Ngọt ngào mía đường qua ca dao xứ Quảng

Quảng Ngãi trước đây được biết đến là xứ sở của nghề trồng mía, nấu đường. Đến mùa thu hoạch mía, không khí rộn ràng khắp làng. Những lò nấu đường thủ công đỏ lửa từ sáng đến tối, mùi đường non thơm phức cả xóm. Mùi hương ấy cứ quyện chặt vào ký ức, theo chân người đi gần đi xa, len vào nỗi nhớ quê nhà.

Lớn lên trong tiếng ru hời

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè/ Nhớ hồi thượng mã pháo xe/ Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non”, những câu hát ru đó in sâu vào trí nhớ nhiều người từ thuở nhỏ. Mẹ hát ru ta rồi ta hát ru những đứa em. Bà hát ru cháu rồi cháu hát ru con, đời tiếp đời trong nếp sống nông thôn. Không ai nhớ rõ câu hát này từ đâu mà tới, nhưng “nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non” thì nhất định đó phải ở vùng trồng mía làm đường thuộc các huyện đồng bằng, trung du xứ Quảng.

Mùi hương mía đường là của đất trời hòa quyện, mùi hương thấm đẫm nỗi nhọc nhằn của người dân quê. Ảnh: Bùi Thanh Trung

Cây mía gắn bó với người nông dân xứ Quảng bằng sự bồi hồi, thổn thức: “Ai về Quảng Ngãi quê ta/ Mía ngon, đường ngọt trắng ngà dễ ăn/ Mạch nha, đường phổi, đường phèn/ Kẹo gương thơm ngọt, ăn quen lại ghiền”. Cây mía, bát đường được làm ra không chỉ là sản vật của niềm tự hào mà còn là hình ảnh quê hương với niềm thương nhớ với những người con xa quê. Hình ảnh cây mía, bát đường lại một lần nữa được nhắc đến thật trìu mến: “Bậu về nhớ ghé Ba La/Mua cân đường phổi cho ta với mình”.

Thời hoàng kim của mía đường xứ Quảng đã trôi qua, khi mà đi đâu cũng bạt ngàn mía. Qua tháng Chạp, mía đủ độ chín, ngọt lên dần trên ngọn, cũng là lúc vào mùa mía. Những chòi mía, lò đường "ngủ" suốt qua gần 3 mùa, bắt đầu rộn rã từ 3 - 4 giờ sáng đến tận đêm khuya. Dù là ép mía bằng những che gỗ do bò kéo kẽo kẹt, hay sau này ép bằng máy, thì có một thứ không thể thay thế trong mùa mía đường ở Quảng Ngãi là những chiếc lò nấu thủ công, đắp bằng đất sét và gạch nung chín đỏ.

Hấp dẫn nhất là mùi đường non quyện trong hơi lạnh của những ngày cuối đông, khi trời đất chuyển mình vào Xuân: “Đi qua lò mía thơm đường/ Muốn vô kết nghĩa can thường với ai”. Đó là mùi hương của đất trời hòa quyện, mùi hương thấm đẫm nỗi nhọc nhằn của người dân quê. Nước mía khi bắt đầu đổ vào chiếc chảo bằng gang đang bắc trên lò đường, người ta gọi là nước chè một. Nấu được một lúc, xem chừng nước đã chuyển màu, người thợ nấu đường cho vôi vào lần thứ nhất. Nước mía bắt đầu sôi trào lên, người thợ bắc chiếc lồng tre úp lên chảo để bọt khỏi trào ra. Lúc này, đã nghe mùi đường thơm tỏa vào trong gió lạnh cùng những làn khói xanh mỏng vờn quanh.

Hoài niệm vị ngọt quê hương

Thời bấy giờ, nghề trồng mía, nấu đường hưng thịnh, nơi nào trồng được nhiều mía, nấu được nhiều đường là nơi ấy có mức sống khá hơn. Vậy nên ở một số làng có hương ước bảo vệ cây mía, họ đặt ra lệ phạt người trộm mía: “Mía ngọt tận đọt/ Heo béo tận lông/ Cổ thời mang gông/ Tay cầm lóng mía/ Vừa đi vừa hít/ Cái đít xưng vù”. Cách nói thậm xưng ghi lại cảnh một người bị phạt vì bẻ mía trộm, giọng điệu vừa hài hước, vừa mang tính răn đe.

Người dân lao động còn mượn hình ảnh cây mía, bát đường để nói thay cho tình yêu lứa đôi: “Anh thương em đừng cho ai biết/ Đừng cho ai biểu, đừng cho ai bày/ Thâm thâm dìu dịu mỗi ngày nhớ thương/ Nước mía trong cũng thắng thành đường/ Anh thương em thì anh biết chớ thói thường ai hay”. Đó có thể là bối cảnh về chuyện tình cảm nam nữ thời phong kiến. Người con gái thường e dè, mang nhiều mặc cảm lo âu. Hình ảnh nước mía trong nấu thành đường được mượn để thể hiện những cung bậc trong tình yêu đôi lứa.

Cây mía gắn bó với người dân xứ Quảng từ bao đời nay. Ảnh: TRUNG ÂN

Ngày đó, dọc theo các con đường làng, những chiếc xe ép nước mía đẩy tới lui rao bán cho trẻ con. Nước ép từ mía ngọt ngào lại được pha thêm với vị chua của trái tắc, trái chanh. Khách bộ hành trên đường xuôi ngược giữa các xóm cũng có thể dừng chân thưởng thức ly nước mía rồi tiếp tục rảo bước. Nước mía tự nhiên vừa sạch vừa bổ dưỡng. Những tiếng rao bán nước mía, những tiếng xe cọc cạch lăn bánh trên những con đường đất đã đi vào ký ức của nhiều người. Nét đẹp miền quê như thấp thoáng đây đó đối với những ai đã từng gắn bó tuổi thơ nơi miền thôn dã.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư cho biết: Nghề mía đường đã có mặt và gắn bó với người dân xứ Quảng từ rất sớm. Cho nên, hình ảnh cây mía, nghề đường và các loại đường đặc sản đã được nhân dân lao động nhắc đến trong ca dao. Những vần thơ mộc mạc, chân tình ấy đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, ta càng hiểu thêm về người dân xứ Quảng đã từng yêu mến và gắn bó với nghề mía đường một thời.

TRUNG ÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202101/ngot-ngao-mia-duong-qua-ca-dao-xu-quang-3039732/