Ngọt ngào mùa ong làm mật
Thời gian gần đây, ong mật tự nhiên xuất hiện nhiều. Ở thành phố, ong làm tổ ngay cạnh cục nóng máy lạnh. Còn ở vùng nông thôn, ong làm tổ sau mé hè, vườn mít…
Ong ruồi làm tổ bên cục nóng máy lạnh ở Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: LÊ TRÂM
Mùa săn mật
Thời gian gần đây, các cánh rừng ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), ong ruồi xuất hiện nhiều đến nỗi người dân bất ngờ. Ông Mạnh Văn Bình ở xã Xuân Quang 3 cho biết hôm rồi ông vô trại bò sau nhà thấy một người bắt được 3 tổ ong ruồi. “Trái ké (nơi chứa mật) các tổ ong to bằng bắp chân người lớn, họ vắt thu cả lít mật, còn bánh họ cho tôi đem về ngâm rượu”, ông Bình khoe.
Còn ông Lê Thuận ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa ra sau vườn hái mít phát hiện tổ ong ruồi đến kỳ lấy mật. “Mấy chục năm qua chưa năm nào tôi thấy ong ruồi xuất hiện nhiều ở gần nhà như vậy. Không chỉ nhà tôi mà nhiều nhà xung quanh đây ong ruồi cũng làm tổ trong vườn. Trước đây muốn bắt ong ruồi phải lên núi cao, hiếm lắm mới gặp”, ông Thuận cho hay.
Không chỉ ong ruồi mà ong thế cũng xuất hiện nhiều nên nhiều người ở huyện Tuy An, Đồng Xuân lên rừng tìm tổ lấy mật. Mỗi nhóm 3-5 người, có nhóm trúng tổ ong thế lấy được cả can mật 10 lít.
Theo ông Nguyễn Văn Lý ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An), tổ ong ruồi lấy mật rất dễ bởi tổ không lớn. Tổ nào to nhất là bằng cái sàng, đường kính khoảng 50cm, còn thường chỉ hơn gang tay người lớn. Khi tìm được tổ ong ruồi, mọi người sẽ chặt cành cây có tổ ong xuống, chạy đến chỗ khác vắt lấy mật. Nếu có con ong nào bay theo thì dùng chà lá đập vài cái là chúng bay đi, có lỡ bị một vài con chích cũng không ăn nhằm gì vì nọc không độc.
Trong khi đó, ong thế thường làm tổ ở khu vực núi cao, tổ của chúng có khi to bằng chiếc chiếu. Ong thế có thể phát hiện hơi người khi còn cách xa tổ 5-7m, khi phát hiện có người đến gần tổ, hàng ngàn con ong chớp cánh ào ra rợn cả người. Ông Lý cho hay, ong sợ khói hơn sợ lửa nên khi bắt ong thế, ngoài mặc quần áo dày, còn phải cầm trên tay 2 trái khói. Trái khói được đốt từ tổ kiến kim hoặc làm bằng lá cây mục, phân bò khô to cỡ đầu người, khi đốt sẽ ngún khói và lâu tàn. Đến gần tổ, người săn mật sẽ áp trái khói từ từ vào tổ ong để chúng bay dần. “Kinh nghiệm là nếu bị ong thế chích thì nằm rạp xuống đất, tránh cử động, ong sẽ bay đi, chứ càng chạy thì ong càng bám theo chích. Gần đây, nhiều người mặc quần áo bảo hộ bằng ni lông đi lấy mật ong, rất an toàn”, ông Lý nói.
Ong rừng về phố
Khu vườn nhà ông Phan Kim Việt ở gần chợ Tân Hiệp, phường 2, TP Tuy Hòa, ong ruồi làm tổ, trái ké dài hơn 2 gang tay. Ông Việt cho biết: Tôi ở đây mấy chục năm rồi mới thấy ong ruồi làm tổ sau vườn. Khi ong già cho mật, tôi lấy tổ vắt trái ké được 0,5 lít. Vườn nhà tôi không rộng lắm chỉ trồng vài loại cây thuốc nam, có vài loại cây ra hoa, ong ruồi bay đến làm tổ cho mật ngọt. Ong ruồi thường gọi là ong rừng mà làm tổ ở phố thì hiếm thấy.
Tổ ong ruồi đến kỳ cho mật. Ảnh: LÊ TRÂM
Tại Trường Chính trị tỉnh, ong ruồi còn đu tổ ở cục nóng máy lạnh ngoài sảnh tầng 3. Anh Phan Duy Vũ, công tác ở Sở TN&MT, học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị K127 cho biết: Khu vực này gần biển, mà ở miền biển thấy yến làm tổ thì nhiều còn ong tự nhiên làm tổ thì hiếm. Ban đầu chúng tôi tưởng ong nghỉ cánh, nhưng sau đó chúng làm tổ, đóng trái ké cho mật. Có người đã lấy mật vậy mà sau đó ong vẫn tiếp tục làm tổ lần hai.
Mật ong có giá trị dinh dưỡng cao và chữa nhiều căn bệnh nên cũng đắt đỏ. Một lít mật ong ruồi có giá từ 200-300.000 đồng, nhưng đó là ong nuôi. Còn mật ong ruồi tự nhiên giá hiện tại là 1 triệu đồng/lít. Ong thế tự nhiên cho mật nhiều nên giá mềm hơn, khoảng 300.000-400.000 đồng/lít .
Có người đi lấy mật ong đựng cả can nhựa, ong thiệt nhưng “mật giả” vì lấy mật không đúng cách. “Khi lấy mật chỉ vắt trái ké, nhưng có người ham nhiều vắt cả bánh, trong đó có nhộng chứa nước sữa. Mật ong để lâu năm không sao, nhưng khi có sữa nhộng lẫn vào thì để cách tuần là nổi sình, nên người mua cho là mật ong giả”, ông Bùi Văn Trung, một người lấy mật ong ở xã An Xuân (huyện Tuy An) giải thích.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300589/ngot-ngao-mua-ong-lam-mat.html