Ngư dân khốn khổ vì cảng cá bị bồi lắng triền miên
Luồng lạch ra, vào cảng cá Lạch Vạn và khu cảng cá Cửa Hội bị bồi lấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đánh bắt, neo đậu tàu cá của ngư dân.
Tàu cá mắc cạn
Cửa biển Lạch Vạn có nhiều bến bãi và khu neo đậu tàu thuyền, trong đó tập trung nhiều phương tiện tàu, thuyền tại các điểm bến cá ở các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Kim và Diễn Thành (H.Diễn Châu, Nghệ An). Đây là vùng đánh bắt hải sản nổi tiếng ở Nghệ An, nơi có hàng nghìn gia đình sống bằng nghề đi biển.
Thời gian gần đây, luồng lạch ra, vào cảng cá Lạch Vạn và khu neo đậu tránh bão bị tái bồi lấp nghiêm trọng, khiến tàu cá của ngư dân di chuyển khó khăn, thậm chí gặn nạn.
Việc bồi lấp diễn ra khoảng 15 năm trở lại đây và nghiêm trọng hơn trong vài năm nay. Những bãi cát kéo dài, rộng ở hai bên cửa lạch cứ lấn dần, khiến cửa biển ngày càng bó hẹp lại gây khó khăn cho các phương tiện tàu thuyền ra vào. Khi thủy triều lên đỉnh điểm, cửa biển Lạch Vạn rộng mênh mông. Tuy nhiên, khi thủy triều xuống thấp, cửa lạch chẳng khác gì một nhánh sông chạy giữa 2 triền cát, mực nước rất nông.
Ngư dân Phạm Văn Tuấn, chủ tàu có công suất 250CV ở xã Diễn Bích cho biết, cửa biển này trước đây rất rộng, khoảng 10 năm trở lại đây bắt đầu có dấu hiệu thu hẹp dần do bị cát biển dạt bồi lấp. Các tàu to, có công suất lớn, việc ra vào cửa lạch rất phức tạp, thường xuyên gặp sự cố mắc cạn.
"Việc ra vào cửa lạch rất khó khăn, cần có kinh nghiệm và phải nắm rõ lịch thủy triều để điều khiển phương tiện ra vào an toàn. Nếu điều khiển tàu thuyền lệch một chút là nguy cơ bị mắc kẹt ngay", ông Tuấn nói.
Chỉ vào chiếc tàu cá đang neo bên bờ, ngư dân Nguyễn Hồng Phi, ở xã Diễn Ngọc cho biết, gia đình ông đóng con tàu hơn 1 tỉ đồng, ra vào cửa lạch bị va vào luồng cát bồi khiến tàu hỏng chân vịt, hộp số, mất gần cả trăm triệu đồng sửa chữa.
"Nhiều gia đình đóng tàu tiền tỷ nhưng không dám đi biển vì sợ tàu mắc cạn. Nhìn tàu nằm bờ, cửa lạch ngày bị bồi lấp nhiều ngư dân nóng hết ruột gan ", ông Nguyễn Hồng Phi nói.
Nhiều ngư dân ở Cửa Hội (TX Cửa Lò) cho biết, trong vài năm gần đây, các luồng lạch trên địa bàn ngày một cạn, quá trình bồi lắng liên tục làm cho lạch Hội cạn nhiều nơi. Không chỉ cạn mà lệch hẳn luồng, trước kia phao chỉ dẫn chếch về hướng Cửa Hội nhưng nay xê dịch hàng trăm mét theo chiều ngược lại, biến động quá lớn. Để hạn chế rủi ro, các chủ tàu phải nhờ người bản địa làm hoa tiêu, sử dụng thuyền nhỏ vào ra thường xuyên nên dễ định hình đường đi lối lại.
Cảng trưởng cảng Cửa Hội, ông Nguyễn Đình Thi cho biết, có thời điểm hàng chục tàu cá công suất lớn của Quảng Ngãi và Nam Định vào neo đậu. Nhiều năm nay, số lượng tàu thuyền ra vào giảm mạnh, đặc biệt là sau nhiều sự cố tàu, thuyền gặp mắc cạn. Từ giữa năm 2023 đến nay, chỉ còn lại duy nhất tàu 67 của ngư dân ở Nghi Lộc ra vào cảng. "Cơ sở hạ tầng trong cảng khá đồng bộ nhưng khu vực ngoài cửa lạch còn nhiều hạn chế, quá trình bồi lắng diễn ra thường xuyên, liên tục, trong khi phương án nạo vét, nâng cấp đang bị bỏ ngỏ. Trên 70% tàu cá ngoại tỉnh cập cảng, quãng đường di chuyển xa, thành thử phát sinh nhiều chi phí. Trong khi đó, lợi nhuận về sau giảm sút buộc họ phải tính toán, chọn phương án để hạn chế tối đa rủi ro", ông Nguyễn Đình Thi nói.
Nạo vét luồng lạch, như muối bỏ biển
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của địa phương. Khi tàu thuyền có thể vào ra cửa lạch thuận lợi, việc tiêu thụ hải sản diễn ra nhanh chóng, đồng thời dịch vụ hậu cần cho ngành nghề cá cũng sẽ phát triển. Khi ngư dân phải neo đậu tàu ở các vùng khác do khó khăn trong việc vào ra cửa lạch, địa phương sẽ thất thu.
Ngoài ra, thực trạng này cũng gây ra nhiều tổn thất cho ngư dân, đặc biệt là vào mùa mưa, bão. Xã Diễn Bích có hơn 130 tàu, thuyền khai thác hải sản. Trung bình mỗi năm có từ 4 đến 6 tàu bị mắc cạn ngoài cửa biển Lạch Vạn. Nhiều chủ tàu bị thiệt hại nặng nề vì không thể sửa chữa lại phương tiện để sử dụng. Nếu may mắn tàu không bị sóng đánh vỡ khi mắc cạn, chủ tàu phải ra bỏ ra từ 200 đến 500 triệu đồng cho việc sửa chữa.
Qua tìm hiểu của PV, trước đây để khắc phục tình trạng này Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Nghệ An) tổ chức nạo vét Lạch Vạn nhiều lần. Do việc phân bổ kinh phí trên thực tế không nhiều nên chưa có giải pháp triệt để trong việc ngăn phù sa. Khoảng vài năm thực trạng bồi lắng cửa lạch lại tiếp diễn, không đảm bảo an toàn luồng tuyến, gây khó khăn cho phương tiện của ngư dân mỗi khi ra, vào lạch.
Thống kê của Chi cục Thủy lợi Nghệ An thời điểm cuối năm 2023, nguồn vốn được cấp để nạo vét tuyến Lạch Quèn đạt hơn 54 tỉ đồng, áp dụng cho hơn 3km luồng lạch và bến neo đậu. Tiếp đó, cấp 20 tỉ cho tuyến Lạch Vạn (1km luồng lạch), cấp 20 tỉ nạo vét tuyến Lạch Cờn (1,2km luồng lạch) và 96 tỉ nạo vét tuyến Lạch Thơi…
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Nghệ An, việc nạo vét cửa biển Lạch Vạn được triển khai nhưng do hạn chế về kinh phí nên làm quy mô nhỏ. Tình trạng bồi lấp ở cửa biển này nếu không có giải pháp ngăn phù sa thì dù có nạo vét vẫn không hiệu quả.
Sở NN-PTNT Nghệ An trình cấp trên kế hoạch nạo vét cửa biển Lạch Vạn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, cùng với việc nạo vét luồng lạch, sẽ xây dựng 2 mỏ kè kiên cố phía ngoài cửa lạch để ngăn phù sa. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn sự bồi lắng tại cửa biển Lạch Vạn, mở ra luồng lạch để tàu thuyền không còn phụ thuộc vào thủy triều.
Tháng 4/2022 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng đề án Phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, các luồng lạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ được đầu tư nâng cấp, với mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 1.673 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 71 tỷ đồng, ngân sách khác hơn 603 tỷ đồng).