Ngư dân gặp khó khi vươn khơi do cửa biển bị bồi lấp
Tình trạng cửa biển bị bồi lấp ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của ngư dân. Chính quyền địa phương đã vào cuộc hỗ trợ nhưng vẫn chưa thực hiện được phương án tối ưu nhất.
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống có mặt tại khu vực cửa biển Lý Hòa (giáp ranh giữa xã Đức Trạch và xã Hải phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ghi nhận tình trạng cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân.
Khoảng 15h, khi mực nước tại cửa biển Lý Hòa dâng cao, ông Trần Đình Cu (SN 1955, thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cùng một số ngư dân tất bật đưa thuyền nan của mình từ sông ra bờ biển neo đậu vì lo lắng việc triều rút, cửa sông cạn không thể đưa thuyền ra khơi đúng giờ.
"Bọn tôi thường đi đánh bắt mực với cá vào lúc 2h sáng. Trước đây thì đậu ở sâu trong sông rồi đến giờ là lên thuyền đi. Giờ cửa biển bị bồi lấp, nên tranh thủ lúc triều lên cao là đưa ngay thuyền ra đậu ở bờ biển trước rồi ngồi canh kẻo sóng đánh chìm. Không đưa ra bờ biển trước, lỡ gần đến giờ đi đánh bắt mà nước rút, mắc cạn là không ra biển được", ngư dân Trần Đình Cu cho biết.
Đã có nhiều lần ông Cu cùng các ngư dân phát hiện luồng hải sản đang di chuyển muốn nhanh chóng ra đánh bắt nhưng do thủy triều rút, nước tại cửa biển xuống thấp, thuyền nan không thể ra biển nên lỡ mất thời điểm "vàng" để đánh bắt.
"Thấy cá, mực bơi ngoài đó muốn ra đánh bắt mà chịu. Triều mà rút mạnh là mực nước ở cửa biển còn khoảng 15cm nước, thuyền không thể vào ra. Có những lần lỡ mất luồng cá mà chúng tôi tiếc đứt ruột", ông Cu cho biết thêm.
Lẽ ra sau chuyến biển đêm cập bờ ngư dân có thể nhanh chóng vào bến, bãi để đưa hải sản lên bờ. Nhưng thật không may cho những thuyền vào bờ đúng lúc thủy triều xuống thấp, họ đành phải gọi người nhà ra sát bờ biển để vận chuyển hải sản vào rồi đợi thủy triều lên mới đưa thuyền vào bãi đậu.
Đã có một số chủ thuyền liều mình đưa thuyền vào lúc thủy triều xuống thì phải dùng sức đẩy qua, không dám nổ máy sợ hỏng chân vịt, rất nhiều thuyền đã bị mắc cạn khi cố gắng vượt qua chỗ cạn.
Sau những chuyến biển, những ngư dân mong muốn được nghỉ ngơi chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi khác. Nhưng khi đưa thuyền ra bờ biển neo đậu, chờ giờ đánh bắt, họ lại phải dành thời gian ngồi canh chừng những con sóng có thể "nuốt" thuyền bất cứ lúc nào.
"Trước đây sau chuyến biển là về ngủ hoặc là đi chơi cho thoải mái rồi đến giờ lại ra biển. Nay sợ nước cửa biển cạn cứ phải đưa thuyền ra bờ biển trước. Đậu ở bờ sông thì an toàn chứ neo đậu ở bờ biển là sợ sóng đánh hỏng, chìm thuyền nên phải ra canh. Đi biển về mệt mà còn phải đội nắng canh thuyền, vất vả lắm", ngư dân Hồ Văn Khai (SN 1956, trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết.
Bà Hồ Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết, toàn xã hiện có khoảng 500 tàu thuyền, trong đó thuyền nan, công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ là khoảng 260 chiếc, đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn có khoảng 230 chiếc. Cùng với đó, lượng lớn ngư dân ở xã Hải Phú ở mạn Bắc sông Lý Hòa cũng dùng chung cửa biển để ra khơi.
Nhưng do cửa biển Lý Hòa ngày càng bị bồi đắp, nắn dòng chảy nên tàu thuyền lớn không thể ra vào, ngư dân đành phải đưa tàu thuyền của mình vào neo đậu tại các cảng cá khác trong tỉnh, thậm chí là các địa phương lân cận như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...
Tình trạng cửa biển Lý Hòa bị bồi lấp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của ngư dân địa phương. Theo bà Hoa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai. Tuy nhiên, việc người dân các xã nằm ở thượng nguồn sông Lý Hòa tự ý ngăn dòng chảy để nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông, cửa biển.
"Theo nguyện vọng của ngư dân muốn nạo vét, khơi thông cửa biển, UBND xã cũng kiến nghị tới các cấp, các ngành. Vừa rồi có nguồn kinh phí do UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt dự án nạo vét với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng, triển khai từ tháng 5/2022. Do đặc điểm của khu vực biển này, khoảng vài tháng sau cửa biển lại bị bồi lấp lại", bà Hoa thông tin.
Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, Hồ Thị Hoa cho rằng muốn chấm dứt tình trạng nạo vét xong lại bị bồi lấp cần xây dựng kè chắn ở khu vực cửa biển với nguồn kinh phí rất lớn. Phía địa phương đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Quảng Bình trình cấp trên xin kinh phí xây dựng kè chắn sóng, chắn cát.