Ngư dân mắc cạn trong cảng cá

Ngư dân xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh đến PV Báo SGGP, cảng cá Hoằng Phụ được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng nhiều năm nay không phát huy được hiệu quả do luồng lạch bồi lắng, tàu thuyền, bè mảng khó ra vào. Nhiều ngư dân đã bỏ mặc thuyền, bè hư hỏng; người còn trụ lại được với nghề thì thường xuyên bị 'mắc cạn' trong cảng.

Nhiều tàu thuyền, bè mảng mắc cạn trong cảng cá

Nhiều tàu thuyền, bè mảng mắc cạn trong cảng cá

Nhận được phản ánh của ngư dân, PV Báo SGGP đã đến cảng cá Hoằng Phụ những ngày đầu tháng 4-2025. Dù đang là buổi sáng nhưng cảng cá chỉ lác đác vài bóng người. Trên bờ, nhiều hạng mục của cảng cá đã xuống cấp, hư hỏng; dưới bến, gần chục chiếc thuyền, bè mảng bị hư hỏng, mục nát nằm trơ trên mặt bùn. Trong khi đó, các tàu, thuyền và bè mảng còn hoạt động thì nằm bẹp gí trên lớp bùn đặc quánh, ngổn ngang.

Gặp hai cha con ông Nguyễn Văn Đượng (thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ) đang sửa máy cho chiếc thuyền của gia đình, ông cho biết, các thuyền và bè mảng hư hỏng là do luồng lạch bồi lắng, không trụ nổi với nghề nên các gia đình đã vứt bỏ. Chỉ riêng bè mảng, mỗi chiếc đóng hết khoảng 40-60 triệu đồng, cộng thêm tiền máy móc khoảng hơn 100 triệu đồng. Mặc dù tiếc công, xót của nhưng nhiều ngư dân chấp nhận bỏ luôn, chỉ tháo máy đưa về cất hoặc bán lại. Ông Đượng than: “Làm nghề biển mà như ăn đong, sống dựa. Cha con tôi và ngư dân trong cảng cá này phải canh nước lên thì mới ra biển đánh bắt được, nhiều hôm 1-2 giờ sáng nước lên cũng phải đi. Nhưng cũng chỉ đánh bắt được thời gian ngắn lại phải canh nước để quay vào, nếu không thì mắc kẹt ngoài biển”. Ngoài việc phải canh thủy triều, con nước, mỗi lần ra, vào cửa Cồn Trường phía ngoài cảng nếu không cẩn thận còn có thể gặp tai nạn vì nơi đây dòng chảy thay đổi khó lường.

Theo tìm hiểu của PV, cảng cá Hoằng Phụ được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư với kinh phí 43 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2017. Cảng được thiết kế theo mô hình trên chợ - dưới thuyền, kỳ vọng sẽ làm trung tâm giao dịch, mua bán hải sản trong vùng. Tuy nhiên, do luồng lạch thay đổi, phù sa bồi lắng, bến neo đậu quá cạn,… nên cảng không phát huy được tác dụng. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, chia sẻ, trước đây, Hoằng Phụ là một trong những xã ven biển có lượng tàu thuyền lớn của tỉnh Thanh Hóa với khoảng 200 chiếc, chưa tính bè mảng. Nhiều tàu thuyền ở tận Quảng Ngãi và một số tỉnh phía Nam cũng cập cảng cá Hoằng Phụ để nhập hàng, tiếp nhiên liệu. Những tưởng khi có cảng cá mới sẽ thu hút được tàu cá các nơi, tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, do luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng nên tàu cập cảng ngày một ít dần, Hoằng Phụ trở thành “bến vắng”. Năm 2018, xã đã chi ra hơn 1 tỷ đồng để nạo vét luồng lạch, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại bị bồi trở lại. Để cảng cá Hoằng Phụ không rơi vào cảnh hoang tàn, lãng phí, tỉnh Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa đã cho đấu giá thuê lại cảng để hoạt động, nhưng qua đấu giá lần 1, vẫn chưa có doanh nghiệp nào quan tâm và hiện đang tiếp tục cho đấu giá lần 2.

Trước đây, cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải, TP Vinh) là một trong những cảng cá sầm uất của tỉnh Nghệ An. Những năm gần đây, mặc dù được đầu tư nâng cấp, mở rộng với kinh phí hơn 106 tỷ đồng nhưng cảng đang lâm cảnh đìu hiu, rất ít tàu cập bến. Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết, do luồng lạch bị bồi lắng, các tàu công suất lớn không thể ra vào, muốn vào phải đợi thủy triều lên, nhiều tàu sợ lỡ chuyến biển nên đã tìm đến các cảng khác.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngu-dan-mac-can-trong-cang-ca-post789265.html