Nước tưới vụ hè thu: Lo vùng cuối kênh, cao cưỡng

Hệ thống thủy lợi ở Hà Tĩnh cơ bản cấp đủ nước tưới cho 45.170 ha lúa hè thu, song, một số vùng cao cưỡng, cuối kênh có nguy cơ hạn hán cục bộ nếu nắng nóng kéo dài.

Gần 200 ha lúa có nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đang quản lý, vận hành 38 hồ chứa, 5 đập dâng, 1 cống ngăn mặt giữ ngọt phục vụ tưới tiêu cho hơn 19.800 ha lúa hè thu. Theo ghi nhận, mực nước các hồ lớn đang khá dồi dào như: hồ chứa Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên) đạt cao trình 28,68/32,5m (70% dung tích), hồ Sông Rác đạt 21,18/23,2m (76% dung tích), hồ Thượng Tuy đạt 22,85/24,5m (81% dung tích),…

Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, ít mưa trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, một số hồ đập nhỏ tại huyện Hương Khê như đập Mưng (Điền Mỹ), đập Trạng (Hương Thủy), đập Khe Con (Hương Giang)… có nguy cơ rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ.

 Hồ chứa Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) hiện ở cao trình 28,68/32,5m (đạt 70% dung tích thiết kế).

Hồ chứa Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) hiện ở cao trình 28,68/32,5m (đạt 70% dung tích thiết kế).

Ông Trần Nguyên Hồng - Trạm trưởng Trạm Đá Hàn (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho biết: “Trạm cấp nước tưới cho hơn 470 ha lúa hè thu, trong đó, một số diện tích thuộc các xã Hương Giang, Hương Thủy,… thường xuyên bị thiếu nước vào mùa nắng nóng. Điều đáng lo ngại là lượng nước bốc hơi nhanh nên các đợt tưới phải kéo dài 7 - 8 ngày trong khi bình thường chỉ 3 - 4 ngày”.

Ngoài yếu tố do nắng hạn kéo dài, qua khảo sát, một số công trình hồ đập tại huyện Hương Khê đã bị xuống cấp, sạt lở, rò rỉ, hạn chế trong quá trình tích trữ nước. Hơn nữa, với địa hình rộng và khá phức tạp, chạy qua nhiều khu vực đồi dốc, thường xuyên bị đất đá bồi lắng nên một số tuyến kênh bị hư hỏng, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông nước phục vụ sản xuất vụ hè thu.

 Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ít mưa trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, một số hồ đập nhỏ trên địa bàn tỉnh sẽ bị rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ít mưa trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, một số hồ đập nhỏ trên địa bàn tỉnh sẽ bị rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ.

Tại các huyện như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh,… một số vùng cao cưỡng và cuối kênh cũng được dự báo sẽ có nguy cơ thiếu nước. Do nằm ở cuối hệ thống kênh N19, phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) chỉ đưa vào sản xuất vụ hè thu gần 100 ha đất lúa, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích gieo cấy toàn phường.

Ông Dương Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gặp khó khăn trong nguồn nước tưới nên một phần diện tích phải chuyển sang trồng cây cạn hoặc bỏ hoang trong vụ hè thu. Hơn nữa, trong gần 100 ha đất đã đưa vào sản xuất, nếu nắng hạn kéo dài, việc đảm bảo nước cho cây lúa sinh trưởng cũng là thách thức lớn”.

Theo Sở NN&MT, nguồn nước thủy lợi cơ bản đáp ứng tưới cho hơn 45.170 ha lúa vụ hè thu năm 2025. Tuy nhiên, trong trường hợp điều kiện thời tiết bất lợi, lượng mưa ở mức thấp (chỉ đạt 75% lượng mưa trung bình nhiều năm) vào các tháng cao điểm của mùa hè, dự kiến sẽ có gần 200 ha đất sản xuất lúa gặp tình trạng thiếu nước.

Ngoài ra, nếu mực nước trên sông Ngàn Phố, sông La xuống thấp, xâm nhập mặn ăn sâu vào, quá trình cấp nước một số diện tích thuộc khu tưới trên các sông Ngàn Phố, sông La (trạm bơm Sơn Ninh, Lam Hồng, Nghi Xuân 1...) sẽ bị gián đoạn.

 Các địa phương thường xuyên quan tâm huy động nguồn lực để kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, dẫn nước phục vụ sản xuất lúa.

Các địa phương thường xuyên quan tâm huy động nguồn lực để kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, dẫn nước phục vụ sản xuất lúa.

Chủ động các giải pháp chống hạn

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và dự báo của ngành chuyên môn, các công ty thủy nông và địa phương đã lên phương án phòng chống hạn cho từng hệ thống công trình; chủ động thực hiện, vận hành tiết kiệm nước hiệu quả.

Ông Hồ Đức Việt - Trưởng phòng Quản lý khai thác (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho biết: “Công ty tổ chức nạo vét kênh mương, bảo dưỡng sửa chữa công trình, khơi thông dòng chảy; tuyên truyền chính quyền địa phương đôn đốc bà con Nhân dân ra quân làm thủy lợi. Đồng thời, mở nước kịp thời phục vụ sản xuất, ưu tiên tưới vùng xa, cao trước, tổ chức ép nước về các xã cuối kênh. Lập kế hoạch chống hạn, bổ sung lắp đặt máy bơm dã chiến, lập phương án chuyển nước tạo nguồn ở các công trình khác khi cần thiết”.

 Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh ra quân nạo vét kênh mương, bảo dưỡng sửa chữa công trình, khơi thông dòng chảy.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh ra quân nạo vét kênh mương, bảo dưỡng sửa chữa công trình, khơi thông dòng chảy.

Thời điểm này, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh chuẩn bị mở nước gieo cấy lúa hè thu sau khi hoàn thành thu hoạch lúa xuân; chủ động các giải pháp chống hạn cụ thể cho từng vùng tưới. Đặc biệt, đối với vùng tưới lưu vực sông Nghèn, công ty sẽ chú trọng điều tiết nguồn nước trên kênh chính Ngàn Trươi - Linh Cảm ở cao trình hợp lý để tưới hỗ trợ cho một số diện tích thuộc huyện Can Lộc.

Trong trường hợp hạn hán gay gắt, mặn xâm nhập cao, các cửa cống Trung Lương (TX Hồng Lĩnh), cống Đức Xá (Đức Thọ) phải đóng kín, công ty điều tiết nước từ hồ Ngàn Trươi vào kênh chính Linh Cảm và xả nước qua các cống xả sâu tại K8+100, K12+650, K19+340, K24+851, K33, đổ xuống các trục tiêu như: trục tiêu 21, kênh Chợ Giấy, kênh 19/5, kênh Chợ Vi,... ra hệ thống sông nhằm tạo nguồn cho các trạm bơm chống hạn.

 Các địa phương cần phối hợp nhận nước, điều tiết nước nội đồng phù hợp cho làm đất vụ hè thu sau khi kết thúc thu hoạch vụ xuân.

Các địa phương cần phối hợp nhận nước, điều tiết nước nội đồng phù hợp cho làm đất vụ hè thu sau khi kết thúc thu hoạch vụ xuân.

Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&MT) cho biết: “Ngành chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công điện nhằm quán triệt đến các địa phương, sở, ngành liên quan, công ty quản lý thủy lợi tập trung thực hiện các giải pháp chống hạn. Theo đó, cần chú trọng rà soát, cân đối nguồn nước thực tế để xây dựng kế hoạch tưới phù hợp; thực hiện chuyển đổi cây trồng ở những vùng khó khăn về nước tưới; lên kế hoạch lắp đặt các trạm bơm dã chiến chống hạn. Các địa phương phối hợp công ty thủy lợi nhận nước, điều tiết nước nội đồng phù hợp, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn nước. Đồng thời, tiếp tục tập trung, huy động các nguồn lực để kiên cố hóa kênh mương nội đồng...”.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nuoc-tuoi-vu-he-thu-lo-vung-cuoi-kenh-cao-cuong-post288393.html