ngát, bạt ngàn giờ đây đang giảm dần trên “đảo mía” Cù Lao Dung do giá mía giảm mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Tích Chu

Những rẫy mía xanh ngát, bạt ngàn giờ đây đang giảm dần trên “đảo mía” Cù Lao Dung do giá mía giảm mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Tích Chu

Hiện nay, một số vùng trồng mía của tỉnh Hậu Giang và huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã bắt đầu bước vào thu hoạch niên vụ mía đường 2020 – 2021 và ngay ở thời điểm đầu vụ này, nông dân trồng mía đã bắt đầu cảm nhận “vị đắng” đầu tiên của niên vụ mía mới này khi giá mía bao tiêu vẫn chưa chạm đến giá thành sản xuất. Theo thông báo về giá thu mua mía đầu vụ 2020 – 2021 của một số nhà máy đường trong khu vực như: Long Mỹ Phát, Phụng Hiệp, Sóc Trăng… giá mía loại 10CCS (chữ đường) dao động trong khoảng 700 - 800 đồng/kg tại ruộng. Trong khi đó, theo tính toán của nông dân trồng mía, giá thành mỗi ký mía ở niên vụ này dao động từ 650 - 800 đồng/kg (tùy năng suất, chữ đường và cự ly vận chuyển-NV). Trước đó, có thông tin giá mía được thu mua ở mức 1.000 – 1.150 đồng/kg khiến nông dân trồng mía hí hửng, nhưng khi hỏi ra mới biết đó chỉ là một lượng nhỏ mía được tiêu thụ để bán nước mía, chứ không phải giá thu mua từ các nhà máy đường.

Nguyên nhân giá mía đầu vụ thấp không phải đến từ diện tích, hay sản lượng mía tăng mà chủ yếu là do giá đường trong nước đang ở mức thấp vì phải cạnh tranh với giá đường nhập khẩu lẫn nhập lậu trong nội khối ASEAN. Trước đây, khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, ngành đường vốn đã rất khó khăn với tình trạng đường nhập lậu, nay ATIGA đã có hiệu lực, nên khó khăn càng thêm gấp bội khi đường nhập khẩu chính ngạch vẫn có giá rẻ hơn so với đường trong nước. Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, lượng đường Thái Lan chiếm đến 89,9%. Vì vậy, có thêm 4 nhà máy phải đóng cửa vì thua lỗ nên bước sang niên vụ 2020 - 2021, cả nước chỉ còn 25 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất chế biến thiết kế là 95.700 tấn mía/ngày.

Các nhà máy đường trong khu vực đã bắt đầu vào niên vụ sản xuất mới với dự báo không ít khó khăn vẫn còn phía trước. Ảnh: Tích Chu

Các nhà máy đường trong khu vực đã bắt đầu vào niên vụ sản xuất mới với dự báo không ít khó khăn vẫn còn phía trước. Ảnh: Tích Chu

Với thực trạng trên, các dự báo đều nghiêng về xu hướng tiếp tục khó khăn cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2020 - 2021, đặc biệt là áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan (kể cả chính ngạch lẫn nhập lậu). Riêng thị trường trong nước, từ nay đến cuối năm là lúc cao điểm tiêu thụ đường khi đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt và các doanh nghiệp chế biến thực phẩm - đồ uống bắt đầu tăng tốc sản xuất phục vụ cho các dịp lễ, tết cuối năm. Tuy nhiên, do tồn kho đường vẫn ở mức cao, đường nhập khẩu giá rẻ vẫn tiếp tục thâm nhập vào thị trường, nên giá đường sẽ khó có cơ hội cải thiện.

Khó khăn, đó là điều không khó để nhận thấy đối với ngành mía đường trong niên vụ mới này, nhưng cũng có những hy vọng phía trước cho ngành mía đường nếu khai thác, tận dụng tốt các cơ hội. Cơ hội đầu tiên có thể kể đến là tình hình dịch Covid-19 và lũ lụt ở Trung Quốc thời gian qua đã khiến nước này phải tăng cường nhập khẩu đường nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước, trong đó có đường từ Việt Nam. Tuy đây chỉ được dự báo là cơ hội trong ngắn hạn, nhưng ít nhiều giúp cho các doanh nghiệp đường Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ có vị trí địa lý gần với biên giới Trung Quốc. Về dài hạn, thị trường EU sẽ đem lại cơ hội lớn cho các sản phẩm đường trong nước đạt các tiêu chuẩn do thị trường EU quy định, khi EVFTA quy định hạn ngạch xuất khẩu đường Việt Nam 20.000 tấn đường các loại từ Việt Nam sẽ được miễn thuế. Đặc biệt các loại đường Organic, đường ăn kiêng, đường có bổ sung dưỡng chất… sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao.

Đối với các vùng mía đường tỉnh Sóc Trăng, trong những năm gần đây, xu hướng giảm dần diện tích vẫn đang là xu hướng chủ đạo. Đơn cử như vùng trồng mía của huyện Long Phú phần lớn đã được chuyển sang nuôi thủy sản hay phát triển cây trồng khác. Hay như huyện Cù Lao Dung, nơi vốn được mệnh danh là “đảo mía” thì diện tích mía vẫn liên tục giảm theo đà khó khăn chung của ngành mía đường cả nước trong những năm gần đây. Theo dự báo của ngành nông nghiệp và các địa phương, xu hướng giảm diện tích trồng mía sẽ còn tiếp tục tăng thêm, không chỉ do nông dân trồng mía hầu như đã kiệt quệ sau nhiều năm liên tục thua lỗ vì giá mía giảm mạnh và thiên tai hạn hán, mà còn ở viễn cảnh không mấy sáng sủa của cây mía so với một số đối tượng cây trồng, vật nuôi khác.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/ngot-dang-mia-duong-43384.html