Ngư dân Indonesia vớt được thiết bị nghi là UUV của Trung Quốc

Đây không phải là lần đầu tiên một UUV Sea Wing được tìm thấy ở vùng biển Indonesia.

Ngư dân Indonesia và thiết bị nghi là UUV Sea Wing.

Trang The Drive của Mỹ đưa tin, một ngư dân Indonesia gần đây đã vô tình vớt được một loại phương tiện quân sự, có vẻ là thiết bị không người lái dưới nước của Trung Quốc. Ít nhất hai phương tiện ngầm không người lái kiểu tàu lượn có kích thước và ngoại hình giống hệt nhau đã được tìm thấy ở vùng biển Indonesia trong hai năm qua.

Theo The Drive, điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu quân đội Trung Quốc có đang bí mật tiến hành các cuộc khảo sát dưới nước đối với các tuyến đường giữa Biển Đông và Ấn Độ Dương để có được các thông tin có thể đặc biệt hữu ích cho các tàu ngầm của họ di chuyển qua các khu vực này khi cơ động ở trạng thái lặn.

Người ngư dân có tên Saeruddin được cho là đã vớt được thiết bị không người lái Trung Quốc nói trên vào ngày 20 tháng 12 năm 2020, gần q Selayar, một quần đảo thuộc tỉnh Nam Sulawesi, ở miền trung của quốc gia vạn. Sau đó, anh ta đã giao nó cho cảnh sát địa phương và cuối cùng thiết bị đã được chuyển giao cho quân đội Indonesia.

Một báo cáo từ trang web detikNews của Indonesia cho biết thiết bị không người lái, có vẻ như có gắn một loại mảng cảm biến nào đó ở mũi của nó, chỉ dài dưới 7,4 feet (2,2 mét), không tính những gì có vẻ là ăng-ten dài hoặc cảm biến kéo dài từ chóp đuôi.

Hình ảnh về phương tiện không người lái dưới đáy biển (UUV) cho thấy nó có thân hình giống như một quả ngư lôi với một đôi cánh hướng vào tâm và đuôi thẳng đứng.

Cận cảnh thiết bị được cho là UUV Sea Wing của Trung Quốc.

Người dùng Twitter có tên @Jatosint là một trong những người đầu tiên ghi nhận những điểm tương đồng thiết bị UUV này với UUV Sea Wing, một thiết kế được phát triển và sản xuất bởi Viện Tự động hóa Thẩm Dương của Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và nó đã được đưa vào sử dụng năm 2014.

Một UUV kiểu tàu lượn đại dương, Sea Wing di chuyển về phía trước trong nước, được hỗ trợ bởi cánh và đuôi, bằng cách liên tục lặn và sau đó lại nổi lên. UUV này thực hiện các thao tác lặn và nổ hoạt động một hệ thống bên trong, về cơ bản là một quả bóng bay giãn ra và co lại khi dầu có áp suất được kích hoạt di chuyển vào và ra, làm thay đổi sức nổi của UUV.

Trung Quốc đã có những tuyên bố không rõ ràng trong quá khứ về UUV Sea Wing. Trung Quốc từng cho rằng UUV này có thể duy trì ở biển trong hơn 30 ngày và có thể lặn xuống độ sâu gần bốn dặm bên dưới bề mặt.

CAS công khai sử dụng UUV Sea Wing cho nghiên cứu hải dương học với các cảm biến có khả năng đo lường những thứ như cường độ, hướng của dòng chảy, nhiệt độ nước, mức oxy và độ mặn. Đây là những nhiệm vụ phổ biến đối với các loại UUV này đang được sử dụng trên khắp thế giới, kể cả các lực lượng quân sự.

UUV Sea Wing của Trung Quốc.

Vào tháng 12 năm 2019, tàu khảo sát Xiangyanghong 06 của Trung Quốc đã phóng 12 UUV kiểu này xuống vùng biển ở Đông Ấn Độ Dương. CAS cho biết nhóm UUV cuối cùng đã đi hơn 12.000 km.

Các nhà chức trách Trung Quốc không báo cáo về bất kỳ thiết bị UUV nào bị mất tích, nhưng đáng chú ý là các báo cáo ban đầu cho biết 14 trong số các UUV, thay vì 12, đã được triển khai. Đồng thời, không rõ liệu các dòng chảy hiện hành có thể mang một chiếc UUV Sea Wing bị vô hiệu hóa đến vùng biển ngoài khơi Quần đảo Selayar hay không.

Đây không phải là lần đầu tiên một UUV Sea Wing được tìm thấy ở vùng biển Indonesia. Vào tháng Giêng, một chiếc UUV loại này cũng đã được trục vớt gần quần đảo Masalembu, khoảng 400 dặm về phía tây của quần đảo Selayar.

Vào tháng 3 năm 2019, một chiếc UUV khác được tìm thấy ở vùng biển xung quanh quần đảo Riau thậm chí xa hơn về phía tây bắc. Ba nhóm đảo này nằm trong các vùng nước tạo thành các bộ phận quan trọng của nhiều tuyến hàng hải kéo dài giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông.

Hòa Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngu-dan-indonesia-vot-duoc-thiet-bi-quan-su-nghi-la-uuv-cua-trung-quoc-d490881.html