Ngư dân Quảng Ngãi vào mùa săn nhum biển ở mũi Ba Làng An
Các ngư dân Quảng Ngãi dong thuyền ra các bãi đá ở vùng biển mũi Ba Làng An (xã Đông Sơn) săn nhum biển, mỗi ngày họ có thể kiếm vài triệu đồng.
Từ 6 giờ sáng, dọc vùng biển Ba Làng An, nơi có địa hình đá ngầm và nước sâu, nhiều ngư dân địa phương đã dong thuyền, thúng ra khơi để lặn sâu dưới các gành đá săn nhum biển.

Mũi Ba Làng An là một địa điểm đẹp ở Quảng Ngãi.

Nhum hay còn gọi là cầu gai, nhím biển, là loài hải sản được mệnh danh “nhân sâm của biển” bởi giá trị dinh dưỡng cao và độ quý hiếm vào mùa chính vụ.



Đến giữa trưa, các ghe nhỏ, thúng sẽ trở về bờ với đầy ắp các bao nhum. Số nhum này sẽ được chuyển lên bờ để phụ nữ sơ chế, lấy gạch và bảo quản.

Tháng 7 đến tháng 8 là thời điểm nhum biển vào vụ, chắc thịt, gạch dày vàng ươm. Tại vùng biển mũi Ba Làng An (xã Đông Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ngư dân lặn bắt đặc sản này để bán cho thương lái, mỗi ngày thu về tiền triệu.



Theo người dân địa phương, nhum biển thường sinh sống tại các rạn đá ngầm ở độ sâu từ 15-20 m. Chúng có hình tròn dẹt, đường kính 8-10 cm, dày 3-4 cm, trên thân phủ đầy gai nhọn. Cũng vì gai sắc, thợ lặn phải vô cùng cẩn trọng khi bắt nhum.

Theo ông Nguyễn Văn Đào (thôn Phú Quý, xã Đông Sơn), nghề lặn bắt nhum xuất hiện ở địa phương nhiều năm nay, nhưng chỉ kéo dài trong khoảng tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Tháng 7 đến tháng 8 là giai đoạn nhum chắc thịt, gạch nhiều, săn được nhum lúc này là trúng lớn.

Ông Đào tâm sự: “Lặn ở độ sâu 20 m phải có sức khỏe tốt, chịu được áp lực nước. Gặp hôm trời động, dòng chảy mạnh dễ bị chuột rút, nguy hiểm lắm. Có lúc không để ý, bị gai nhum đâm là nhức buốt mấy ngày”.

“Chúng tôi thường ra biển từ sáng sớm, mang theo kính lặn, bình hơi, lưỡi sắt để cạy nhum bám đá. Lặn vài chục lượt mới gom đủ một bao lưới. Có hôm nước trong, biển êm thì mỗi người có thể kiếm được vài ký gạch nhum sau buổi sáng” - ông Đào chia sẻ.



Lý giải về độ quý của loại đặc sản này, ông Nguyễn Văn Đào cho rằng: “Nhum không phải lúc nào cũng có nhiều. Vào mùa gió bấc, sóng to, lặn nguy hiểm nên không ai ra khơi. Lúc đó, giá gạch nhum càng cao, nhưng cũng không dễ kiếm được”.

Sau khi thu gom, ngư dân mang nhum vào bãi rạng để sơ chế ngay tại chỗ. Những người phụ nữ ở thôn Phú Quý túc trực từ sáng, cẩn thận dùng dao rạch thân nhum, khéo léo nạo lấy phần gạch vàng. Đây là phần ngon nhất của con nhum.

“Nhum bắt lên phải sơ chế liền, nếu để lâu sẽ hỏng. Khi lấy thịt nhum phải nhẹ tay, nếu làm vỡ phần gạch hoặc dính ruột, gân máu là không còn giá trị sử dụng” - bà Nguyễn Thị Hà (thôn Phú Quý) nói.

Sau khi tách ruột, nhum được rửa lại bằng nước biển để giữ độ tươi, sau đó bảo quản lạnh hoặc bán ngay cho các thương lái đến tận nơi thu mua.

Bà Võ Thị Vân cho biết: “Mùa này nhum bán rất chạy, có thể chế biến thành nhiều món như gỏi nhum, cháo nhum, nhum nướng mỡ hành, cơm rang nhum… Mỗi ký gạch nhum có thể lên đến vài trăm ngàn, nên người dân rất quý”.

Không chỉ là món ăn bổ dưỡng, nhum biển còn được xem là vị thuốc tốt cho sức khỏe. Trong y học hiện đại, thịt nhum chứa nhiều đạm, chất béo, omega-3, carbohydrate, các nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, canxi… rất phù hợp cho người suy nhược cơ thể, cần phục hồi sức khỏe.

Hiện nay, giá nhum gạch đã được làm sạch có giá dao động khoảng 300.000 đồng/kg. Một số con nhum kích thước lớn thường được bán lại nguyên con để các nhà hàng chế biến món nướng.

Nghề khai thác nhum góp phần đáng kể vào thu nhập của ngư dân vùng ven biển trong mùa hè.



Trong quy hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ngãi, vùng biển Ba Làng An là một trong những khu vực có tiềm năng khai thác hải sản và phát triển du lịch trải nghiệm. Các hoạt động như lặn bắt nhum, chế biến món ăn từ nhum, trải nghiệm cùng ngư dân đang được tính đến trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn sinh thái biển.