Ngư dân khóc ròng vì thương lái Trung Quốc không mua mực

Hàng trăm tấn mực nằm chờ thương lái, ngư dân điêu đứng chờ ngày vươn khơi.

Những ngày qua, ngư dân xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) như ngồi trên lửa. Hàng trăm tấn mực sau chuyến đánh bắt ứ đọng không tìm được đầu ra.

Hai tháng lênh đênh trên biển, niềm vui cho chuyến vươn khơi thắng lợi chưa nếm trải trọn vẹn thì nỗi lo ập đến. Hàng ngàn ngư dân hành nghề mực khơi đang đau đáu nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm đánh bắt, tàu thuyền phải đậu phơi nắng ở bến chưa biết khi nào mới quay trở lại với biển khơi.

Ngư dân mỏi mắt chờ thương lái

Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang), lẽ ra tấp nập kẻ bán người mua. Trái lại, không bóng dáng một thương lái, lưa thưa vài ngư dân chia nhau trông tàu. Sản phẩm đánh bắt được vẫn nằm im lìm ngăn nắp dưới hầm chờ đợi thương lái.

"Mỗi chuyến vươn khơi sẽ là một hành trình cảm xúc. Vui có, buồn có, lo lắng cũng có. Vui là khi chuyến đi thắng lợi, buồn là khi thất thu. Còn lo lắng là giá cả. Nhưng lần này thì khác, niềm vui chưa trọn vẹn sau một chuyến biển “trúng mánh” thì tất cả đều ôm chung một nỗi lo tìm người mua sản phẩm", -ngư dân Nguyễn Tuấn buồn nói.

Tàu nằm xếp lớp chờ bán mực để tiếp tục vươn khơi. Ảnh THANH NHẬT

Tàu nằm xếp lớp chờ bán mực để tiếp tục vươn khơi. Ảnh THANH NHẬT

Theo một số ngư dân có mặt tại cảng, chuyện mực được mùa, mất giá diễn ra khá thường xuyên. Năm nay, giá mực khoảng 130 triệu/tấn, giá thấp hơn những năm trước.

“Nhiều năm hành nghề, đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng mực ế ẩm, không có thương lái thu mua”, ông Phan Bá Linh (50 tuổi, ngụ thông Đông Xuân, xã Tam Giang) – chủ tàu QNa 90037 cho hay.

Theo ông Linh, mọi khi tàu cập bến là có thương lái đến mua ngay, nhưng lần này không thấy ai hỏi han gì. Ngư dân ở đây đều trông chờ bán hết mực sẽ tiếp tục đi chuyến khác nhưng vẫn cứ chờ mà chưa rõ đến khi nào.

“Hơn hai tháng đi biển, 40 ngư dân chúng tôi đánh bắt được khoảng 23 tấn mực (gần 3 tỉ). Tàu cập bến được nửa tháng rồi mà không ai hỏi mua khiến chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi rất mong tìm cách giải quyết để có thể bán hết sản phẩm và tiếp tục vươn khơi bám biển trở lại”, ông Linh lo lắng.

Cũng tại cảng An Hòa, tàu của ông Lương Tới (44 tuổi, ngụ thông Đông Xuân) – một trong những tàu trúng nhiều mực nhất cũng rơi vào tình cảnh tương tự. 50 bạn biển với 52 tấn mực đang ứ đọng, câu trả lời “khi nào vươn khơi trở lại?” vẫn còn bỏ ngỏ.

Gương mặt lo lắng, ông Phạm Văn Côi (44 tuổi, ngụ thôn Đông Xuân) – bạn biển tàu ông Tới cho biết, chuyến vừa rồi may mắn câu được khoảng một tấn mực khô. Nếu thương lái thu mua như mọi khi thì thu nhập cũng kha khá.

“Nếu bán hết số mực chuyến này, trừ đi chi phí còn khoảng 70 triệu. Nhưng từ khi vào bờ đến giờ đã 10 ngày rồi mà không thấy ai đến mua. Chúng tôi rất lo lắng”, ông Côi rầu rĩ.

Đau đầu tìm đầu ra cho ngư dân

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, tình trạng mực không có thương lái thu mua mới xảy ra gần đây. Đối với sản phẩm mực tại địa phương, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Ngư dân Phan Bá Linh với 23 tấn mực khô không có thương lái tìm đến mua. Ảnh: THANH NHẬT.

Ngư dân Phan Bá Linh với 23 tấn mực khô không có thương lái tìm đến mua. Ảnh: THANH NHẬT.

Theo ông Thịnh, toàn huyện có khoảng 40 tàu hành nghề khai thác mực với khoảng 2.000 lao động. Sản lượng mục tiêu năm 2019 khoảng 10.000 tấn. Tuy nhiên, tình trạng mực ứ đọng không có thương lái thu mua như hiện nay khiến địa phương rơi vào thế bí.

“Bởi địa phương không có nhà máy chế biến sản phẩm này. Sản phẩm mực ứ đọng hiện nay chủ yếu là ngư dân khai thác tự do. Hiện địa phương đang khẩn trương tổng hợp số liệu cụ thể để báo cáo tỉnh tìm hướng giải quyết tháo gỡ vướng mắc cho bà con”, ông Thịnh nói.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, nghề khai thác mực là một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng mới đây phía Trung Quốc có những yêu cầu mới khiến ngư dân chưa chuẩn bị kịp.

“Trước đây sản phẩm chủ yếu đi theo con đường tiểu ngạch nhưng bây giờ phía Trung Quốc yêu cầu phải đi theo đường chính ngạch. Vì vậy mà các doanh nghiệp Trung Quốc đặt ra yêu cầu phải có đầu mối là DN phía Việt Nam thu mua, trong khi Quảng Nam lại chưa có đầu mối làm việc này”, ông Thanh nói.

Báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: hiện tại, tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNN làm văn bản báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương để hỗ trợ cho ngư dân Quảng Nam. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi một số DN tham gia thu mua sản phẩm xuất đi hỗ trợ ngư dân.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/ngu-dan-khoc-rong-vi-thuong-lai-trung-quoc-khong-mua-muc-841836.html