Ngư dân vùng tâm bão nỗ lực khắc phục hậu quả để ra khơi

Bão số 3 đổ bộ, Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương đầu tiên của miền Bắc đương đầu và cũng là vùng tâm bão, chịu hậu quả vô cùng nặng nề. Những ngày này, toàn thể Đảng bộ, chính quyền và quân dân hai địa phương đang tập trung cao độ khắc phục hậu quả bão lũ, từng bước đưa các hoạt động trở lại bình thường, trong đó có ngành nghề nuôi thả, đánh bắt thủy sản.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bão số 3 đã làm hơn 2.400 cơ sở nuôi thả thủy sản bị thiệt hại. Chỉ tính riêng huyện Vân Đồn, một trong những trung tâm nuôi thả thủy sản lớn nhất của Quảng Ninh, tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn, ước tính hơn 2.200 tỷ đồng.

Có mặt tại huyện Vân Đồn thời điểm sau bão, ghi nhận của phóng viên cho thấy cảnh hoang tàn bao phủ toàn bộ các diện tích nuôi thả lồng bè trên biển, không một chiếc bè nào còn nguyên vẹn.

Khung cảnh hoang tàn tại khu vực nuôi thả lồng bè ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Khung cảnh hoang tàn tại khu vực nuôi thả lồng bè ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Ông Phạm Văn Đại, chủ đầu tư chuỗi lồng bè lớn ở khu vực hòn Cận Nam (huyện Vân Đồn) thẫn thờ nói: “Mất hết cả rồi các anh ạ”. Theo chia sẻ của ông Đại, hơn 20 năm gia đình ông vật lộn với vốn đầu tư để nuôi cá giò, cá hồng, cá song…, trước lúc bão số 3 đổ vào, gia đình ông có hơn 70 lồng, giờ chỉ còn là đống đổ nát với thiệt hại ước khoảng hơn 200 tấn cá các loại, tương ứng khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Đại ngậm ngùi: “Ngoài vốn tự huy động, gia đình tôi đã vay hơn 2 tỷ đồng của ngân hàng để đầu tư, trong bỗng chốc ông trở thành con nợ tiền tỷ”.

Chung hoàn cảnh như ông Đại, các hộ nuôi thả thủy sản ở vùng ven biển thuộc các TP Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long và thị xã Quảng Yên (cùng tỉnh Quảng Ninh) cũng thiệt hại không kém. Bà Ngô Thị Thúy, chủ nuôi thả thủy sản ở phường Tân An (thị xã Quảng Yên) đau xót nói: “Gần 100 tấn hải sản trị giá hơn chục tỷ đồng của gia đình giờ mất sạch, chúng tôi cũng chưa biết phải làm lại như thế nào”.

Cảnh bè nuôi thủy sản tan hoang ở vịnh Cát Bà (Hải Phòng).

Cảnh bè nuôi thủy sản tan hoang ở vịnh Cát Bà (Hải Phòng).

Tình trạng này cũng xảy ra đối với các hộ nuôi thả thủy sản ở Hải Phòng, nhất là khu vực quần đảo Cát Bà, nơi có sản lượng nuôi thả thủy sản lớn với hơn 100 cơ sở lồng bè. Sau bão, toàn bộ hệ thống cung cấp nguồn đặc sản như cá song vua, cá song thương phẩm, cá giò… đều tan nát, có lồng bè bị nhấn chìm tại chỗ, có lồng bè đứt dây neo, vỡ mảng bị cuốn trôi đi đâu cũng không xác định được.

Ông Đỗ Mạnh Toàn, hộ nuôi thả ở vụng Cái Bèo (đảo Cát Bà) cho biết, dù được chính quyền địa phương tuyên truyền, các hộ nuôi thả đã gia cố, chằng buộc kỹ lưỡng nhưng do bão quá mạnh không thể chống đỡ nổi. Gia đình ông Toàn mất trắng khoảng hơn 60 tấn cá, trong khi đó tại khu vực Cát Bà có nhiều hộ đầu tư lớn hơn nhiều, chỉ một cơn bão qua tất cả trở về với bàn tay trắng.

Ngư dân Cát Bà tu sửa lại lồng bè sau khi bão đi qua.

Ngư dân Cát Bà tu sửa lại lồng bè sau khi bão đi qua.

Khỏi phải nói đến tầm quan trọng của nguồn thủy sản nuôi thả, bởi đây không chỉ là niềm tự hào của Hải Phòng và Quảng Ninh mà còn góp phần tạo nên hồn cốt của du lịch hai địa phương này với ưu thế ẩm thực đặc sản biển. Ông Nguyễn Hải Phong, chủ chuỗi nhà hàng lớn tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Cát Bà tâm sự, đây là nỗi lo rất lớn, nếu nguồn hải sản không được kịp thời hồi phục thì sức hấp dẫn của du lịch sẽ giảm sút rất nhiều.

Những ngày này, các cấp ủy, chính quyền tại Hải Phòng và Quảng Ninh đang dồn lực, triển khai ngay những biện pháp cấp bách để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn bình thường trở lại, trong đó có việc hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả.

Tại tỉnh Quảng Ninh, theo ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Sở đang tiếp tục phối hợp với địa phương để rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại của từng hộ, từng địa phương. Mặt khác, ngoài xây dựng phương án hỗ trợ những hộ bị thiệt hại, hướng tháo gỡ mà Sở đang nghiên cứu là tìm giải pháp giãn, hoãn nợ ngân hàng cho người dân, đề nghị tiếp tục cho bà con vay thêm vốn mua con giống, vật tư, nhà bè… tái tạo sản xuất.

Công an huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) giúp ngư dân tu sửa lại lồng bè thủy sản.

Công an huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) giúp ngư dân tu sửa lại lồng bè thủy sản.

Còn theo Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP Hạ Long đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, chính quyền tập trung nhân lực hỗ trợ bà con rà soát, phục hồi hoạt động của các phương tiện khai thác và gia cố lại hệ thống nuôi thả lồng bè, tạm thời tổ chức lại hoạt động trong điều kiện có thể khắc phục, song song với việc thu dọn hiện trường thiệt hại, giải tỏa môi trường.

TP Hạ Long cũng đề xuất các chính sách về thuế như gia hạn, miễn giảm, khấu trừ… Hiện Chi cục thuế TP Hạ Long đang trực tiếp hướng dẫn người nộp thuế làm hồ sơ quy trình để được hưởng các chính sách thuế. Bí thư Thành ủy Hạ Long cũng cho biết, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đang nghiên cứu các cơ chế, nhằm giãn, hoãn nợ và tiếp tục cho vay vốn để giúp các doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn.

Cũng như Quảng Ninh, tại Hải Phòng song song với việc sửa chữa phục hồi những khu vực có thể, thành phố cũng đang nỗ lực phối hợp với ngành thuế, ngân hàng… đề xuất cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, nhằm tiếp tục đầu tư tái tạo nguồn lực.

Ngư dân Đồ Sơn (Hải Phòng) dọn dẹp môi trường khu vực bến cá.

Ngư dân Đồ Sơn (Hải Phòng) dọn dẹp môi trường khu vực bến cá.

Ngay lúc này, cả thành phố đang căng mình với công tác hộ đê, khi các dòng lũ từ thượng lưu đã di chuyển về Hải Phòng, nơi tập trung mật độ cửa sông thuộc diện nhiều nhất phía Bắc, đồng thời tập trung cao độ khắc phục hậu quả của bão, hỗ trợ ngư dân các quận huyện thiệt hại nặng như Cát Hải, Thủy Nguyên, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Tiên Lãng… phục hồi sản xuất.

Theo ông Lưu Văn Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sở NN&PTNT Hải Phòng, để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, Trung tâm cũng đang tập trung triển khai các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, bao gồm cả các hộ nuôi thả thủy sản nước ngọt, nước lợ và lồng bè nước mặn.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng kịp thời giúp ngư dân tu sửa, bảo trì các phương tiện đánh bắt, để các ngư dân có thể triển khai đánh bắt. Ông Lưu Đình Dũng, Chủ tịch UBND phường Hải Sơn (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) cho biết, tại khu vực cảng cá trên địa bàn phường có 226 phương tiện tránh trú bão, do chuẩn bị tốt nên không có phương tiện nào bị đắm. Hiện hơn 100 phương tiện của ngư dân quận Đồ Sơn đã xuất bến đánh bắt ở vùng lộng và ven bờ, trước mắt lấy nguồn thủy sản khai thác bù đắp một phần cho nguồn nuôi thả bị thiếu hụt.

Những mẻ cá đầu tiên được ngư dân Đồ Sơn đánh bắt ven bờ đã cập bến.

Những mẻ cá đầu tiên được ngư dân Đồ Sơn đánh bắt ven bờ đã cập bến.

Đáng mừng là sau sự chi viện kịp thời từ trung ương và các địa phương bạn, hiện cả Hải Phòng và Quảng Ninh đã cơ bản phục hồi hoạt động của hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông đường bộ, đường thủy, lưới điện, viễn thông…

Cùng với đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tại Hải Phòng, Quảng Ninh nhanh chóng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng, hộ dân, hộ gia đình giãn, hoãn nợ và vay vốn, với gần 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng.

Đây là cơ sở hết sức quan trọng để các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như an sinh xã hội trở lại bình thường, trong đó có các ngư dân. Dẫu vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân vùng tâm bão sẽ kiên cường vượt qua.

Văn Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ngu-dan-vung-tam-bao-no-luc-khac-phuc-hau-qua-de-ra-khoi-i743984/