Ngư dân Hà Nội được mùa bội thu nhờ 'lộc trời' sông Hồng

Vào những ngày tháng 4, tháng 5, một số làng chài ven sông Hồng lại tất bật săn 'lộc trời ban', là loài côn trùng có tên vật vờ. Loài này được coi là sản vật của sông Hồng.

Vờ là một loại côn trùng thuộc bộ phù du có tuổi đời rất ngắn. Khi trưởng thành con vờ có thể to bằng con châu chấu nhưng trắng muốt, cánh mỏng tang, bay vật vờ ở mặt nước. Loài này thường chỉ xuất hiện 3-4 lần trong năm tại sông Hồng.

Con vật vờ thường chỉ xuất hiện 3-4 lần trong năm tại sông Hồng.

Vờ thường sẽ xuất hiện khi thời tiết thay đổi, nhất là khi đang nóng ẩm mà đổ mưa. Theo quy luật, nếu ngày đầu tiên trong năm vờ nổi lên thì 7 ngày sau sẽ có tiếp.

Thức dậy từ 4 giờ sáng, anh Đào Khắc Sỹ (phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) và nhiều người đã ra sông Hồng để vớt con vật vờ.

Anh Sỹ cho biết, không phải hôm nào vờ cũng nổi lên mặt nước nên muốn bắt vờ cũng phải “xem ngày tính tháng” để canh ngày vờ lên. Thường phải rất tinh ý mới có thể canh đúng vào ngày vờ lên lột xác bởi cả tháng chúng chỉ lên có 1-2 lần.

“Tổ vờ ở dưới đất, tầm 4-5 giờ sáng vờ bắt đầu ra. Chúng chỉ ngoi lên mặt nước trong vài giờ để lột xác, đẻ trứng rồi chết. Xác của chúng theo dòng nước trôi đi nên nếu đi muộn sẽ không còn con nào để vớt. Hơn nữa, loài này không phải hôm nào cũng xuất hiện” - anh Sỹ nói.

Phải rất tinh ý mới có thể canh đúng vào ngày vờ lên lột xác.

Vì thời gian xuất hiện chỉ khoảng 10-15 phút là vờ bay trắng mặt sông nên phải chạy thuyền nhanh mới kịp đánh bắt. Để thu hoạch được nhiều và nhanh hơn, hầu hết ngư dân đều dùng thuyền có gắn máy và trang bị thêm phễu lưới.

“Trước kia, hầu hết người dân chỉ đánh bắt thô sơ nhưng những năm trở lại đây, giá mỗi cân vờ tăng cao, hơn nữa, năm nay vờ xuất hiện thành nhiều đợt, kéo dài đến tận cuối tháng 4, đầu tháng 5, số lượng cũng nhiều hơn các năm trước nên tôi phải sắm sửa máy móc để đi săn vờ” - anh Sỹ chia sẻ.

Năm nay vờ xuất hiện thành nhiều đợt, kéo dài đến tận cuối tháng 4, đầu tháng 5, số lượng cũng nhiều hơn các năm trước.

Tương tự, gia đình anh Hoàng Mạnh (Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, cả gia đình anh phải thay phiên nhau canh để khi vờ nổi lên là lập tức vào việc thu hoạch.

“Trước đêm đi săn vờ là cả gia đình ráo riết đi chuẩn bị đồ đạc cho ngày hôm sau để đảm bảo việc thu hoạch được diễn ra mượt mà nhất, chứ lỡ việc là chẳng còn gì để vớt nữa” - anh Mạnh cho biết.

Được biết, vào những ngày cao điểm, mỗi gia đình đánh bắt được khoảng 30-40kg vật vờ. Giá từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg, một số người dân làng chài có thể kiếm được cả chục triệu đồng nhờ vớt loại côn trùng này.

Anh Mạnh nói: “Mọi năm, vờ xuất hiện sớm hơn nhưng năm nay vật vờ có muộn, anh em ngư dân cứ nghĩ năm nay mất mùa nhưng đến đầu tháng 5, vật vờ lại xuất hiện nhiều vô kể. Mỗi đợt tôi đi vớt được 30-40kg, lên bờ đến đâu là có người mua đến đó”.

Người dân sau khi đánh bắt được con vật vờ sẽ rửa sạch, loại bỏ những phần xác mềm của chúng.

Sau khi đánh bắt xong, người dân mang những mẹt vờ ra sông đãi loại bỏ phần xác mềm sau khi lột. Sau đó, vật vờ được đem lên bờ và bán cho các tiểu thương.

Sau một đêm chờ đợi, chị Trần Ngọc (Long Biên, Hà Nội) vui vẻ bê những rổ vờ vừa làm sạch lên bờ. Khách hàng của chị hầu hết là người quen hoặc người sành ăn, vờ lên bờ tới đâu bán hết tới đó.

“Chỉ cần có thể đánh bắt được vờ thì bao nhiêu cũng bán hết được, nhiều người còn đặt trước gia đình tôi cả tháng. Tôi cũng chỉ bán một phần còn một phần mang cấp đông để ăn quanh năm vì loài này không phải lúc nào cũng có” - chị Ngọc cho hay.

Vờ có thể chế biến thành nhiều món như: vờ chiên lá mắc mật, nộm vờ, vờ xào, lẩu vờ riêu cua, vờ nấu chua… nhưng đặc biệt hơn cả là món vờ nấu cá ngạnh, chả vờ.

Bài và ảnh: Quỳnh Anhư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngu-dan-ha-noi-duoc-mua-boi-thu-nho-loc-troi-song-hong-post194809.html