Ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ ngư trường truyền thống

Ngoài việc kịch liệt phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, những ngày này, ngư dân vẫn giương buồm thẳng tiến vùng biển truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Mặc cho phía Trung Quốc thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng ngư dân miền Trung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đều xem quy chế cấm đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc thông báo là không có giá trị.

Ngoài việc kịch liệt phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, những ngày này, ngư dân vẫn giương buồm thẳng tiến vùng biển truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi đang xuất bến ra vùng biển Hoàng Sa.

Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi đang xuất bến ra vùng biển Hoàng Sa.

Dù bị mất tàu cá QNg 90617TS và ngư lưới cụ thiệt hại hàng tỷ đồng do tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 4301 tấn công, đâm chìm khi đang đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 4/2020, ông Trần Hồng Thọ (trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn đang chạy khắp nơi vay mượn tiền tiếp tục đóng mới tàu để vươn khơi, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống.

Ông Thọ khẳng khái nói: “Khi đủ số tiền từ vay mượn và sự hỗ trợ của nghiệp đoàn, của các nhà hảo tâm thì tôi sẽ khẩn trương đóng tàu cá mới để tiếp tục ra khơi. Biển của nước mình thì mình có quyền đánh bắt, ngại chi phía Trung Quốc ngang ngược cấm đánh bắt cá”.

Tại huyện đảo Lý Sơn có trên 500 tàu cá hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa, Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh và An Hải kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, chia sẻ: “Tàu hải cảnh Trung Quốc hết lần này đến lần khác ngăn cản ngư dân chúng tôi đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên đây là vùng biển của cha ông bao đời nay nên chúng tôi không sợ, quyết tâm bám biển đến cùng”.

Còn ngư dân Nguyễn Quốc Thái, ở xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, chủ tàu cá QNg 98219TS cho hay, mấy năm gần đây, phía Trung Quốc gia tăng hành động chèn ép tàu cá của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Các tàu Trung Quốc ngày càng gia tăng những vụ rượt đuổi, đâm va, cướp phá ngư cụ, tài sản của ngư dân Việt Nam.

“Những hành động quấy nhiễu, cướp phá của phía Trung Quốc cần được xem xét và xử lý theo pháp luật quốc tế. Giữa tháng 4 và tháng 5 này, Trung Quốc lại cấm biển, những ngư dân mình vẫn đi biển. Vì vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là biển của nước mình thì ngư dân mình có quyền đánh bắt, Trung Quốc sao có lệnh cấm phi lý như thế được”, ông Thái bức xúc bày tỏ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, khẳng định: “Việc nghiêm cấm của Trung Quốc không cho ngư dân chúng tôi khai thác trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam là vô cùng phi lý. Đối với nghiệp đoàn chúng tôi thường xuyên tuyên truyền ngư dân bám biển khai thác hải sản vì đây là vùng biển của mình”.

Hiện nay, các tàu cá ngư dân miền Trung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đều tham gia khai thác hải sản tại ngư trường vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với họ, vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống mà hàng trăm năm trước cha ông đã đổ xương máu, đạp sóng ra đây để đo đạc hải trình, dựng bia cắm mốc chủ quyền, thì không thể để một tấc biển, đảo rơi vào tay kẻ khác…

Trà Câu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/ngu-dan-vuon-khoi-bam-bien-bao-ve-ngu-truong-truyen-thong-594486/