Ngư dân Đà Nẵng vào mùa ốc lể
Cứ vào tháng Giêng âm lịch mỗi năm, ngư dân Đà Nẵng lại đổ xô ra biển để cào ốc lể (hay còn gọi là ốc gạo, ốc ruốc). Loại ốc tuy nhỏ nhưng lại giúp họ có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Ốc lể được coi là thứ quà quý từ biển cả ban tặng cho ngư dân ở các vùng ven biển miền Trung, trong đó có Đà Nẵng. Mỗi năm, từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, là khoảng thời gian ốc lể xuất hiện nhiều nhất. Trong khoảng thời gian này, nghề cào ốc lể trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình ven biển.
Từ tờ mờ sáng, đã có nhiều ngư dân tập trung tại các bờ biển, mang theo dụng cụ cần thiết để cào ốc. Theo chia sẻ của họ, công việc thường bắt đầu vào khoảng 4, 5 giờ sáng có khi sớm hơn, tùy lúc thủy triều xuống vì thời điểm này giúp cho việc cào ốc trở nên dễ dàng hơn.
Dụng cụ cào ốc rất đơn giản, chỉ cần một cây sào dài hơn 2m làm từ tre hoặc gỗ, được gắn với lưỡi cào bằng sắt và một tấm lưới ở phía dưới. Người dân cũng mang theo một chiếc thùng nhựa, hoặc bao bố to để chứa ốc sau khi cào lên.
Việc khai thác loại ốc này nhiều người tưởng dễ, nhưng thật ra lại khó hơn tưởng tượng. Người cào ốc thường đứng ngược lại với hướng sóng, sử dụng một cây sào nặng khoảng 10 kg để rà cào dưới đáy biển, giúp ốc bám vào cây sào. Khi cảm thấy cây sào nặng hơn thông thường, họ sẽ nhấc lên và kéo lưới ra khỏi cát để lấy ốc.
Công việc này đòi hỏi sức khỏe thật tốt và dẻo dai để chịu đựng được điều kiện lạnh lẽo của biển cả, đối mặt với nắng gắt, những đợt sóng lớn đột ngột, cực nhất là phải và phải ngâm mình dưới nước trong thời gian dài. Vì vậy, người lao động cần phải có sức khỏe tốt mới làm được công việc này.
Người đã có thâm niên trong nghề hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Mai (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) nói: “Cào ốc lễ đâu phải tưởng dễ ăn. Khuya 1,2 giờ sáng đã dậy đi cào ốc rồi, mỗi lần cào là phải vác cây sào gần chục ký lội ra xa bờ thì mới cào được ốc to chất lượng. Đến giữa trưa trời thì nắng nóng, còn nước thì lạnh nên phải người có sức khỏe lắm mới chịu được, vì toàn ngâm mình dưới nước suốt ngày. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên mình phải chấp nhận thôi”.
Sau khi được ốc vớt lên bờ, người dân phân loại ốc thành các loại lớn và nhỏ, sau đó ngâm chúng trong nước để làm sạch cát. Để đảm bảo ốc luôn tươi ngon, mỗi giờ đều có thương lái đến vận chuyển đến các điểm bán hàng. Tùy theo kích cỡ mà giá ốc sẽ khác nhau.
Không giống như bán các loại ốc khác bán cân theo từng ký, ở đây các ngư dân sẽ tính theo bằng lon. Ốc lể loại nhỏ loại có giá 20.000 đồng mỗi lon. Còn loại lớn vì thường được người mua ưa chuộng hơn, nên chúng cũng có giá cao hơn, thường khoảng 30.000 đồng mỗi lon.
Đang đong lon bán ốc cho tiểu thương, Anh Lê Văn Thông (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Hôm nay khá là trúng mánh, tôi cào được hơn 25 lon rồi. Vì hôm nay ốc to, tôi bán cho thương lái giá 30.000 đồng/lon, vị chi cũng kiếm gần triệu rồi. Bán xong mẻ này tôi tính cào thêm đến chiều để kiếm ít nữa”.
Một tiểu thương đến mua sỉ ốc lể cho hay, mỗi mùa ốc lể thì người dân có thể kiếm được từ vài chục triệu đồng là chuyện bình thường, thậm chí là trăm triệu đồng. Cũng nhờ mấy tháng mùa ốc này, mà người dân làng chài có thêm thu nhập cũng đỡ đi phần nào.
Món ốc lể chế biến khá đơn giản nhưng lại khiến nhiều người Đà Nẵng mê tít. Sau khi được luộc chín thì đem trộn lại với các loại gia vị như muối, mắm, bột ngọt, ớt, gừng... để tạo ra hương vị đặc trưng, sau đó là có thể thưởng thức được ngay. Thường thì người ta sử dụng gai của cây chanh để lể ốc.
Từ bao đời nay, ốc lể đã trở thành thứ “lộc trời cho” đáng kể cho hàng trăm ngư dân ở Đà Nẵng. Mặc dù bé tí nhưng thịt của ốc lể lại mang hương vị đặc trưng, khi chế biến với gia vị lại trở nên mằn mặn, béo béo, làm cho nó trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ngu-dan-da-nang-vao-mua-oc-le-420323.html