Ngư dân tìm hướng đi mới

Trước bối cảnh cá tra đang gặp khó về đầu ra, ngư dân trong tỉnh đang tìm hướng đi mới cho mình. Cụ thể, bà con chọn các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao để nuôi và bán cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Cách làm này đã cứu vãn được tình thế của ngành thủy sản hiện nay.

Chọn đối tượng nuôi

Gia đình ông Nguyễn Quang Vinh (ấp Phước Quản, xã Đa Phước, An Phú) trước đây chuyên nuôi cá tra xuất khẩu. Bình quân mỗi năm, ông Vinh xuất khoảng 2.000 tấn cá tra thương phẩm cho các nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản xuất khẩu trong tỉnh. Ông Vinh là người có kỹ thuật nuôi cá giỏi, sản phẩm cá thương phẩm của ông luôn được các doanh nghiệp ưa chuộng bởi thịt cá luôn có màu trắng, da mỏng, ít mỡ, xương nhỏ, tỷ lệ thu hồi thịt rất cao. Bình quân 1,7kg nguyên liệu cho ra 1kg file thành phẩm. Hơn 20 qua, để giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, ngoài cá tra, ông Vinh còn nuôi thêm cá hú và cá basa. Thời điểm tháng 10-2018, giá cá tra ở mức 36.000 đồng/kg thì cá basa, cá hú cũng ở mức 55.000-60.000 đồng/kg. Thắng đậm trong 2 năm liên tiếp, ông Vinh đã nhanh chóng nắm bắt tình hình bên ngoài, chuyển sang chọn đối tượng nuôi khác nhằm giảm thiểu rủi ro. Ông Vinh cho biết, ông đi Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp để nghiên cứu tình hình nuôi cá tra. Ngay thời điểm cá tra có giá cao, ông thấy ngư dân “đua nhau” đào ao thả cá tra (từ cá giống đến cá thịt).

Ngư dân thả nuôi cá he, giá trị cao gấp 3 lần cá tra

Lúc này, trong suy nghĩ của ông, khả năng “vỡ trận” từ con cá tra có thể xảy ra. Thực tế là vậy, song tìm đối tượng nào khác để thay thế con cá tra là bài toán đặt ra. “Tôi đã đến các chợ đầu mối thủy sản ở các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu xem ngoài cá tra thì đối tượng nuôi nào có giá cao. Lúc này, các chủ vựa cá đã tư vấn cho tôi nuôi 2 loại: cá xác sọc và cá he. Bởi, cá xác (loại 15 con/kg) có giá đến 90.000 đồng/kg, cá he 60.000 đồng/kg. So với cá tra thì giá trị cao gấp 3 - 4 lần. Tôi nhận định, đây là hướng đi mới cho ngư dân trong tỉnh và quyết định thực hiện”- ông Vinh phân tích.

Bán cho cả 2 thị trường

Ngoài cá xác sọc, cá he, ngư dân trong tỉnh còn thả nuôi thêm cá sặc bổi, cá lóc, cá điêu hồng. Đây là những đối tượng nuôi, bán được cho cả 2 thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu cá lóc và cá xác xuất khẩu mạnh vào thị trường Campuchia thì cá he, cá hú, cá sặc, ngư dân nuôi để bán cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước phát triển (phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài). Chính nhờ có thị trường tiêu thụ từ trong nước đến xuất khẩu nên các loại cá kể trên luôn có giá cao. Cụ thể, cá lóc xuất sang Campuchia, hiện giá bắt tại hầm là 45.000 đồng/kg, cá he bắt tại bè 60.000 đồng/kg, cá hú 63.000 đồng/kg, cá sặc bổi 75.000 đồng/kg.Với mức giá vừa nêu, những ngư dân nuôi các đối tượng thủy sản trên đều có mức lời tốt, cuộc sống ổn định. “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nhờ các hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ nên sản phẩm của ngư dân trong tỉnh đến được nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu cá tra xuất sang các quốc gia phát triển phục vụ người tiêu dùng thế giới thì cá he, cá hú, cá basa, cá xác sọc phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đây là những loại cá nước ngọt bán rất có giá”- ông Trần Văn Nhiên, thương lái thị trường Trung Quốc, chia sẻ.

Tìm hướng đi mới, phát triển ngành thủy sản trong tỉnh đang được ngư dân thực hiện. Việc này vừa cải thiện đời sống ngư dân, vừa góp phần làm cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp được duy trì ở mức ổn định. Đa dạng hóa giống loài thủy sản nuôi là một khuyến cáo của ngành nông nghiệp, song khuyến cáo này cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đi kèm thì ngư dân mới mạnh dạn thực hiện. Ngoài con giống, ngư dân đang cần cơ quan chức năng hỗ trợ về đầu ra sản phẩm, bởi nhà nước hiện có cơ quan tham tán thương mại ở khắp các quốc gia trên thế giới. Đây là kênh thông tin quan trọng để vừa định hướng nông dân nuôi con gì, trồng cây gì (có thị trường tiêu thụ tốt), vừa là kênh cảnh báo khi sản phẩm đó gặp khủng hoảng về đầu ra ở các thị trường thế giới. Có làm tốt công tác dự báo thị trường thì các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh mới hy vọng không bị cảnh “thừa hàng, dội chợ”.

“Hiện nay, chủ trương của tỉnh cũng như Hiệp hội Thủy sản là khuyến khích ngư dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhằm tránh rủi ro về thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới lẫn trong nước. Ngư dân trong tỉnh chọn đối tượng thủy sản để nuôi, vừa tiêu thụ được thị trường trong nước, vừa xuất khẩu là một hướng đi tốt. Ngoài chọn đối tượng nuôi, chúng tôi khuyến cáo bà con nên đi vào tổ chức như hợp tác xã, tổ hợp tác để có được thông tin, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Lê Chí Bình khuyến cáo.

Bài, ảnh: MINH HIÊN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/ngu-dan-tim-huong-di-moi-a252929.html