Ngư dân về đền Kiếp Bạc

Hòa vào dòng người về dự Lễ kỷ niệm 720 năm ngày mất Đức Thánh Trần năm nay có những ngư dân làm nghề đánh cá trên biển. Với họ, lần hành hương về đền Kiếp Bạc này cũng thật đặc biệt.

Trên một chiếc thuyền của ngư dân về dự hội quân trên sông Lục Đầu năm 2019. Ảnh tư liệu

Trên một chiếc thuyền của ngư dân về dự hội quân trên sông Lục Đầu năm 2019. Ảnh tư liệu

Nếu như mọi năm, nhiều ngư dân về đền Kiếp Bạc bằng đường sông thì năm nay, họ về đền bằng đường bộ. 5 giờ sáng ngày 4.10, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thủy bắt đầu nổ máy, xuất phát từ TP Uông Bí (Quảng Ninh) về đền Kiếp Bạc.

Lâu lắm rồi, vợ chồng ông mới lại có chuyến đi xa bằng xe máy như vậy. Chuyến đi này vợ chồng ông đã dự trù trước nhưng gần đến ngày vẫn không khỏi thấp thỏm.

Không thấp thỏm sao được khi mọi năm, vào ngày này ông bà đã có mặt ở đền Kiếp Bạc, cùng với các chiến thuyền chuẩn bị cho hội quân trên sông Lục Đầu.

Theo ông Thủy, với những ngư dân như ông thì việc về lễ giỗ Đức Thánh Trần tháng 8 âm lịch hằng năm là một trong những việc quan trọng nhất, xong việc này mới yên trí làm ăn.

Từ khi nghi lễ hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng thì năm nào tổ chức, gia đình ông cũng tham gia.

Mỗi dịp như vậy, mấy chục chiến thuyền chạy dọc cửa biển Quảng Ninh, qua Hải Phòng, về Kênh Giang mới đến đền Kiếp Bạc. Thuyền nào cũng đông đủ gia đình, từ già đến trẻ, lương thực được chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi dài ngày, đoàn đi đến đâu nhộn nhịp cả vùng sông nước đến đó.

“Năm nay, hội quân không được tổ chức, chúng tôi cũng thấy thiếu vắng”, ông Thủy nói.

Với ngư dân, lòng tôn kính Đức Thánh Trần đã ở trong tiềm thức. Bởi Đức Thánh không chỉ là người đã có công dẹp yên bờ cõi mà còn được coi là thủy tổ của nghề sông nước. Nên cứ dịp giỗ Thánh, bà con lại rủ nhau về đền Kiếp Bạc để cầu một năm có nhiều sức khỏe, thuận buồn xuôi gió cho mỗi lần ra khơi.

Ông Đỗ Duy Chinh ở phường Văn Đức (Chí Linh) năm nào cũng cùng gia đình về làm lễ ở đền Kiếp Bạc

Ông Đỗ Duy Chinh ở phường Văn Đức (Chí Linh) năm nào cũng cùng gia đình về làm lễ ở đền Kiếp Bạc

Ông Đỗ Duy Chinh ở phường Văn Đức (TP Chí Linh) chia sẻ: Bao đời nay chúng tôi được truyền dạy ghi nhớ công lao và ân đức của Người. Với chúng tôi, về đền Kiếp Bạc là bổn phận, nghĩa vụ, là về nơi nguồn cội...

Ông Chinh kể ngay khi còn bé ông đã được theo cha về dự hội đền Kiếp Bạc. Hồi ấy, người dân vẫn dùng thuyền buồm chứ không có thuyền máy như bây giờ.

Từ xã Kênh Giang trước kia (phường Văn Đức ngày nay) đi Kiếp Bạc phải chèo thuyền ngược dòng nước, có khi gặp lũ chèo thuyền mất 2 ngày mới tới nơi. Chưa kể những năm đi đánh bắt cá tận vùng biển thuộc địa phận Móng Cái (Quảng Ninh) thì về đến đền cũng mất nửa tháng. Vậy nhưng, nhìn mặt ai cũng phấn khởi.

Bản thân ông Chinh, chưa năm nào bỏ Lễ giỗ Thánh. Năm 2019, Lễ hội quân được tổ chức lớn, ông Chinh dành cả tháng để chuẩn bị. Gần đến ngày về tụ hội trên bến Lục Đầu, ông bà đem cờ, phướn… đến các điểm tập kết thuyền ở Quảng Ninh, Hải Phòng để ngư dân kịp trang trí thuyền quân.

Năm nay, ông Chinh cùng vợ về Kiếp Bạc ngay ngày lễ mở cửa đền. Ông bảo: "Không tổ chức hội quân, đoàn không có điều kiện tập trung như mọi năm nhưng xuất phát từ lòng tôn kính Đức Thánh Trần thì chúng tôi vẫn thay nhau sắp xếp công việc để về, bản thân mới cảm thấy toại nguyện", ông Chinh nói.

HUYỀN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/le-hoi/ngu-dan-ve-den-kiep-bac-148778