Ngư dân đón 'lộc biển' đầu năm

Sau những ngày vui tết đón xuân, những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân các địa phương trong tỉnh đồng loạt ra khơi 'mở biển'. Nhiều tàu thuyền của ngư dân trở về bờ sau thời gian đánh bắt trên biển với những khoang tàu đầy ắp các loại cá cơm, nục, ngừ… Bình quân mỗi tàu sau một đêm ra khơi thu về hàng chục triệu đồng. Được 'lộc biển' ngay từ những ngày đầu năm Canh Tý là nguồn khích lệ giúp ngư dân tích cực vươn khơi bám biển.

 Được mùa cá cơm. Ảnh: LA

Được mùa cá cơm. Ảnh: LA

Có mặt tại khu vực bến cá tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những tàu cá nối đuôi nhau cập bờ, những ngư dân đang hối hả vận chuyển những mẻ cá cơm tươi rói vào bờ để bán cho thương lái. Theo nhiều ngư dân ở đây thì năm nay mùa cá cơm đến sớm hơn mọi năm, các luồng cá xuất hiện nhiều nên ngư dân tranh thủ đánh bắt cả ngày lẫn đêm.

Trao đổi với chúng tôi khi vừa cập bến sau một đêm ra khơi đánh bắt, ngư dân Hoàng Thu, thuyền trưởng tàu cá QT 91011TS ở tại thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt cho biết, anh và các bạn thuyền trên tàu bắt đầu ra khơi “mở biển” từ ngày mùng 9 tháng Giêng (tức ngày 2/2/2020). Những ngày qua đội tàu của ngư dân trong xã liên tục trúng đậm cá cơm. Bình quân một đêm mỗi tàu đánh bắt được từ 1,5 - 3 tấn cá cơm, riêng tàu của anh từ ngày mùng 9 đến nay đã đánh bắt được trên 15 tấn. Với giá bán cho thương lái ngay tại bến từ 14.000 - 18.000 đồng/kg, ước tính sau một ngày đi biển mỗi tàu thu từ 35 - 45 triệu đồng.

Cách đó không xa, vừa tất bật cùng với bạn thuyền chuyển những khay cá nặng trĩu lên bờ, ngư dân Nguyễn Chiến, thuyền trưởng tàu cá QT 90099TS vừa hồ hởi cho biết mấy ngày nay rất nhiều tàu trúng đậm cá cơm. Chỉ cần ra đến ngư trường đảo Cồn Cỏ, nhiều tàu cá đã gặp được luồng cá cơm lớn. Thời tiết tương đối thuận lợi nên việc đánh bắt cũng dễ dàng. Đối với tàu cá của anh, bắt đầu ra khơi từ ngày mùng 10 tháng Giêng, mấy ngày nay chuyến nào ít thì đánh bắt được từ 1,5 - 2 tấn cá cơm, chuyến nào nhiều thì đánh bắt được từ 3 - 4 tấn, đạt doanh thu từ 30 - 60 triệu đồng, trừ chi phí mỗi bạn thuyền có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng một đêm nên anh em rất phấn khởi.

Theo thống kê của UBND xã Gio Việt, từ sau tết đến nay, riêng đội tàu của xã với hơn 40 chiếc tàu cá trung và xa bờ đã đánh bắt được hơn 350 tấn cá cơm, giá trị hàng tỉ đồng trong những chuyến ra khơi đầu xuân. Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Trần Thanh Hải cho biết, khác với mọi năm, năm nay do ảnh hưởng của không khí lạnh, biển động mạnh nên đến ngày mùng 8 tháng Giêng, ngư dân trên địa bàn xã mới đồng loại ra khơi “mở biển”. Theo kinh nghiệm của ngư dân, đầu năm mới cũng là thời gian vào vụ khai thác cá cơm, đặc biệt là cá cơm than (hay còn gọi là cá cơm sọc đen) phù hợp để hấp sấy, phơi khô hoặc làm nước mắm truyền thống. Điều may mắn là năm nay cá cơm xuất hiện sớm và khá dày đặc ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, ngư trường đánh bắt gần, chỉ trong vòng khoảng 20 - 25 hải lí nên nhiều tàu cá đánh bắt tới 2 chuyến trong một đêm, thu về từ 1,5 - 3 tấn cá cơm mỗi chuyến biển.

Theo ông Hải, bị ảnh hưởng do dịch nCoV làm sản phẩm cá cơm khô xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải tạm dừng, dẫn đến giá thu mua cá cơm có giảm đôi chút. Tuy nhiên, với giá mỗi cân cá cơm bán cho thương lái ngay tại bến từ 14.000 - 18.000 đồng tùy theo chất lượng cá thì bình quân mỗi tàu từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến nay cũng đạt doanh thu trên dưới 200 triệu đồng. “Những ngày qua, hầu hết các tàu đều đi đánh bắt liên tục cả ngày lẫn đêm. Tàu nào bán cá xong là lại vội vã bốc thêm đá lạnh, dầu và các vật dụng cần thiết để tiếp tục ra khơi. Ngư dân có quan niệm là chuyến ra khơi đầu năm nếu thuận buồm xuôi gió thì cả năm sẽ gặp may mắn. Với những chuyến “mở biển” đầu năm thuận lợi như thế này hi vọng là năm nay sẽ tiếp tục là một năm thắng lợi của ngư dân trong xã”, ông Hải chia sẻ.

Huyện Gio Linh là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh với 939 tàu thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ, tổng công suất 78.914 CV, trong đó có 169 tàu xa bờ. Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán đến nay ngư dân đã đánh bắt được hơn 1.130 tấn hải sản các loại, trong đó đa phần là cá cơm. Có những tàu cá đạt doanh thu đến từ 200 - 300 triệu đồng. Đây là tín hiệu vui đối với nghề đánh bắt thủy sản của huyện Gio Linh nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Để hỗ trợ ngư dân, UBND huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, tăng năng lực đánh bắt của tàu xa bờ; mua sắm thêm ngư lưới cụ và các phương tiện phục vụ đánh bắt, thông tin liên lạc. Chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển; bám sát ngư trường, phát hiện ngư trường mới, tranh thủ thời tiết thuận lợi để tập trung đánh bắt. “Với ngư dân vùng biển, việc trúng đậm “lộc biển” ngay từ đầu năm là một tín hiệu khởi đầu đáng mừng, hứa hẹn một năm đánh bắt thắng lợi, bội thu. Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian tới huyện Gio Linh sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ trong việc xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân về các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới trong khai thác và bảo quản sản phẩm để tăng năng suất, hiệu quả và nâng cao giá trị các sản phẩm khai thác. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhãn mác đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực theo hướng đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho ngư dân”, ông Quảng khẳng định.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146008