Ngư dân Thanh Hóa phấn khởi săn 'lộc biển'
Mùa sứa biển năm nay đến muộn, giá sứa tươi hiện tăng gấp đôi so với năm trước.
Chính vì vậy, nhiều ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa phấn khởi căng buồm ra khơi săn “lộc biển”.
Sứa tăng giá gấp đôi
Tại cửa biển Hoằng Trường, dưới thời tiết trong xanh, có nắng nhẹ, hàng trăm chiếc tàu, thuyền nối đuôi nhau cập bến. Trên mỗi khoang thuyền, đầy ắp những cá, tôm. Với những ngư dân đánh bắt sứa biển, thời điểm cập bến thường vào giữa trưa hoặc sang chiều. So với mọi năm, mùa sứa biển ở Hoằng Trường năm nay đến muộn hơn tầm vài tháng.
Tàu vừa cập bến sau một đêm dài lênh đênh trên biển, vợ chồng bà Lê Thị Ảnh, ở xã Hoằng Trường tranh thủ neo đậu thuyền. Khuôn mặt sạm đen vì gió biển, bà Ảnh nở nụ cười tươi rói với thành quả đánh bắt của hai vợ chồng sau một đêm dài vật lộn trên biển cả. Dù hôm nay khoang thuyền chưa đầy như những ngày trước, nhưng đang là chính vụ nên sứa rất to, có con nặng tới 20kg.
“Vợ chồng tôi nhổ neo từ lúc trời còn tối đen như mực, đến giờ là gần 10 giờ lênh đênh trên biển. Thành quả hôm nay chỉ được dăm chục con thôi, nhưng sứa to. Vợ chồng tôi mới bắt đầu đánh bắt sứa gần một tháng nay, có ngày đánh bắt được 300 con sứa tươi”, bà Ảnh chia sẻ.
Theo bà Ảnh, sản lượng đánh bắt sứa năm nay giảm hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân một phần do mùa sứa tới muộn, ngoài ra còn do thời tiết. Những ngày gần đây, liên tục có gió nồm nên việc đánh bắt không hiệu quả như đợt đầu tháng.
Tuy nhiên, hiện giá sứa tươi nhập tại bến đang dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/con, tăng gấp đôi so với những năm trước. Vì vậy, nhiều ngư dân phấn khởi căng buồm ra khơi săn “lộc biển”.
Với kinh nghiệm đánh bắt sứa hàng chục năm nay, bà Ảnh cho biết, mùa sứa biển tại Hoằng Trường thường bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến khoảng tháng 4 âm lịch. Việc đánh bắt chỉ diễn ra ở gần bờ, ít tốn kém hơn so với những nghề đánh bắt thủy, hải sản khác.
“Gần một tháng đánh bắt gần bờ, vợ chồng tôi cũng kiếm được hàng chục triệu đồng. Như hôm trước thuyền nhà tôi được 300 con sứa tươi, cũng bỏ túi hơn 6 triệu đồng”, bà Ảnh hồ hởi.
Là một trong những đại lý thu mua sứa tươi lớn tại xã Hoằng Trường, có những ngày cơ sở của bà Nguyễn Thị Dụng (thôn Linh Trường) thu mua lên tới vài nghìn sứa tươi. Theo chủ đại lý này, khoảng dăm ngày trở lại đây, việc thu mua sứa tươi giảm sút do ảnh hưởng bởi thời tiết.
“Những ngày trước đó, đại lý của tôi thu mua lên tới hơn 1.000 con sứa tươi mỗi ngày, có ngày cao điểm lên vài nghìn con. Với số lượng lớn như vậy, chúng tôi phải thuê từ 10 - 15 lao động để bốc sứa”, bà Dụng nói.
Theo bà Dụng, tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng sứa thu mua của cơ sở này giảm hơn so với năm trước, tuy nhiên giá sứa tươi lại tăng vọt. Nếu như năm ngoái, với 300 con sứa tươi ngư dân bỏ túi khoảng 3 triệu đồng thì năm nay, với mức tiền này chỉ rơi vào khoảng 100 con.
“Mấy ngày trước, mỗi tàu, bè tùy và máy móc hoạt động, chúng tôi thu mua được từ 300 đến 700 con sứa tươi. Với mức giá 25.000 đồng/con, ngư dân có thể kiếm được hơn chục triệu đồng chỉ trong một ngày đánh bắt. Nhìn chung, vào mùa sứa, ngư dân đi đánh bắt rất hiệu quả”, bà Dụng hồ hởi nói.
Tăng thu nhập cho ngư dân, người lao động
Mùa sứa biển tuy chỉ kéo dài tầm 3 đến 4 tháng mỗi năm, nhưng lại mang tới nguồn thu nhập khá cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi. Với lao động thời vụ làm các công việc như bốc sứa, làm sạch và sơ chế sứa cũng có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.
Với thâm niên bốc sứa 30 năm nay, bà Lê Thị Duyên (60 tuổi, xã Hoằng Trường) cho biết, công việc thời vụ này thường bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán. Thù lao cho công việc này được đại lý thu mua sứa trả giá 3.000 đồng/con. Có những ngày cao điểm, thu nhập của người phụ nữ làng biển này lên tới hơn 1 triệu đồng/ngày.
“Ngoài đội nắng dưới cái thời tiết 37 - 38 độ C, chúng tôi cũng phải lọ mọ dậy từ lúc nửa đêm hay mờ sáng nếu có tàu, bè đánh bắt cập bến sớm. Việc bốc sứa nếu không có kinh nghiệm cũng rất dễ bị sứa tấn công.
Tuy phải thức khuya, dậy sớm nhưng thu nhập từ công việc này khá ổn, trung bình khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ngày”, bà Duyên bộc bạch.
Ông Lê Soạn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, phụ trách Nông - Lâm - Ngư nghiệp cho biết, nghề đánh bắt sứa đã có lịch sử hàng chục năm tại địa phương. Hình thức đánh bắt chủ yếu là thả lưới gần bờ. Các loại tàu có công suất từ 50 CV trở xuống có thể đánh bắt, khai thác sứa dễ dàng.
“Sản lượng sứa tươi năm nay đến thời điểm hiện tại sụt giảm so với năm trước, một phần do mùa sứa năm nay tới muộn. Bên cạnh đó, thời tiết gió nồm cũng ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân. Hiện, tổng sản lượng sứa tươi trên toàn xã ước đạt khoảng 100 tấn”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, nghề đánh bắt sứa mang lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Đặc biệt, việc khai thác, đánh bắt sứa không chỉ tăng thu nhập cho ngư dân mà còn tạo công ăn, việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương.
Tuy sản lượng sứa sụt giảm, nhưng giá sứa tươi năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Những năm trước, giá sứa tươi chỉ dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/con. Cũng theo ông Thảo, ngoài các phương tiện đánh bắt thủy sản gần bờ, hiện toàn xã có trên 100 phương tiện đánh bắt xa bờ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngu-dan-thanh-hoa-phan-khoi-san-loc-bien-post635593.html