Ngư dân quyết bám biển dù bị 'tàu lạ' tấn công
Mới đây, con tàu mang số hiệu QNa 91441 TS của ngư dân Trần Văn Nhân (ngụ thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cùng 9 bạn thuyền khác bị tàu lạ cướp sạch thành phẩm khi đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Việt Nam. Trước tình hình trên, Hội Nghề cá Việt Nam đã kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương lên tiếng phản đối…
Kiên cường cưỡi sóng ra khơi
Theo lời anh Nhân kể cũng như trong đơn trình báo gửi lực lượng biên phòng Quảng Nam, ngày 23/5, tàu anh Nhân vươn khơi đánh bắt tại Hoàng Sa, thuộc vùng biển Việt Nam. Thu hoạch được hơn 2 tấn mực, trưa 2/6, 10 ngư dân quyết định ngả lưng nghỉ ngơi. Bất thình lình, tiếng bước chân, tiếng người lạ la hét bên ngoài khiến ai nấy giật mình tỉnh giấc.
Chưa kịp định hình, thuyền trưởng Nhân và số bạn thuyền còn lại bị 6 người lạ áp sát, khống chế. Những đối tượng này giương roi điện, cưỡng ép 10 ngư dân Việt Nam kê khai lý lịch. Sau đó, một người trong nhóm thông thạo tiếng Việt tuyên bố với anh Nhân, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, do đó các ngư dân không được phép đánh bắt.
“Các đối tượng hăm dọa nếu gặp lại sẽ cắt hết lưới. Tuy nhiên, tôi khẳng định đó khu vực khai thác hải sản thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ nhiều năm qua. Không chỉ đe dọa, các đối tượng còn lục lọi và cướp đi 2 tấn mực khô mà anh em chúng tôi cực khổ đánh bắt được. Ước tính thiệt hại chừng 250 triệu đồng, nhưng không vì thế mà chúng tôi nhụt chí. Dù bị cướp, bị đe dọa, tôi và bạn thuyền vẫn bám biển, tiếp tục cưỡi sóng ra Hoàng Sa, nơi bao đời cha ông đã mưu sinh”, anh Nhân giãi bày.
Cách đây chưa lâu, một ngư dân xã biển Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) cũng bị tàu lạ tấn công ở Hoàng Sa. Cụ thể, Thuyền trưởng Huỳnh Tèo cùng 12 ngư dân địa phương trên con tàu QNa 90398 TS đang đánh bắt hải sản ở khu vực đảo Đá Bắc (thuộc quần đảo Hoàng Sa) bất ngờ bị tàu lạ tấn công.
Kịch liệt phản đối hành động sai trái
Ngay khi tiếp nhận thông tin ngư dân tố bị tàu lạ cướp trắng trợn 2 tấn mực, Hội Nghề cá Quảng Nam lập tức gửi báo cáo ra Hội Nghề cá Việt Nam. Ngày 10/6, Hội Nghề cá Việt Nam đã chính thức có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối việc ngư dân Việt Nam bị cướp sản phẩm đánh bắt hải sản.
Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, những hành động như trên gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam. Do đó, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay hành động cướp phá nhằm bảo vệ tài sản, bảo vệ sự an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam.
Đồng thời, tại Quảng Nam, để động viên ngư dân yên tâm bám biển, Sở NN&PTNT Quảng Nam cũng có công văn gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố: Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và 2 đồn biên phòng: Cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Cửa Đại kịp thời nắm bắt, hỗ trợ ngư dân.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây, cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn (bắt đầu từ 12h ngày 1/5/2019 đến 16/8/2019) đối với tất cả các nghề (trừ nghề câu) trên các vùng biển, trong đó có vùng đánh cá chung phía Trung Quốc (vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ).
Đặc biệt, lệnh cấm từ phía Trung Quốc còn áp đặt đối với cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, Sở NN&PTNT Quảng Nam chủ động gửi công văn đến các địa phương ven biển, đồn biên phòng để có hướng phân tích, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển. Còn lệnh cấm, ông Tấn khẳng định không có giá trị.