Ngư dân Tiền Giang đồng lòng nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU
Những ngày này, ngư dân Tiền Giang vẫn vươn khơi bám biển. Họ luôn chấp hành tốt các quy định, không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp. Các ngư dân kỳ vọng sớm được Ủy ban châu Âu (EC) gỡ 'thẻ vàng' IUU.
Đồng lòng gỡ “thẻ phạt”
Ông Trần Minh Phụng (51 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho) cho biết, mình có 6 tàu đánh bắt cá, chủ yếu ở vùng biển gần Côn Đảo.
“Từ khi được ngành chức năng tuyên truyền về việc tháo gỡ 'thẻ vàng' IUU, ngư dân chúng tôi hiểu và tuân thủ đúng quy định khi ra khơi bám biển. Chúng tôi có trách nhiệm, ý thức cao trong vấn đề khai thác đánh bắt hải sản. Cụ thể, không xâm phạm vùng biển, vùng lãnh hải của các nước bạn. Khi ra ngơi phải ghi chú thông tin nhật ký đánh bắt. Khi về đến cảng cá phải khai báo đầy đủ sản lượng đánh bắt được với cơ quan chức năng”, ông Phụng nói.
Ông cho hay: "Từ đầu năm đến giờ, tàu đi biển đa phần lỗ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc và giải quyết việc làm cho thuyền viên”.
Còn ông Phan Văn Sáu (ngụ huyện Gò Công Đông) chia sẻ: “Tàu cá của tôi tuyệt đối không vượt ranh giới đánh bắt ra vùng biển nước ngoài, bật máy giám sát hành trình 24/24, ghi nhật ký khai thác đầy đủ. Ngư dân chúng tôi phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước, để thủy sản mình được xuất khẩu và gỡ 'thẻ vàng' cho bà con ổn định làm ăn”.
Ông Sáu nói thêm: “Mình đã bị 'thẻ vàng' rồi, ngư dân chúng tôi tự ý thức rằng không được xâm phạm đánh bắt ở vùng biển của nước bạn. Gỡ được 'thẻ vàng', người hưởng lợi chính là ngư dân”.
Không ghi nhận tàu cá vi phạm
Tiền Giang có bờ biển dài 32km và có 3 cửa sông lớn là: Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại, cùng nhiều kênh rạch, bãi bồi ven biển. Tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nghề khai thác hải sản, vừa giải quyết việc làm, thu nhập, vừa tạo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh), Tiền Giang có đội tàu đánh bắt hải sản 1.442 chiếc, chủ yếu khai thác khơi xa, thu hút 10.100 thuyền viên. Trong tổng số tàu cá nói trên, có 60% tàu có công suất lớn đủ sức vươn ra khai thác các ngư trường xa như Côn Đảo, Trường Sa, DK1...
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, có 941/941 tàu cá của địa phương đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100%.
Để phòng, chống, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân.
Sở NN-PTNT phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng các ngành chức năng tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác thác hải sản Việt Nam, quốc tế và các nước tại địa bàn trọng điểm nghề cá. Từ đó, góp phần giúp giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm IUU.
Tại cuộc họp mới đây (9/2023), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn khẳng định: “Từ năm 2022 đến nay, tỉnh không có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Trong báo cáo của Bộ NN-PTNT, 5 chiếc tàu cá bị bắt chủ yếu là biển số giả, chưa sang tên đổi chủ. Có những chiếc tàu bị bán đã qua rất nhiều chủ, nhưng vẫn để biển số ở Tiền Giang”.
Ông Nguyễn Văn Mẫn cho hay, để chuẩn bị tiếp đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đến kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” vào tháng 10 tới, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh. Sở NN-PTNT đã tham mưu để giải trình các nội dung, gồm: quản lý đội tàu; tàu cá nước ngoài bị bắt giữ...
“Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh đã họp và tập trung các công việc để quyết tâm cùng Chính phủ tháo gỡ 'thẻ vàng' EC. Các nội dung về truy xuất nguồn gốc, quán lý tàu ra vào cảng, an toàn thực phẩm... địa phương sẽ cố gắng thực hiện tốt”, ông Mẫn nói.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho hay, để thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục các thiếu sót. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời các tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Một số giải pháp quan trọng là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho ngư dân; ưu tiên bố trí nguồn lực, trang thiết bị và nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá... Tỉnh cũng kiến nghị các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư tiếp tục tăng cường tuần tra các khu vực giáp ranh để tuyên truyền, ngăn chặn và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.
Tiền Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ sớm ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, quy định thẩm quyền xử phạt kiểm ngư địa phương để có chế tài xử lý vi phạm trên địa bàn.