Ngọt ngào mùa nho chín

Nắng vàng trải rộng trên những vườn nho ở xã Phước Thể (Tuy Phong) tô điểm thêm màu tươi mới cho những chùm nho chín mọng đung đưa dưới lá. Vụ này, nho được mùa, được giá, người trồng nho rất phấn khởi.

Ngọt ngào mùa nho chín

Mê mẩn vườn nho chín mọng

Vườn nho Tư Thành ở xóm 1, xã Phước Thể nằm bên cạnh quốc lộ 1A những ngày qua có rất nhiều khách tham quan đến check-in sống ảo. Với sự đầu tư bài bản về thiết kế giàn cao ráo, chăm sóc hữu cơ và vệ sinh sạch sẽ, vườn nho đỏ đang chín đóng chi chít những chùm trái căng mọng hấp dẫn. Chủ vườn anh Nguyễn Văn Thành cho biết, bình quân năng suất nho đỏ đạt trên 2 tấn/sào, hiện giá nho đỏ tại vườn 30.000 đồng/kg, ước tính mỗi sào nho mỗi vụ, nông dân lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng. Nho chín được thu hoạch rất cẩn thận, cắt từ trên giàn và đưa ngay vào thùng giấy đóng lại, chuyển đi tiêu thụ ởtp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây.

Chị Nguyễn Thị Mai (25 tuổi), du khách đến từ tỉnh Đồng Nai vui vẻ nói: “Nho ở đây rất sạch, vị ngọt, ăn là mê ngay”. Theo chị Mai, đây là lần đầu tiên được tự tay mình hái chùm nho chín đỏ trên cây, cảm giác thật vui. Đã vậy, còn được chụp những tấm ảnh thật đẹp, làm kỷ niệm.

Tuy Phong là vùng đất có điều kiện thích hợp để cây nho sinh trưởng và phát triển. Bởi đặc điểm thời tiết ở đây ít mưa, khô và nắng nóng quanh năm. Nho trồng trên đất Tuy Phong thơm ngon, có vị ngọt nhẹ, mọng nước và từ lâu đã trở thành đặc sản nức tiếng. Đặc biệt, nho Phước Thể là thương hiệu nổi tiếng được đông đảo người dân địa phương và du khách tham quan khen ngợi. Thế nhưng, để có một vườn nho đáp ứng được nhu cầu của thị trường là cả một quá trình, bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền bạc, tâm huyết của những người nông dân. Bởi cây nho tính nhõng nhẽo như “đứa trẻ”, rất dễ bệnh nứt trái, chết cành… khi gặp gió trở mùa, mưa dầm. Chuyện khóc, cười với cây nho của người nông dân không phải là hiếm, có chủ vườn đã “bỏ túi” tiền đặt cọc của thương lái, nhưng chỉ sau 1 cơn mưa dầm thì trái nứt te tét, thương lái lắc đầu thì gia chủ phải móc tiền trả lại.

Ông Võ Văn Sáu (59 tuổi), chủ vườn nho Như Hiền ở xóm 1, xã Phước Thể cho biết, nho được trồng theo lối mắc giàn trên cao, khoảng 2 m. Nho có 2 loại, nho đỏ và nho xanh. Nho đỏ có dạng hình cầu, khi chín vỏ có màu đỏ thẫm. Nho xanh có vỏ dày hơn nho đỏ, khi chín quả ngả sang xanh vàng. Nho đỏ được 4 vụ/năm, nho xanh được 3 vụ/năm. Mặc dù nho có quanh năm nhưng chất lượng thì nho vào vụ tháng 8 - 9 là ngon ngọt nhất, trái chín căng mọng trên cành khi đã hút trọn cái nắng, gió của xứ này.

Theo nhiều nông dân, đối với những vườn đầu tư mới, tính cả giống cây con và chi phí chăm sóc, bình quân mỗi vụ tốn khoảng 25 triệu đồng/sào, còn những vườn cũ thì mỗi vụ chi phí chăm sóc khoảng 10 triệu đồng/sào. Nếu trúng giá, được mùa thì trừ chi phí, 1 sào nho xanh cũng cầm chắc 50 - 60 triệu đồng.

Khát khao phát triển thương hiệu cây nho Tuy Phong

Những năm qua do nông dân chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sâu rầy bùng phát mạnh, thời tiết diễn biến thất thường khiến vườn nho bị chết sạch, giá cả thấp, đầu ra không ổn định khiến người nông dân điêu đứng. Khi ấy, nhiều hộ trong vùng đã bắt đầu phá bỏ loại cây mà họ từng coi là miếng cơm manh áo để tìm hướng đi mới. Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp, các ngành ở Tuy Phong đã triển khai nhiều giải pháp từ tập huấn, hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập Tổ hợp tác phát triển cây nho… giúp người nông dân trụ vững trước những biến đổi thăng trầm. Địa bàn trồng nho nhiều nhất là xã Phước Thể có gần 50 hộ dân sản xuất nho trên diện tích khoảng 20 ha tập trung tại thôn 1. Các mô hình sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGap, nho siêu sạch, nho nhà lưới… đang được nông dân hướng tới.

Là người gắn bó với cây nho gần 20 năm, ông Võ Văn Sáu luôn trăn trở để tìm hướng phát triển cho loại cây đặc sản của địa phương mình. Bước đột phá đó là mạnh dạn đầu tư bãi đỗ xe, xây nhà lưới trồng nho sạch đến chế biến nhiều sản phẩm từ nho như rượu nho, mật nho và mở vườn nho để phục vụ du khách tham quan, du lịch tìm hiểu về mô hình trồng nho. Ngoài 2 giống nho đỏ, nho xanh quen thuộc, gia đình ông Sáu tiếp tục phát triển giống nho Hồng Nhật hay còn gọi là nho hồng ngón tay, nho giống mới NH01-152… vào trồng với diện tích hơn 2 sào trong nhà lưới. Giống nho này năng suất khoảng 1,5 tấn/sào, thấp hơn nho đỏ, nho xanh nhưng có giá bán trên 120.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so với các giống nho đỏ, nho xanh. Không chỉ có giá trị cao, giống nho này còn có bề ngoài rất bắt mắt: Màu hồng tươi cùng trọng lượng đạt 1 - 1,5 kg/chùm nên ai nhìn vào cũng mê mẩn. Với những lợi thế ấy, ông Sáu kỳ vọng vào những mùa nho mới với sản phẩm mang đặc trưng riêng có của vùng đất Tuy Phong.

Từ những ý tưởng phát triển cây nho, nhiều nông dân đã tiên phong thay đổi cách làm truyền thống trước đây. Nếu như trước đây, hầu như các vườn nho đều “vô phận sự cấm vào” thì nay đã mở toang cánh cổng chào đón khách. Đi dọc tuyến quốc lộ 1A, đoạn cầu Đại Hòa, xã Phước Thể sẽ dễ dàng gặp các bảng hiệu vườn nho Như Hiền, Tư Thành, Quỳnh Tuyến, Lê My… Đây là những vườn nho đáp ứng đủ nhu cầu cho du khách tham quan, trải nghiệm, thưởng thức trái nho và các sản phẩm từ nho chất lượng và thực sự tươi sạch, như rượu nho, mật nho, mứt nho, nho khô, nho sấy… Nhiều chủ vườn nho cho biết việc mở vườn nho cho khách tham quan không chỉ muốn cho du khách tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất, chế biến nho sạch, an toàn cho sức khỏe, tạo sự yên tâm và tin dùng của khách hàng mà còn gắn kết xu hướng phát triển du lịch sinh thái, khám phá vùng đất Tuy Phong có bề dày truyền thống văn hóa và con người rất thân thiện, mến khách.

Nắng vẫn chuyên cần, gió vẫn hào phóng trên những vườn nho xanh tươi đầy trái ngọt. Nơi ấy, hàng ngày những đoàn xe đưa khách ghé vào, ra về trên tay ai cũng cầm những chùm nho căng mọng, nở nụ cười tươi trẻ…

MINH CHIẾN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/ngot-ngao-mua-nho-chin-130975.html