Ngọt, thơm cam lòng vàng trên đồng đất Phù Cừ

Bén duyên trên đồng đất xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) từ nhiều năm trước, đến nay, cây cam lòng vàng (hay còn gọi là cam Bố Hạ) được trồng tại nhiều địa phương trong huyện. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, cây cam lòng vàng còn góp phần đa dạng cơ cấu cây trồng ở địa phương.

Cam lòng vàng có trọng lượng lớn, khi chín có mẫu mã đẹp

Những ngày này đến xã Nguyên Hòa – “thủ phủ” của cây cam lòng vàng ở huyện Phù Cừ, đứng trên triền đê phóng tầm mắt nhìn xuống là bát ngát vườn cam quả chín vàng e ấp trong những tán lá xanh. Theo lời của các cụ cao niên trong xã, cam lòng vàng được trồng đầu tiên ở thôn Thị Giang khi ông Đặng Văn Quý mang giống cây từ Bố Hạ (Bắc Giang) về trồng cách đây hơn 20 năm. Cây cam hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển nhanh. Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, cho năng suất và cho chất lượng thơm ngon, ông Quý đã chiết ghép, nhân giống để bán cho người dân trong thôn, trong xã có nhu cầu.

Ông Đặng Văn Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã hiện nay có trên 30ha trồng cam lòng vàng, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Thị Giang và Sỹ Quý. Nhằm phát triển giống cam này, xã Nguyên Hòa đã tạo điều kiện hỗ trợ thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cam lòng vàng Nguyên Hòa, phối hợp ngành ngành chuyên môn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời xây dựng sản phẩm cam lòng vàng đạt OCOP 3 sao vào năm 2021. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho cây cam lòng vàng sinh trưởng và phát triển, năng suất và giá bán ổn định nên người nông dân rất phấn khởi.

Tất bật thu hoạch những quả cam chín mọng, anh Đặng Thành Nhơn ở thôn Thị Giang cho biết: Gia đình tôi có 5 mẫu cam lòng vàng. Để cây phát triển tốt, tôi áp dụng trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tạo ra những sản phẩm cam có chất lượng nên dễ tiêu thụ. Từ đầu tháng 11, thương lái từ Hải Phòng, Quảng Ninh… đã đến ký hợp đồng thu mua tại vườn với giá trung bình 12.000 – 15.000 đồng/kg.

Từ đồng đất xã Nguyên Hòa, đến nay, cây cam lòng vàng đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong huyện. Nhờ cây cam, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Cách đây 8 năm, chị Trần Thị Bích Quyên ở thôn Hoàng Xá, xã Tiên Tiến chuyển đổi 3 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng giống cam này. Sau 3 năm, đã cho thu hoạch và sau 5 năm cho thu hoạch ổn định với năng suất đạt 1,2 – 1,5 tấn/sào, trừ chi phí mang lại thu nhập trên 12 triệu đồng/sào. Chị Quyên cho biết: Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy cam Bố Hạ đem lại hiệu quả kinh tế khá, dễ chăm sóc nên đến xã Nguyên Hòa để tìm mua những cây giống tốt để trồng. Loại quả này được nhiều người ưa chuộng nên tiêu thụ thuận lợi.

Hiện nay, toàn huyện Phù Cừ có khoảng 495 ha trồng cây có múi (cam, bưởi). Cây cam được trồng nhiều ở các xã phía Nam của huyện như: Nguyên Hòa, Tam Đa, Tiên Tiến. Tổng sản lượng cam toàn huyện năm 2022 ước đạt 2.500 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2021, chủ yếu tăng sản lượng cam lòng vàng.

Theo các hộ dân, giống cam này thường chín rộ vào tháng 11 - 12 âm lịch. Khi chín quả có màu vàng, cùi dày, da hơi sần. Tùy theo sự chăm bón và mức độ lâu năm của cây mà mỗi vụ, một cây cam có thể cho từ 50 đến 200 quả, trọng lượng mỗi quả từ 400g đến trên 1kg. Sự hấp dẫn của loại cam này là mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, tép to mọng nước, ruột vàng đỏ, hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Đặc biệt, quả cam khi chín có thể bảo quản trong điều kiện thời tiết bình thường được 3 – 5 tháng mà vẫn giữ nguyên được hương vị, chất dinh dưỡng.

Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cừ cho biết: Với điều kiện thuận lợi là có quỹ đất rộng, đất đai màu mỡ, cây cam lòng vàng đã mở ra hướng phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ nông dân tại các địa phương trong huyện. Nhằm khuyến khích nông dân phát triển cây cam và cây có múi nói chung, huyện tập trung hỗ trợ thành lập mô hình hợp tác kiểu mới; hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ địa phương nâng tầm thương hiệu cam bằng xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm đưa sản phẩm đến với rộng rãi người tiêu dùng…

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/202211/ngot-thom-cam-long-vang-tren-dong-dat-phu-cu-8274aa5/