Ngọt ngào và nhớ thương từ ký ức

Sách tương tác: “Lời giải” cho xuất bản thời công nghệ

(HNMCT) - Xứ Huế mộng mơ, giọng Huế ngọt ngào và người Huế dịu dàng là những ấn tượng nhiều người nhớ đến khi nhắc về miền cố đô. Thái Kim Lan, người con gái sinh trưởng ở xứ sở màu tím ấy, sau này trở thành giảng viên triết học ở một trường đại học tại nước Đức xa xôi, đã viết về một Huế “rất Huế” trong những hoài niệm của một thời thanh xuân khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh, trong những nỗi nhớ nhung, dùng dằng chẳng vơi bớt giữa hai mảnh đất Huế - Munich mà bà gắn bó.

“Cồng kềnh nỗi nhớ bên này bên kia” đến trĩu nặng hành trang một đời người, Thái Kim Lan không thể không trải cảm xúc vào từng con chữ, để hơn 300 trang sách Mai rồi mưa tạnh trong xuân đã ra đời, thấm đẫm “chất Huế” và đong đầy nhớ thương.

Khó có thể nghĩ người con biết bao năm xa quê như Thái Kim Lan mà nét Huế vẫn còn được neo giữ vẹn nguyên trong tâm hồn. Có lẽ bởi nỗi nhớ niềm yêu quá đằm sâu khiến bà luôn thương về xứ Huế, dù không ít lần hoang hoải cảm thấy “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”.

Nỗi nhớ, chỉ từ một giọt mưa bụi thinh không, một bóng lá trong chung trà sớm, cọng hoa cỏ trên đường, giọt nắng bên thềm, gió quái buổi chiều... Nỗi nhớ, chỉ từ một tiếng chuông chùa thoảng ngân, bóng núi triền sông, trăng sao lộng gió, hay tiếng thở của mẹ... Âm vọng Huế cứ bền bỉ níu tâm hồn Thái Kim Lan, để rồi giờ đây bà đưa độc giả vào miền ký ức như sương như mưa của bà, đẹp đẽ, hư ảo và đầy chất thơ.

Nếu Đường mưa của Thái Kim Lan là “quá trời” thương nhớ về “Nắng Phú Xuân”, “ngọn sầu đông”, “mùa thu xanh”, “mưa tạnh trong xuân”, về “một cành mai”, “phượng trên trời”, “hải đường dưới đất”... thì Đường sương là những câu chuyện tuổi thơ về người bà, về mạ, về những nữ sinh Đồng Khánh một thời, về những ngày Phật đản, về lễ Vu lan, và đặc biệt là Tết. Bà nhớ từ chiếc chum vỡ, manh áo mới nhớ đi, nhớ từ bánh vu lan, trái mứt me, cháo gạo đỏ, chuối cau, mứt gừng nhớ lại.

Đến cả thứ “hột nếp tung trong nồi cát rang” ngày xưa cũng khiến bà giữa đêm nằm “mơ mình chui vào trong lòng những hạt nổ ngũ sắc, rong chơi một mùa Tết thần tiên của hạt nếp biết bay giữa trời quê hương”…

Đi vào “mê lộ dĩ vãng”, Thái Kim Lan “cảm giác như mình đang mộng du, chân không chấm đất, người như say phiêu diêu”, để những cảnh cũ người xưa “rặt Huế” cứ từ từ trở đi trở lại qua 45 bài tản văn đậm chất tự sự. Cung đàn nhớ Huế của Thái Kim Lan được căng dây trên khắp nẻo đi về của một thời con gái đã xa và của những chuyến hồi hương sau này.

Hư ảo như sau màn mưa xứ Huế, nên thơ như những khung cảnh cố đô mộng mơ, từng trang viết Thái Kim Lan chậm rãi, trong trẻo, dịu dàng, đượm mùi ký ức ngọt ngào. Rút từng sợi tơ lòng để viết, Mai rồi mưa tạnh trong xuân của Thái Kim Lan đã thực sự “đánh động” những tấm lòng yêu văn chương lãng mạn. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/940491/ngot-ngao-va-nho-thuong-tu-ky-uc