Ngư dân Huế 'xông biển' đầu năm, đoàn kết vươn khơi, bảo vệ lãnh hải Tổ quốc
Từ những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, hàng trăm tàu cá của ngư dân ở các địa phương ven biển TP Huế đã đồng loạt xuất quân đánh cá vụ Nam. Với quyết tâm đoàn kết, nỗ lực bám biển để bảo vệ ngư trường của Tổ quốc, các ngư dân hy vọng chuyến 'xông biển' đầu năm sẽ gặp nhiều may mắn, trúng đậm lộc biển, cá tôm đầy khoang.
Sau tiếng trống rộn rã báo hiệu lễ xuất quân bắt đầu, hàng chục tàu cá công suất lớn của ngư dân ở phường Thuận An (quận Thuận Hóa, TP Huế) cùng nổ máy ra khơi. Trước lễ xuất quân, bà con ngư dân đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực, nước ngọt, đá cây để phục vụ cho chuyến đi biển kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Ngư dân Nguyễn Văn Hiền (ở phường Thuận An) cho biết, ngoài chuẩn bị ngư lưới cụ và những vật dụng thiết yếu, trước lễ xuất quân, các ngư dân đều thay mới lá cờ Tổ quốc và cắm ở nơi cao nhất trên nóc tàu cá.
“Sau hàng chục năm bám biển, trong năm 2024 vừa qua, gia đình tôi đã đầu tư để cải hoán, nâng công suất chiếc tàu cá vỏ gỗ này lên hơn 700CV. Tàu lớn, máy mạnh và có thêm nhiều bạn tàu hỗ trợ, giúp đỡ nhau nên việc bám biển đánh bắt hải sản thuận lợi hơn trước rất nhiều. Vì thế trong chuyến ra khơi mở cửa biển đầu năm mới này, chúng tôi hy vọng sẽ đánh bắt thật nhiều tôm cá”, ông Hiền bày tỏ hy vọng.
Cũng như ngư dân Nguyễn Văn Hiền, nhiều ngư dân ở phường Thuận An cho tàu vươn khơi vào ngày đầu năm với ước vọng một năm đi biển thuận lợi, an toàn và sản lượng đánh bắt hải sản cao hơn năm trước. Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An cho biết, địa phương hiện có số lượng tàu, thuyền và lao động đi biển lớn nhất ở TP Huế. Vụ cá năm nay, có 385 tàu, thuyền ra khơi đánh bắt hải sản vào những ngày đầu năm mới. Nhờ nỗ lực của ngư dân nên những năm qua, lĩnh vực kinh tế biển ở Thuận An có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện các tàu cá của ngư dân đều được trang thiết bị hiện đại như máy bộ đàm, máy định vị hàng hải, máy dò cá. Nhờ vậy nên sản lượng khai thác hải sản trong năm 2024 của ngư dân Thuận An đạt 14.500 tấn. Cùng với hoạt động khai thác, bà con ngư dân đã chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản và bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.
Cùng với ngư dân ở phường Thuận An, vào những ngày đầu xuân Ất Tỵ, ngư dân ở các phường, xã ven biển của TP Huế như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang); Lộc Trì (huyện Phú Lộc); Phong Phú, Phong Thạnh (thị xã Phong Điền) cũng đã ra khơi xông biển đánh bắt hải sản đầu năm. Đặc biệt, tại các xã bãi ngang, từ ngày mùng 3 Tết Ất Tỵ, ngư dân đã có những chuyến ra khơi trúng đậm lộc biển. Tại làng biển Mỹ Khánh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, TP Huế), chuyến đi biển gần bờ của ngư dân thường bắt đầu từ 4h sáng và kéo dài đến 10h cùng ngày. Do thời tiết thuận lợi nên chỉ sau ít giờ đồng hồ, thuyền của ngư dân cập bến với các loại hải sản như cá khoai, ghẹ, tôm. Với giá bán hải sản tăng cao vào dịp đầu năm, trong đó cá khoai có giá bán 250 nghìn đồng/kg đã giúp nhiều ngư dân kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Theo Chi cục Thủy sản TP Huế, hiện toàn thành phố có hơn 2.000 tàu, thuyền lớn nhỏ đánh bắt thủy, hải sản trên biển và đầm phá, trong đó có gần 500 tàu cá công suất lớn chuyên hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa và các ngư trường lớn của Tổ quốc. Năm 2024, tổng sản lượng đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân TP Huế đạt 62.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác trên 42.000 tấn.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, ngoài nỗ lực bám biển của ngư dân, thành phố đã yêu cầu chính quyền các địa phương và Chi cục Thủy sản cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền đến ngư dân, các chủ tàu cá để thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, không tham gia đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài để chung sức gỡ “thẻ vàng” IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Bên cạnh đó, kêu gọi toàn thể bà con ngư dân tích cực ra khơi bám biển, bám ngư trường, tập trung đầu tư nâng cao năng lực khai thác xa bờ và đánh bắt có hiệu quả để đạt năng suất, sản lượng cao nhất. Từ đó khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản và bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, giải quyết việc làm cho ngư dân và người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương vùng ven biển của TP Huế.
Thành phố Huế đưa vào hoạt động cảng cá hơn 220 tỷ đồng
Ngày 11/2, Văn phòng UBND TP Huế cho biết, thành phố vừa ban hành quyết định công bố mở cảng cá loại II đối với cảng cá Thuận An (đóng ở phường Thuận An, quận Thuận Hóa, TP Huế).
Dự án xây dựng cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão có tổng kinh phí hơn 220 tỷ đồng với các hạng mục chính gồm bến cập tàu, đường giao thông, đê chắn sóng, hệ thống phao neo, nhà điều hành, nhà phân loại cá, khu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước ngọt, xử lý nước thải, nạo vét khu neo đậu, luồng chạy tàu. Cảng cá Thuận An có bến cập tàu thứ hai với chiều dài cầu cảng 370m, độ sâu của luồng – 3,4m, chiều rộng luồng 60m; độ sâu vùng nước đậu tàu và vùng nước trước cầu cảng - 2,6m; tổng diện tích vùng đất cảng rộng 5,47 ha; tổng diện tích vùng nước trước cầu cảng hơn 13 ha. Cảng cá Thuận An có năng lực bốc dỡ hàng hóa tối thiểu 20.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cùng lúc cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên.
Việc cảng cá Thuận An chính thức đi vào hoạt động góp phần tạo đà phát triển cho ngành khai thác, chế biến hải sản của TP Huế và là cơ sở hậu cần nghề cá lớn ở khu vực miền Trung phục vụ tàu thuyền các tỉnh, thành lân cận. Ngoài ra, cảng cá này còn đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Ủy ban châu Âu (EC) về quản lý cảng cá, góp phần chung trong nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU.