Ngọt ngào vị hến sông La

Hến sông La không chỉ là món ăn dân dã, mà còn là phần ký ức, sinh kế và niềm tự hào của người dân xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Làng Bến Hến (xã Trường Sơn) bên dòng sông La.

Làng Bến Hến (xã Trường Sơn) bên dòng sông La.

Từ sản vật bé nhỏ đã hình thành nghề truyền thống hơn 300 năm và âm thầm nâng đỡ giấc mơ con chữ của biết bao đứa trẻ vùng Bến Hến.

Mưu sinh trên dòng La

Trên bản đồ Hà Tĩnh, sông La uốn lượn như một dải lụa xanh, nhẹ nhàng ôm lấy những làng quê trù phú của huyện Đức Thọ. Dòng sông ấy không chỉ mang phù sa bồi đắp ruộng đồng, mà còn âm thầm vun đắp một đặc sản nức tiếng - hến sông La, thứ “tinh hoa trong bát canh quê” khiến ai từng một lần nếm thử cũng khó lòng quên được.

Từ tờ mờ sáng, những con thuyền máy nhỏ lặng lẽ trôi trong làn sương mờ, chở theo người dân Trường Sơn ra giữa sông La cào hến. Người làng gọi đó là “mùa nước bạc” - mùa hến ngoi lên kiếm ăn, mùa của hy vọng và cũng là mùa đẫm mồ hôi.

Ngày xưa, người làm nghề bắt hến dùng dụng cụ được làm bằng tre, đan thành những chiếc gàu rồi nối vào một cái sào. Sào dài hay ngắn phụ thuộc vào độ nông sâu của lòng sông nhưng thường dài 3 - 5m.

Nay kinh tế khá giả hơn, nhiều gia đình đã đầu tư thuyền máy với chiếc gàu làm bằng sắt để đi cào hến. Việc cào hến khá nặng nhọc nên dành cho đàn ông. Còn nấu hến, đãi hến, đưa đi chợ bán dành cho phụ nữ.

Bà Dương Thị Bính (70 tuổi), hơn nửa thế kỷ cào hến ở làng Bến Hến, cho hay: “Trước kia sông nông, tụi tôi phải ngâm mình lặn mò từng con. Giờ nước sâu, phải buộc dây vào cào mà kéo. Cực nhọc lắm, nhưng bám sông mà sống, rồi thành quen. Bây giờ có máy móc, bán được xa, nên cũng đỡ cực hơn xưa”. Vừa nói, bà vừa nhanh tay đãi hến trong chiếc thúng nan dưới chân bến nước.

Người làng Bến Hến đã quen với nhịp sống cào hến từ tháng Giêng đến cuối tháng 6 âm lịch. Dù trời rét buốt hay nắng oi nồng, họ vẫn ngâm mình giữa sông, dùng cào tre thả sâu xuống đáy, xuyên qua lớp bùn ở độ sâu 4 - 5m để tìm hến. Người khéo tay, dạn nghề có thể xúc được 20 - 30kg hến tươi mỗi ngày. Nhưng cũng có ngày trắng tay vì “con nước hai” - thủy triều bất thuận, dân nghề phải biết căn thời gian để tránh.

Khi những chiếc thuyền cập bờ, công đoạn đãi hến cũng không kém nhọc nhằn. Sau khi xúc lên, hến được đổ vào sàng, đãi đi đãi lại nhiều lần bằng nước sạch để loại bùn, sỏi. Tiếp đó, hến được luộc trong nồi gang lớn trên bếp lửa đỏ rực, nước luộc được giữ lại để nấu canh - thứ nước được xem như “tinh túy” của hến.

Thịt hến sau luộc được sàng gỡ thủ công, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo. Một ký hến tươi chỉ cho ra chưa đến 2 lạng thịt. Mỗi miếng hến ngọt dai, thơm đậm không chỉ là sản vật của lòng sông, mà còn là kết tinh từ công sức người dân.

“Tui theo mẹ ra sông cào hến từ năm 10 tuổi. Hến thời đó nhiều lắm, cứ thả cào xuống là kéo lên đầy. Ngày chưa có thuyền máy, chỉ có chèo nan, mà cả xóm vẫn sống được. Có bữa trời lạnh cắt da, nước như đá mà vẫn phải lội ra sông - không đi thì lấy chi mà sống.

Giờ già rồi, tui không đi cào nữa, nhưng sáng nào cũng ra bến ngồi nhìn khói bếp luộc hến bốc lên mà thấy ấm bụng. Cái nghề này cực nhưng mà nghĩa tình, bỏ không nỡ…”, cụ Nguyễn Văn Lục (95 tuổi), thôn Bến Hến, chia sẻ.

 Ở Bến Hến, có những người gắn bó với nghề hơn nửa thế kỷ.

Ở Bến Hến, có những người gắn bó với nghề hơn nửa thế kỷ.

“Đãi” giấc mơ con chữ

Hến sông La không chỉ hiện diện trong bữa ăn thường nhật, mà còn là nguyên liệu chính của nhiều món đặc sản Hà Tĩnh. Từ bát cháo hến nóng hổi ngày mưa, đến đĩa hến xào cay ăn kèm bánh tráng, hay bún hến chan nước luộc thơm mùi hành ngò… món nào cũng mộc mạc mà thấm đẫm tình quê.

Từ bữa cơm quê đến nhà hàng phố thị, hến sông La vẫn giữ nguyên hồn cốt. Không cần cầu kỳ, chỉ vài nhúm thịt hến xào với hành lá, chút rau răm ăn cùng cơm trắng, là đủ để nhớ về một vùng đất yên bình.

Không rực rỡ như vải thiều Lục Ngạn, không lừng danh như cá kho Vũ Đại, hến sông La chọn cách đi vào lòng người bằng sự giản dị. Vị ngọt của hến là kết tinh của đất - trời - nước, là mồ hôi của bao người dân lam lũ, là tinh thần gìn giữ văn hóa trong từng món ăn quê.

Ở chợ Đức Thọ, hến luôn là mặt hàng “cháy hàng”. Tiểu thương Hà Thị Hằng nói: “Khách ngoài Bắc, trong Nam đặt theo thùng. Hến ở đây sạch, không nuôi, không hóa chất. Ăn là biết liền”.

Theo chia sẻ của các hộ dân, vào mùa cao điểm, mỗi thuyền có thể cào 5 - 6 tạ dắt/ngày, thu gần 1 tạ hến tươi. Sau chế biến, cho ra 1 yến hến ruột. Với giá 150.000 đồng/kg hến ruột và 50.000 - 70.000 đồng/kg dắt ruột, người làm nghề có thể thu nhập trung bình 500.000 đồng/ngày, cao điểm lên đến cả vài triệu đồng, đây được xem là mức thu nhập ổn định đối với những người làm nghề này.

Nhưng hơn cả thu nhập, nghề hến còn là “bà đỡ” lặng thầm cho những ước mơ học hành của trẻ em vùng sông nước. Trong hình bóng bố lom khom cào hến mỗi sớm, tiếng mẹ đều tay đãi hến lúc chiều buông, những đứa trẻ Trường Sơn dần dà trưởng thành, lần lượt bước chân vào giảng đường đại học.

Ở xã Trường Sơn, hàng trăm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… đã lớn lên từ những mái nhà tranh nép mình bên dòng La. Trên hành trình ấy, hến - món quà của lòng sông - âm thầm góp phần nâng bước.

Ông Thái Kim Đồng - Bí thư Chi bộ thôn Bến Hến, cho hay, nhờ nghề làm hến mà cuộc sống bà con ngày một khấm khá. Cũng từ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài được khơi dậy mạnh mẽ. “Không có em nào trong độ tuổi đi học phải nghỉ giữa chừng. Có năm, cả thôn có hơn 10 em đậu đại học”, ông Đồng tự hào.

“Trước kia, nghề làm hến chỉ tạm đủ no lòng. Lũ trẻ lớn lên, có đứa phải nghỉ học sớm để theo cha mẹ mưu sinh, hoặc đi lao động tha phương. Nay, hến không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, mà còn giúp nhiều gia đình đầu tư cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Từ thôn này, đã có hàng trăm em vào đại học, nhiều thạc sĩ ngành y cũng xuất thân từ mái nhà làm hến”, ông Đồng nói thêm.

Gia đình chị Lê Thị Thắm có 3 đứa con đang theo học tại địa phương bùi ngùi chia sẻ: “Để giàu thì không có, nhưng nhờ nghề hến cuộc sống gia đình tôi ổn định, có tiền cho con cái học tập để các cháu có tương lai tươi sáng hơn”.

 Để có những mẻ hến ruột ngon ngọt phải mất nhiều công đoạn cực nhọc..

Để có những mẻ hến ruột ngon ngọt phải mất nhiều công đoạn cực nhọc..

Gìn giữ truyền thống trăm năm

Làng Bến Hến từ lâu đã được xem là cái nôi của nghề cào hến ở Hà Tĩnh. Cái tên “Bến Hến” cũng từ đó mà ra - nơi những con thuyền chở hến đầu tiên cập bến, người người quây quần bên bếp lửa chế biến hến.

Theo ông Nguyễn Văn Hoài - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn, toàn xã hiện có gần 60 hộ theo nghề thường xuyên, số còn lại làm theo mùa. “Nghề này tuy thủ công nhưng tạo việc làm ổn định, giúp người dân bám trụ quê nhà, không phải tha phương như nơi khác”.

Khác với sự nhếch nhác, lộn xộn trước kia, khu chế biến hến ở thôn Bến Hến nay đã được quy hoạch gọn gàng, thống nhất về thiết kế. Điều này không chỉ tạo sự sạch sẽ, thông thoáng cho bờ sông, mà còn thuận tiện cho người dân trong khai thác, chế biến.

“Từ chỗ làm tự phát, nay địa phương đã quy hoạch một khu chế biến hến dài khoảng 400m ven sông La, với hàng chục lán kiên cố, đầy đủ nồi gang, bếp than, nước sạch… giúp người dân yên tâm làm nghề an toàn, hợp vệ sinh.

 Hến sau khi đãi sạch được luộc trên bếp lửa.

Hến sau khi đãi sạch được luộc trên bếp lửa.

Sau khi kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Phố hoàn thành, xã Trường Sơn đã quy hoạch lại làng nghề. Gần 80 hộ trực tiếp khai thác, chế biến hến được phân chia vị trí phù hợp dọc bờ sông, tạo điều kiện duy trì nghề truyền thống”, ông Nguyễn Văn Hoài nói.

Theo ông Hoài, từ khi quy hoạch làng nghề bài bản, ý thức giữ gìn môi trường, phòng chống cháy nổ cũng được nâng cao rõ rệt. Gắn với mô hình du lịch trải nghiệm, làng nghề hến Trường Sơn nay là điểm đến trong Đề án phát triển du lịch sông La của huyện Đức Thọ. Việc chỉnh trang, quy hoạch là tiền đề để giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề, thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập.

Giữa thời buổi nhiều làng nghề mai một, người trẻ xa quê, nghề cào hến ở Đức Thọ vẫn bền bỉ tồn tại như một phần hồn cốt làng quê. Dẫu vậy, không ít thách thức đang hiện hữu: Biến đổi khí hậu khiến mùa hến ngắn lại, nước sông ngày càng sâu, lớp trẻ chưa mặn mà nối nghiệp.

Khi chúng tôi rời Bến Hến, những con thuyền vẫn lướt nhè nhẹ mặt sông, tiếng thúng va vào nhau lách cách bên bến nước. Trong gió thoảng, đâu đó còn vương lại một hương vị rất xưa - ngọt ngào hến sông La.

Ông Nguyễn Văn Hoài - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn, cho hay, địa phương đang nỗ lực xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hến sông La”. Tuy nhiên, việc xác minh đầu vào còn khó khăn, nếu không kiểm soát tốt có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh, chất lượng sản phẩm.

Tiến Hiệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngot-ngao-vi-hen-song-la-post732330.html