Ngư dân và kinh tế biển
Phép mầu rồi cũng đến sau bao ngày nguyện cầu. Năm trong số 8 ngư dân mất tích cuối cùng trên tàu BTh 97478 TS đã được những thủy thủ trên một tàu nước ngoài cứu, sau 12 ngày trôi dạt trên biển.
Dù có đến 6 người phải nằm lại trong lòng biển khơi nhưng những người được tìm thấy đã là kỳ diệu. Những ngư dân tìm về lại đất liền là điều gần như không tưởng trong suy nghĩ của người thân và cộng đồng xã hội. Nó cho thấy điều may mắn luôn song hành với bao sự khắc nghiệt của đời sống cũng như sức sống mãnh liệt, ý chí sinh tồn, sự dày dạn kinh nghiệm của những ngư dân bao đời gắn với biển khơi. Họ chấp nhận đương đầu với mọi bất trắc trên đại dương để tìm sinh kế và khẳng định sức mạnh của những con người gắn đời mình với biển.
Biển là nguồn sinh tồn, là văn hóa, là sức mạnh của những quốc gia, dân tộc và biển cũng dữ dội, tàn bạo lấy đi bao sinh mạng và tài vật của con người. Từ sợ hãi, con người dần thích nghi và khi đã có lợi ích thì không ít người muốn chinh phục biển để triệt để khai thác những nguồn tài nguyên tưởng chừng vô tận từ đây. Cái giá phải trả cho hành vi này quá lớn nên trong văn hóa hiện đại, các quốc gia xem đây là nguồn lợi nhưng phải được nuôi dưỡng, tìm cách sống hòa hợp thay vì chế ngự.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng ta đang có những kế hoạch vĩ mô để cùng chung sống với quà tặng của thiên nhiên rất lớn lao và đặc biệt này. Từ là nguồn sinh kế của người dân ven biển, chúng ta đã thiết kế những nguồn lực quan trọng gắn liền với biển. Từ sự hợp tác với thiên nhiên, chúng ta có được kinh tế biển, văn hóa biển. Đây là những nét chủ đạo trong thời kỳ mới mà vai trò của đại dương ngày càng quan trọng.
Sự hình thành các chiến lược trên luôn có yếu tố không thể thiếu chính là ngư dân, kể cả truyền thống và hiện đại. Họ là người hiểu rõ biển nhất, luôn biết biển cần gì, chúng ta tìm được gì từ biển và giới hạn đến đâu. Nơi đây là vùng sinh tồn và là mái nhà của ngư dân nên họ dùng cả ý chí và sinh mạng để bảo vệ. Với hơn 10 triệu người gắn liền với sinh kế biển thì đây là lực lượng hùng hậu để gìn giữ biển trời quê hương.
Tầm quan trọng của ngư dân là thế nên trong các kế hoạch quốc gia trong thời gian tới đã đặt chính sách tam ngư (ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường) ở một vị trí quan trọng. Gần nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung đến năm 2030 là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo…
Muốn biến mục tiêu thành hiện thực cần đầu tư tương xứng ở tầm quốc gia. Để kiếm được nguồn lợi lớn nhất từ biển thì trước hết giảm thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là con người.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ngu-dan-va-kinh-te-bien-20220722222539267.htm