Ngọt ngào và man trá: Bên trong các 'trại lừa đảo' tại Đông Nam Á

Những nạn nhân sập bẫy 'việc nhẹ, lương cao' nay bị ép trở thành những kẻ 'săn mồi', thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến tại các trại tập trung rải khắp Đông Nam Á.

Khi Daniel, người đàn ông ngoại tứ tuần sống tại miền nam Thụy Điển, đăng ký tài khoản trên ứng dụng hẹn hò Tinder, mọi thứ diễn ra tương đối chậm rãi. Dù ngoại hình điển trai, anh tự thấy bản thân tự ti và không biết tán tỉnh. Và rồi, Adele xuất hiện. Phong cách, đậm nét Á Đông, ngoài 30 tuổi. Cô đang thăm người thân ở Thụy Điển. Daniel nhanh chóng bấm “thích” và bắt đầu cuộc trò chuyện với người đẹp trên WhatsApp. Adele trao đổi hình ảnh và nói về sở thích của mình như mỹ phẩm, nấu nướng. Họ lên kế hoạch gặp gỡ.

Daniel, một nạn nhân của đường dây lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á, ngày 11/4/2024. Ảnh: Torbjörn Wester

Daniel, một nạn nhân của đường dây lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á, ngày 11/4/2024. Ảnh: Torbjörn Wester

Adele cũng kể với Daniel rằng mình kiếm được rất nhiều tiền từ đầu tư tiền mã hóa. Cô muốn bạn mình thử vận may. Sau vài tuần hoài nghi, anh được cô mời vào một nhóm WhatsApp. Trong đó, khoảng 100 người đang thảo luận về các khoản đầu tư thành công và nhận lời khuyên từ chuyên gia tài chính “Manish Aurora”.

Adele thuyết phục Daniel mua 100 EUR đồng USDT trên nền tảng digitalcurrencyocean.com. Dù số tiền ban đầu tăng lên, để được tư vấn thêm từ Manish Aurora, anh phải đầu tư lớn hơn. Daniel quyết định mạo hiểm và “tất tay” khoảng 40.000 EUR (hơn 1 tỷ đồng).

Bức ảnh của Adele, nhân vật hư cấu làm quen với Andrew. Ảnh: Torbjörn Wester

Bức ảnh của Adele, nhân vật hư cấu làm quen với Andrew. Ảnh: Torbjörn Wester

Vài ngày sau, một người phụ nữ khác trên Tinder cảnh báo Daniel rằng anh có thể là nạn nhân của lừa đảo. Anh rút được khoản tiền nhỏ nhưng khi muốn rút phần còn lại, tài khoản của anh bị đình chỉ. Adele nói anh phải đóng “thuế” để lấy lại tiền, nhưng đó cũng là lúc anh biết mình bị lừa.

“Tôi từng có cuộc sống khá sung túc. Bây giờ, tôi gần như trắng tay. Tôi thấy mình như kẻ đại bại”, Daniel tâm sự.

Những gì xảy ra với Daniel là điển hình của cái gọi là “pig butchering” (giết mổ heo), trong đó tội phạm chiếm đoạt lòng tin của nạn nhân để lừa đảo. Adele chưa bao giờ tồn tại. Những nhà đầu tư trong nhóm WhatsApp cũng vậy. Manish Aurora thực chất là một quản lý quỹ đầu cơ người Mỹ bị mạo danh.

Chú lợn được lừa phỉnh bằng sự ngọt ngào, và tiếp đó là công việc của những gã đồ tể.

Đây là một hình thức lừa đảo mới, nổi lên mạnh mẽ từ khi Covid-19 xảy ra. Các vụ lừa đảo thường được tổ chức trong những khu phức hợp tại Đông Nam Á và có thể là tại Dubai và những nơi khác. Theo ước tính của Đại học Texas, chúng kiếm được 72 tỷ USD giai đoạn 2020 – 2024.

Một vài kẻ lừa đảo là tự nguyện, song, theo nhiều nguồn tin, phần lớn là nạn nhân bị bắt cóc, buộc thực hiện hành vi này. Báo cáo từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) của Liên Hợp Quốc cho thấy, riêng Campuchia đã có 100.000 nạn nhân như vậy.

Tại Myanmar, con số có thể lên tới 120.000. Nếu các con số chính xác, nó sẽ là một trong những đường dây buôn bán người lớn nhất lịch sử của tội phạm xuyên quốc gia.

Andrew, người bị lừa bởi quảng cáo "việc nhẹ, lương cao", trở thành nô lệ trong một trại lừa đảo Campuchia. Ảnh: Torbjörn Wester

Andrew, người bị lừa bởi quảng cáo "việc nhẹ, lương cao", trở thành nô lệ trong một trại lừa đảo Campuchia. Ảnh: Torbjörn Wester

Nhiều người bị dụ dỗ đến các trại lừa đảo từ những quảng cáo "việc nhẹ lương cao". Raymond, một người Trung Quốc trong độ tuổi 40, lâm vào khó khăn khi công ty xây dựng của anh sa sút trong dịch bệnh.

Một ngày, anh nhìn thấy quảng cáo Facebook về công việc chăm sóc khách hàng cho sòng bài tại Campuchia với mức lương hậu hĩnh. “Họ có văn phòng rất đẹp ở Kuala Lumpur và tôi được mời đến phỏng vấn”, Raymond nhớ lại.

Vài tuần sau, anh đáp chuyến bay đến Campuchia. Sau khi được đón tại sân bay, anh được đưa đến thành phố Sihanoukville. Tuy nhiên, khi ngồi trong khu tổ hợp văn phòng, anh ngay lập tức cảm thấy không ổn. Những bảo vệ có vũ trang đứng ở cửa ra vào và anh bị ép phải làm công việc lừa đảo qua mạng.

Anh được phát 1 máy tính xách tay và 4 điện thoại cài sẵn vài ứng dụng hẹn hò, mạng xã hội. Sau vài ngày huấn luyện bằng những kịch bản với các nhân vật giả tưởng khác nhau, anh được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân tại các nước châu Âu.

“Tôi vào vai các nhân vật sở hữu cuộc sống xa hoa, đang du lịch và cập nhật những thứ như ‘đang ở Pháp, vừa đi shopping điên cuồng’”.

Sau khi nạn nhân rơi vào “bẫy ngọt ngào”, đến lúc giới thiệu về các khoản đầu tư tiền mã hóa. Anh tiếp tục vào vai những nhà đầu tư thành công, hướng dẫn nạn nhân cách giao dịch, thuyết phục họ mua tiền mã hóa rồi chuyển nó đến website giả mạo của kẻ lừa đảo.

Dù vậy, Raymond không lừa ai. Anh trở nên hoảng loạn. Trưởng nhóm cho anh thấy hậu quả của những người không hoàn thành chỉ tiêu là như thế nào. Raymond chứng kiến nhiều người bị đánh đập thảm khốc, bị giật điện. Những màn tra tấn này diễn ra trước mặt tất cả mọi người.

Anh bắt đầu gửi những khoản tiền nhỏ của mình để giả vờ như đã lừa được người khác. “Tôi nhận ra mình phải khôn ngoan và không chống đối những người này”.

Vài tháng trôi qua trong cảnh giam cầm, Raymond khao khát tự do. Với nhiều người, việc trốn thoát đồng nghĩa họ phải lao mình khỏi cửa sổ và mạo hiểm cả tính mạng. Raymond không lựa chọn cách đó. Anh dùng điện thoại được phát để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Anh tìm được Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu (GASO), giúp đỡ người bị bắt cóc thoát khỏi các trại lừa đảo. Raymond bí mật thu thập thông tin về những đồng hương khác trong tòa nhà và gửi cho GASO. Sau đó, tổ chức liên lạc với Đại sứ quán Malaysia ở Campuchia.

Không rõ việc đàm phán diễn ra như thế nào nhưng một ngày, những người Campuchia mặc đồng phục xuất hiện cùng với một danh sách. Họ đưa Raymond và nhóm người Malaysia đi cùng. Họ được trở về nhà. “Đó là khi cuộc đời thứ hai của tôi bắt đầu”.

Andrew, một người Malaysia khác, may mắn trốn thoát trong thời gian ngắn hơn, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Hai năm trước, anh cũng nhìn thấy quảng cáo việc làm giả mạo tại Campuchia. Sau khi bị giam cầm trong trại lừa đảo trong vài ngày, anh bị bán với giá 10.000 EUR cho người khác và qua tay một người nữa.

Những kẻ lừa đảo mở nhóm chat Telegram và cung cấp ảnh tư liệu cho mọi người. Ảnh: Torbjörn Wester

Những kẻ lừa đảo mở nhóm chat Telegram và cung cấp ảnh tư liệu cho mọi người. Ảnh: Torbjörn Wester

Andrew được giao cho một danh sách số điện thoại WhatsApp tại Mỹ. Việc của anh là đóng vai những người phụ nữ quyến rũ, gửi tin nhắn vờ như nhầm số. “Nếu người nhận nhắn lại, bước đầu tiên đã thành công”, anh kể.

Từ đây, anh sẽ kết nối với con mồi và biến họ thành nạn nhân của trò lừa đảo tiền mã hóa.

Andrew cũng thấy những người khác bị đánh đập. Khi cầu xin được thả tự do, chúng yêu cầu nộp tiền chuộc. Gia đình anh trả 23.000 EUR để cứu được con. Sau đó, anh được đưa thẳng ra sân bay.

Những câu chuyện của Raymond và Andrew hoàn toàn trùng khớp với những nạn nhân khác. Mùa thu năm 2024, nhà nghiên cứu Ivan Franceschini công bố báo cáo thực hiện cùng hai đồng nghiệp Ling Li và Mark Bo, trong đó họ tập hợp 32 lời khai từ những người được cứu thoát khỏi trại lừa đảo. “Chúng là những câu chuyện khủng khiếp. Thực sự là một cuộc khủng hoảng nhân quyền”, Franceschini nói.

Ông gọi ngành công nghiệp lừa đảo châu Á là một loại “chủ nghĩa tư bản săn mồi” hoàn toàn mới. Hàng nghìn nô lệ bị ép lừa đảo qua mạng tại những khu phức hợp được bảo vệ kỹ lưỡng. Những bộ dữ liệu quy mô lớn và thao túng nạn nhân trên toàn cầu. Dù vậy, không nhiều người biết đến loại hình này.

Cách 1.000 km từ Kuala Lumpur là thành phố ven biển Sihanoukville, nơi giam giữ Raymond. Tòa nhà kín cổng cao tường anh ở gần với một số sòng bài. Tại đây, những cửa hàng nhỏ và văn phòng giao dịch hoạt động nhộn nhịp. Xen kẽ các khu vực là những chiếc cổng có lính canh. Mọi người muốn ra vào phải trình thẻ.

Raymond muốn quên đi mọi thứ tại Sihanoukville. Trong những ngày tháng bị giam cầm, anh đã “chết tâm” và mất nhiều tháng để làm lại cuộc đời cũng như chữa lành. Dù vậy, anh vẫn nhớ như in cảm giác khi quay trở lại Malaysia.

“Những ngày đầu, tôi lái xe loanh quanh Kuala Lumpur, hưởng thụ cảm giác tự do một lần nữa”, anh nhớ lại.

(Theo elpais)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngot-ngao-va-man-tra-ben-trong-cac-trai-lua-dao-tai-dong-nam-a-2369088.html